ClockThứ Sáu, 26/02/2016 06:53

Hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản sạch

TTH - Trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản chất lượng cao, nổi tiếng và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, trong khi nhu cầu người tiêu dùng rất lớn. Làm gì để hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch trên địa bàn, là vấn đề được đặt ra trong buổi gặp mặt, tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ tháng 2/2016 diễn ra ngày 25/2 tại TP. Huế. Hội nghị do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Sở KH&ĐT

Khó đầu ra, thiếu vốn và kỹ thuật

Tại buổi tiếp xúc, đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở KH&ĐT, Sở Công thương, Sở NN&PTNT và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản sạch trên địa bàn đã thảo luận những khó khăn, vướng mắc cũng như mục đích hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch.

Theo ông  Nguyễn Mậu Chi, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, hiện nay, nhu cầu cần thực phẩm sạch rất lớn. Vấn đề đặt ra hiện nay là vì sao doanh nghiệp lại không làm được chuỗi cung ứng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng? Hiện nay, trên địa bàn các huyện, thị như Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang đang manh nha hình thành các trang trại, cụm nông dân sản xuất sạch. Thế nhưng, để sản phẩm đưa ra thị trường thì người nông dân thiếu nguồn vốn đầu tư, thị trường đầu ra khó khăn, có sự “lẫn lộn” giữa thực phẩm sạch và chưa “sạch”…

Lúa hữu cơ được sản xuất tại cánh đồng Thủy Vân (TX Hương Thủy)

 

Hiện có một số trang trại trên địa bàn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP cung ứng ra thị trường, nhưng sản xuất theo hình thức  “hữu xạ tự nhiên hương”, người biết thì mua, người không biết thì cũng xem như các loại lợn thịt bình thường bán trên thị trường. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là có một tổ chức, đơn vị đứng ra thu mua các sản phẩm nông sản sạch từ người nông dân, cơ sở trang trại và tổ chức hình thành ra chuỗi cửa hàng bán các nông sản sạch, quảng bá để người tiêu dùng biết đến các địa chỉ tin cậy.

Đại diện Cửa hàng nông dân Huế (đường Hai Bà Trưng, thuộc Dự án Nhịp cầu châu Á Nhật Bản) cho biết: “Đến nay đã có 9 hộ nông dân ở các phường Thủy Xuân, Thủy Biều, Hương Long tham gia vào việc cung ứng sản phẩm cho cửa hàng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ nông dân khi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ họ khó tiếp cận được kỹ thuật, quy trình canh tác trong khi năng lực nông dân sản xuất nhỏ lẻ.”

 Yếu tố thị trường cũng khó khăn, vì hiện nay để được vào các kênh phân phối như siêu thị, nhà hàng đòi hỏi các quy định, tiêu chuẩn cao mà người nông dân chưa đáp ứng được. Thêm nữa, sản phẩm phải có sản lượng ổn định, nhãn mác; nguồn vốn tái sản xuất khó khăn cũng là điều bà con nông dân chưa với tới.

Ông Nguyễn Đình Định, Chủ cơ sở sản xuất, sơ chế Rau an toàn Hóa Châu (xã Quảng Thành) cho rằng, điểm thuận lợi là cơ sở đóng trên địa bàn- “vựa” rau lớn của tỉnh, được sự hỗ trợ tích cực của các ban ngành địa phương. Tuy nhiên, khó khăn của đơn vị khi tham gia chuỗi giá trị sản xuất nông sản sạch rất lớn. Ông Định ví dụ, trên cây rau đơn vị sản xuất chịu nhiều các loại thuế làm giá thành tăng lên; muốn ứng dụng công nghệ cao đưa vào sản xuất thì nông dân, cơ sở sơ chế cũng thiếu vốn. UBND tỉnh cần hỗ trợ nông dân sản xuất, chủ thu mua vay vốn lãi suất thấp, dài hạn để chủ động quản lý đầu vào sản phẩm trên đồng ruộng.

Chưa có sự liên kết

Ông Nguyễn Mậu Chi cho rằng, cần có doanh nghiệp đứng ra để hình thành chuỗi liên kết, cung ứng nông sản sạch. Tuy nhiên, chỉ riêng doanh nghiệp sẽ không đủ mà còn cần sự phối hợp ở phía quản lý nhà nước. Chúng tôi cần có sự hướng dẫn của Sở NN&PTNT đối với những hộ nông dân, trang trại muốn sản xuất theo theo chuỗi cung ứng nông sản sạch và xây dựng quy trình nuôi, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, cần Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản duy trì định kỳ và đột xuất xác nhận các hộ nông dân, trang trại đó đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hay chưa. Phía Sở Công Thương hỗ trợ hình thành các chuỗi cửa hàng bán nông sản sạch nằm gần các khu trung tâm đông dân cư, gần các chợ. Làm cho người tiêu dùng biết, nhận diện thương hiệu của các chuỗi cửa hàng này.

