ClockThứ Năm, 01/10/2020 14:22

Thầy giáo khiếm thị mê công nghệ

TTH - Không chỉ tận tâm, từ tấm lòng nhân ái của mình, thầy giáo khiếm thị Nguyễn Viết Thương đã mang ánh sáng của tri thức, công nghệ đến những người chung cảnh ngộ.

Người thầy đầu tiên của trẻ khiếm thị

Phương pháp dạy gần gũi của thầy Thương truyền tình yêu công nghệ đến học viên 

“Ghiền” công nghệ

Sinh ra ở Phong Hải (Phong Điền), nhưng 28 năm nay, chỉ những năm đầu đời là cậu bé Nguyễn Viết Thương được nhìn tỏ tường sự vật. Bệnh đục thủy tinh thể làm mất đi những sắc màu trong cuộc sống, nhưng không làm mất đi niềm đam mê tin học của cậu bé mù miệt biển.

Năm 1998, Nguyễn Viết Thương tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù tỉnh. Cũng từ đó, cậu được học chữ Braille. Một chân trời mới mở ra. Thế nhưng, cánh cửa của chàng trai mù mới thật sự xuất hiện vào năm 2006, Thương kể: “Đó là lần đầu tiên tôi tiếp cận máy tính. Cảm giác rất khó tả vì lúc đó sách chữ nổi đắt tiền và khó tra cứu những thông tin chuyên sâu. Nó đã mở ra một con đường mới, cho phép tôi và những người cùng cảnh ngộ tìm hiểu kiến thức dễ dàng hơn”.

Chưa có hỗ trợ giọng đọc tiếng Việt, Thương phải mò mẫm tìm học tiếng Anh. Ngoài những giờ lên lớp, Thương “lén lút” vào phòng máy tính thao tác. Thầy cô giáo lắc đầu trước sự bướng bỉnh ấy, vì ngoài máy tính, hầu như cậu bé Thương chẳng còn quan tâm đến điều gì khác.

Vẫn chưa hài lòng với những kiến thức tích cóp được, Nguyễn Viết Thương khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh học về web, Java, lập trình. Năm 2017, những nỗ lực của chàng trai 9X được đền đáp. Anh theo học khóa tin học do Tổ chức JICA – Nhật Bản tài trợ, sẵn sàng để trở thành một giáo viên. Đồng thời, Nguyễn Viết Thương đã xuất sắc đạt giải nhì cuộc thi Liên hoan Tin học toàn quốc dành cho người khiếm thị năm 2017.

Từ năm 2018 đến nay, thầy giáo Nguyễn Viết Thương đã trở thành giáo viên hợp đồng, cùng một giáo viên khác đảm nhận lớp máy tính và điện thoại thông minh dành cho người mù.

Những lớp học đặc biệt

Cách dạy đặt mình vào vị trí học viên của thầy Thương vô cùng hiệu quả. Không nhìn thấy, nhưng “hiểu”, từ đó, thầy giáo trẻ truyền động lực cho những học trò của mình. Chị Trương Thị Thanh Tiên, một học viên mù chia sẻ: “Tôi mê thơ văn lắm, từ giờ có thể làm hay gõ bài thơ mình yêu thích, hơn nữa còn khám phá rất nhiều kiến thức. Cuộc đời tôi thật sự đã lật sang trang khác, tươi sáng, đầy niềm vui hơn”.

Năm 22 tuổi, bệnh teo dây thần kinh đáy mắt làm chị Tiên mất đi thị lực. Những năm sau đó là chuỗi ngày chị vật lộn với nỗi đau không bao giờ nhìn thấy ánh sáng. Tháng 7/2020, chị trở thành học viên lớp máy tính. Chỉ hơn một tháng học tập, chị đã thành thạo Word, tạo tập tin, thư mục... “Máy tính đã trở thành người bạn và cũng là nguồn hạnh phúc đối với người mù như tôi. Vì thế tôi rất cảm ơn hai thầy giáo, nhất là thầy Thương đã luôn động viên, đồng hành cùng mình trên cả chặng đường dài”, chị Tiên xúc động nói.

Không chỉ truyền cảm hứng trên lớp, thầy giáo Nguyễn Viết Thương đã tự mình lập nên trang web miễn phí nguyenvietthuong.com. Ngoài đào tạo, chia sẻ và trao đổi những kiến thức công nghệ dành cho người mù, khiếm thị, trang web còn là tấm lòng của thầy giáo Thương cho những người đồng cảnh ngộ.

Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Đam mê công nghệ và rất nhiệt thành với hoạt động giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Viết Thương đã truyền động lực cho rất nhiều học viên. Đó cũng là cảm hứng giúp các học viên tự tin với bản thân, hoà nhập cùng cộng đồng”.

Chỉ mới một năm hình thành, thầy giáo 9X đã cho ra đời hơn 100 video tự quay, cắt ghép hướng dẫn sử dụng các công cụ căn bản của máy tính. Mỗi video kéo dài từ 15 - 20 phút với cách diễn giải dễ hiểu, đơn giản. Trong video, thầy Thương còn giải đáp những thắc mắc của người mù, người khiếm thị để học viên dễ dàng hiểu nội dung.

Mong ước của thầy giáo 9X là những bài giảng trên trang web sẽ trở thành nền tảng để triển khai các lớp học trực tuyến. Chia sẻ của thầy Thương cũng chính là tấm lòng của thầy, luôn tin tưởng vào sự mạnh mẽ, can trường của những người mù, người khiếm thị: “Không quan trọng tiếp cận máy tính khó ra sao, quan trọng nhất là các bạn quyết tâm như thế nào để chinh phục nó. Tôi tin rằng mình làm được thì người mù nào cũng làm được”.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục

Ngày 13/9, tại Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tập huấn công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm 2024 cho các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc Sở và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục
“Nền tảng làm việc số” - sản phẩm xuất sắc của ngành phần mềm, công nghệ thông tin Việt Nam

Tại Lễ Vinh danh và trao Giải thưởng Sao Khuê 2024 do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (VINASA) tổ chức mới đây, “Nền tảng làm việc số tỉnh Thừa Thiên Huế” được bình chọn là sản phẩm xuất sắc của ngành phần mềm, CNTT Việt Nam và được công nhận đạt Top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2024 lĩnh vực Quản trị, điều hành.

“Nền tảng làm việc số” - sản phẩm xuất sắc của ngành phần mềm, công nghệ thông tin Việt Nam
EVNCPC ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh

Ngày 23/8, tại Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) khai mạc diễn đàn trao đổi kinh nghiệm áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) để phân tích mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ mới nổi cho các công ty Điện lực.

EVNCPC ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh

TIN MỚI

Return to top