ClockThứ Hai, 30/07/2018 12:45

Quyền sở hữu trí tuệ trong khởi nghiệp: Xác lập càng sớm càng tốt

TTH - Cùng với khởi nghiệp, sở hữu trí tuệ (SHTT) không chỉ là một quyền được pháp luật bảo hộ mà còn là chiến lược, tài sản và thậm chí là bí quyết thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Giữ niềm đam mêKhởi nghiệp từ nghề đan bàn, ghế bằng dây nhựaKhó khởi nghiệp trong ngành du lịch

Lê Thị Kim Hằng (giữa) nhận giải nhất tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp vùng Bắc Trung bộ 2018. Ảnh: Sở KHCN

Cần quan tâm ngay từ khi bắt đầu

TS. Hà Nguyệt Thu (Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo, thuộc Cục Sở hữu trí tuệ) từng chia sẻ, giai đoạn đầu khởi nghiệp, các nhà khởi nghiệp còn khó khăn, thường họ không để tâm đến những thứ chưa ảnh hưởng tới họ hoặc công việc của họ. Nhiều nhà khởi nghiệp khi tạo ra 1 sản phẩm, bắt đầu đưa ra thị trường hoặc kêu gọi đầu tư thì vấn đề SHTT mới đặt ra. Trong nhiều trường hợp, thời điểm này là đã muộn. Rất có thể, công nghệ của nhà khởi nghiệp không còn mới, thậm chí sản phẩm khởi nghiệp đã chứa đựng những yếu tố xâm phạm đến quyền SHTT của người khác. Lời khuyên của tôi là các nhà khởi nghiệp, nếu có thể, hãy quan tâm ngay từ khi bắt đầu triển khai.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư cộng hưởng, SHTT góp phần tạo ra sự khác biệt bền vững so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường về khả năng nhận diện thương hiệu, đặc trưng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Nó cũng có giá trị như một tấm vé bảo đảm giúp nhà khởi nghiệp hạn chế hành vi sao chép và bắt chước của đối thủ cạnh tranh. Một nguyên tắc đặc trưng của hệ thống đăng ký quyền sở hữu công nghiệp là “first-to-file”. Nghĩa là, “trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ”. Các nhà khởi nghiệp nên đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình các sớm càng tốt.

Tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thừa Thiên Huế năm 2017, Lê Thị Kim Hằng (Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại YESHUE), tác giả của sản phẩm “Gia vị nấu bún bò Huế - chuẩn vị Huế”, được trao giải nhất. Ngay từ khi bắt đầu đến nay, sản phẩm của Hằng luôn gắn với thương hiệu YESHUE. Hằng bảo, đó như là một sự khẳng định: “Chuẩn Huế”, “Huế đây rồi”, hay “Đây chính là Huế” khi gia vị nấu bún bò Huế của YESHUE đến tay người tiêu dùng. Hằng nói thêm, do ý thức được vấn đề SHTT từ rất sớm, nên ngay khi thành lập công ty, Hằng đã tiến hành việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm. Nhờ đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu YESHUE thuận lợi và không bị lúng túng, mất công khi bị trùng lắp nội dung với những sản phẩm tương tự.

Sản phẩm gia vị bún bò chuẩn Huế của YESHUE

Sớm đăng ký

Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bà Nguyễn Thị Thu Trang có một số lưu ý với các nhà khởi nghiệp khi đăng ký quyền SHTT. Không phải trong mọi trường hợp, quyền SHTT được pháp luật tự động thừa nhận mà cần phải thông qua quá trình đăng ký xác lập quyền đối với các tài sản trí tuệ của mình. Vì vậy, nhà khởi nghiệp cần phải nhận diện các tài sản trí tuệ của mình và tiến hành đăng ký bảo hộ đối với những tài sản đó. Nếu cần thiết, có thể tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia về SHTT.

Quyền SHTT chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định (10 năm đối với nhãn hiệu, 20 năm đối với bằng sáng chế), nên cần lưu ý gia hạn các quyền SHTT của mình khi đến hạn. Quyền SHTT chỉ có hiệu lực ở quốc gia mà doanh nghiệp đăng ký bảo hộ, ngoại trừ quyền tác giả và quyền liên quan. Nếu doanh nghiệp có chiến lược phát triển sang các thị trường khác, cần đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ tại các quốc gia đó. Cuối cùng, nhà khởi nghiệp cần có quy chế bảo mật riêng đối với các bí mật kinh doanh của mình. Về bản chất, bí mật kinh doanh là một quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ mà không cần phải đăng ký và chủ sở hữu bí mật kinh doanh phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ.

“Đăng ký quyền SHTT là một quá trình lâu dài, có thể mất hơn một năm để nhận được bằng chứng nhận quyền SHTT và tốn nhiều tiền của khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp lo ngại khi mà tài chính chưa ổn định. Tuy nhiên, sự tổn thất do bị mất hoặc bị xâm phạm các quyền này còn lớn hơn rất nhiều nếu các nhà khởi nghiệp không hành động kịp thời. Vậy nên, nhà khởi nghiệp không nên vì một số chướng ngại trước mắt mà để xảy ra những hậu quả khôn lường về sau”, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Cộng hưởng nhấn mạnh.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trên hành trình khởi nghiệp

Toàn tỉnh có gần 1.000 phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh. Trên hành trình khởi nghiệp, những hội viên, phụ nữ luôn được các cấp hội đồng hành, hỗ trợ...

Trên hành trình khởi nghiệp
Khởi nghiệp xuất sắc

Giữa vùng đất Lăng Cô (Phú Lộc) tiềm năng, “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc” toàn quốc Nguyễn Anh Khôi đang viết tiếp câu chuyện tuổi trẻ bằng ngọn lửa của sự sáng tạo và cống hiến.

Khởi nghiệp xuất sắc
Sen Huế & trà sữa

Từ khát khao phát triển một sản phẩm gắn liền với đặc sản Huế, cô gái trẻ tốt nghiệp Trường đại học Luật, Đại học Huế Nguyễn Thị Tường Vy, đã nghiên cứu và tìm tòi đưa hương vị sen Huế vào trà sữa - món đồ uống yêu thích của giới trẻ.

Sen Huế  trà sữa
Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

TIN MỚI

Return to top