Về tư cách pháp nhân của chuỗi cung ứng nông sản sạch sẽ do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đảm nhận. Sau đó, chuỗi này sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, công ty, các nhà đầu tư hình thành ra một doanh nghiệp làm những công việc cụ thể.

Góp ý tại hội nghị, bà phạm Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: “Hội Nông dân sẽ làm cầu nối giữa người nông dân với doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp làm thế nào để cung ứng dịch vụ đầu vào, hướng dẫn nông dân sản xuất theo như đúng nhu cầu của doanh nghiệp đối với từng loại sản phẩm. Doanh nghiệp thông qua các chuỗi cung ứng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hội Nông dân sẽ kết nối những hộ dân có đất sản xuất, có kinh nghiệm, điều kiện đáp ứng yêu cầu thu mua của doanh nghiệp.”

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: “Về mặt tổ chức sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nông sản như rau má VietGAP (Quảng Thọ), rau ăn lá Quảng Thành  và sản xuất 30 ha gạo hữu cơ ở HTX NN Phong Hiền. Thêm nữa, có sản phẩm nông sản hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm. Tới đây, tập đoàn này sẽ làm sản phẩm chăn nuôi hữu cơ”.

Ông Vang cũng cho rằng muốn tiêu thụ được sản phẩm nông sản sạch phải tạo niềm tin cho người tiêu dùng, để sản xuất bền vững thông qua kênh tiêu thụ, có hiệu quả cho người nông dân. Với điều kiện như hiện nay, để hình thành hệ thống chuỗi liên kết sản xuất cần hình thành cửa hàng tiêu thụ sản phẩm nhỏ như Cửa hàng nông dân Huế.

Yêu cầu các sở, ngành hỗ trợ

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: “Việc phát triển chuỗi nông sản xuất sạch nhằm nâng cao giá trị sản xuất, đặc biệt là những sản phẩm mang tính đặc sản, đặc trưng của Huế được xác định chủ trương rất lớn của tỉnh. Vừa qua, UBND tỉnh đã thông qua chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh. Do vậy, yêu cầu các sở, ngành liên quan thực hiện các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản sạch của tỉnh kết nối với các nhà phân phối lớn, góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa bền vững.”.

“UBND tỉnh đã giao cho Sở Công Thương xây dựng một phương án giải pháp phát triển thị trường cho sản phẩm đặc sản Huế, trong đó có sản phẩm nông nghiệp. Chúng tôi quan tâm đến thương hiệu, chuỗi phân phối, chất lượng và giá thành sản phẩm. Trong đề án này, chuỗi cửa hàng phân phối các sản phẩm đặc sản Huế, trong đó có nông sản là một trong những tiêu chí ưu tiên”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Nguyễn Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặc sản cho vụ Tết

Nông sản, đặc sản vùng cao A Lưới đang vào thời điểm hoạt động rộn ràng phục vụ đơn hàng và nhu cầu người tiêu dùng. Đây là mùa sản xuất được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu cao, đồng thời quảng bá các mặt hàng đến với nhiều thị trường.

Đặc sản cho vụ Tết
Đưa nông sản Việt vươn xa

150 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP của 32 tỉnh, thành phố, địa phương trong cả nước cùng quy tụ tại công viên Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội từ ngày 28/11-1/12 tới để trưng bày, giới thiệu nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu; đồng thời quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm hàng hóa nông sản Việt tới các thị trường trong nước và quốc tế.

Đưa nông sản Việt vươn xa
Khởi nghiệp từ nông sản địa phương

Tự tin, năng động và sáng tạo, cô gái 9X Trần Thị Ngọ để lại dấu ấn tích cực với các sản phẩm khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy nông sản địa phương và mở ra con đường khởi nghiệp bền vững cho phụ nữ nông thôn.

Khởi nghiệp từ nông sản địa phương
Phát triển kinh tế từ cây đặc sản

Bằng sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi, chị Đặng Thị Trai Dung (sinh năm 1963), tổ dân phố Lương Quán, phường Thủy Biều, TP. Huế đã phát triển kinh tế gia đình nhờ vào trồng cây đặc sản thanh trà, bưởi của địa phương. Chị cũng rất nhiệt tình tham gia công tác hội và các phòng trào của địa phương.

Phát triển kinh tế từ cây đặc sản
“Góc Huế” tại AEON MALL

Trung tâm thương mại AEON MALL Huế đã tạo nên sức hút lớn trong những ngày đầu mở cửa đón khách, khi lượng khách đến đây tham quan, mua sắm rất sôi động. Cùng với các thương hiệu nổi tiếng, không gian văn hóa địa phương (Local Corner) tạo dấu ấn rất riêng không chỉ cho trung tâm thương mại này, mà còn là điểm nhấn thể hiện sự đồng hành của chính quyền và các sở, ban, ngành trong hành trình đưa sản phẩm Huế đến gần với các chuỗi cung ứng lớn.

“Góc Huế” tại AEON MALL

TIN MỚI

Return to top