ClockThứ Bảy, 26/03/2022 13:45

Khai thác thế mạnh vùng chiến khu xưa

TTH - Lên Hòa Mỹ (Phong Mỹ, Phong Điền) hôm nay không chỉ được nghe những câu chuyện về kháng chiến gắn với chiến khu đầu tiên ở Thừa Thiên Huế, mà còn là câu chuyện phát triển kinh tế từ rừng và làm du lịch.

Vùng chiến khu xưa cán đích nông thôn mớiNhịp sống trên vùng chiến khu xưa

Du khách đến vui chơi ở suối Hầm Heo

Đổi thay

Hòa Mỹ là chiến khu đầu tiên ở Thừa Thiên Huế được thành lập vào đầu năm 1947. Dù chỉ duy trì hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng nơi đây đã diễn ra những trận đánh anh dũng, quả cảm của quân và dân ta trong cuộc khách chiến chống Pháp. Nằm cuối nhánh đường 71 của đường Hồ Chí Minh, Hòa Mỹ nằm giữa sông Ô Lâu - Rào Quao và dải núi rừng sát chân động Chuối. Một vùng núi rừng, khe suối rộng lớn dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, thuận lợi cho việc bảo toàn, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng.

Anh dũng, quật cường trong chiến đấu, sau ngày đất nước thống nhất, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phong Mỹ lại bước vào “cuộc chiến” mới, chống đói nghèo, lạc hậu, xây dựng quê hương ngày một phát triển. Lên Hòa Mỹ lúc này mới thấy sự thay đổi của xã mang tầm nông thôn mới. Đường sá rộng rãi, khang trang; điện đường đã vào từng ngõ xóm; nhà cửa được kiên cố, những ngôi nhà hai tầng, ngói đỏ, mái xanh mọc lên san sát hai bên tuyến đường dẫn vào Hòa Mỹ.

Đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Muốc, bản Khe Trăn vào những ngày tháng 3. Ấn tượng bởi cơ ngơi khang trang, vườn cây ăn quả đặc sản. Cùng với kinh tế rừng, gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Muốc trở thành hộ có kinh tế nhất nhì của xã Phong Mỹ sau mấy mươi năm định cư ở trong lòng chiến khu Hòa Mỹ xưa.

Bên căn nhà khang trang, ông Muốc chia sẻ, sau giải phóng, gia đình ông từng di cư lên A Lưới, sang Lào sinh sống. Năm 1977, gia đình ông quyết định trở về lại Hòa Mỹ để định cư. Ban đầu kinh tế còn khó khăn, vất vả; được chính quyền tạo điều kiện, ông mạnh dạn khai canh phát triển rừng, tham gia vào các lớp tập huấn trồng trọt và chăn nuôi.

Đường lên Hòa Mỹ khang trang, thuận lợi

“Sống trong vùng đất cách mạng, được giáo dục và rèn luyện tinh thần cách mạng, bản thân tôi thấy phải cố gắng hơn nữa, tìm tòi những cách làm mới để phát triển kinh tế gia đình. Khi đó, mới xứng đáng với những anh hùng đã nằm xuống ở Hòa Mỹ này, xứng đáng là người dân ở chiến khu anh hùng”, ông Muốc xúc động.

Với chủ trương khai thác thế mạnh các vùng đất đồi bị hoang hóa, những địa danh mà đi vào lịch sử như Khe Trăn, Khe Me nay phủ một màu xanh của những loại cây kinh tế cao như cao su, keo tràm; các vườn cây ăn trái như bưởi, thanh trà; các mô hình kinh tế nông lâm kết hợp… tạo việc làm, thu nhập cao cho người dân. Theo thống kê của UBND xã Phong Mỹ, đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người ở Phong Mỹ đạt 40 triệu đồng.

Gắn chiến khu xưa với du lịch

Hiện nay, Hòa Mỹ được du khách gần xa biết đến với những điểm du lịch mới, hấp dẫn, có cảnh sắc đẹp, hùng vĩ tựa vào dãy Trường Sơn như A Đon, Hầm Heo…

Tháng 4/2021, UBND tỉnh công nhận điểm du lịch sinh thái Thượng nguồn Ô Lâu (Hầm Heo). Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, mỗi năm, vào mùa du lịch suối thác, Hầm Heo thu hút hàng trăm du khách mỗi ngày đến vui chơi, nghỉ dưỡng, mang lại thu nhập cao cho 21 hộ dân kinh doanh phục vụ ăn uống cho khách tham quan, tắm suối.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết, hiện tại, UBND huyện đang quy hoạch chi tiết kết nối điểm du lịch sinh thái Hầm Heo với các điểm du lịch khác như suối A Đon, Khe Me... Bên cạnh đó, du lịch giáo dục lịch sử cách mạng, tìm hiểu chiến trường xưa kết hợp với du lịch suối thác sẽ là hướng đi mới cho Phong Mỹ. Ngoài ra, khi khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng ở Suối khoáng nóng Thanh Tân có thể kết hợp tham quan, tìm hiểu lịch sử cách mạng ở Hòa Mỹ.

"Hiện Phong Mỹ chưa phát triển dịch vụ lưu trú qua đêm, do đó địa phương đang kêu gọi thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực lưu trú, tạo thêm cơ sở để giữ chân du khách ở lại lâu hơn", ông Chung thông tin.

Đường lên chiến khu Hoà Mỹ xưa đã rất thuận lợi, đường sá đều được rải nhựa, bê tông hóa. Hai bên đường nhà ở khang trang, vườn tược xanh tốt. Đẩy mạnh trồng rừng, trồng cao su, phát triển kinh tế và du lịch dựa vào tiềm lực của địa phương... tất cả đang hứa hẹn một tương lai cho vùng đất anh hùng này.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

Hiện trên địa bàn tỉnh còn có 53 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, nhưng có 2 mỏ chưa lắp đặt trạm cân và camera tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã yêu cầu 2 chủ mỏ này tạm dừng hoạt động khai thác.

Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

TIN MỚI

Return to top