ClockThứ Sáu, 25/11/2022 14:16

Hàng hóa thương hiệu Việt xuất khẩu sang các thị trường trong EVFTA còn hạn chế

Mặc dù EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, nhưng thực tế Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm gắn thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam được phân phối ở thị trường này. Nhiều sản phẩm Việt Nam đang được xuất khẩu vào thị trường quốc tế nhưng lại đứng dưới tên thương hiệu của quốc gia khác.

“Trái ngọt” từ EVFTATận dụng Hiệp định EVFTA xây dựng thương hiệu ngành hàngThực thi EVFTA: Xoá những khoảng cáchHiệp định EVFTA mở rộng xuất khẩu hàng Việt vào thị trường Đan MạchEVFTA: ‘Chất xúc tác’ giúp xuất khẩu sang EU tăng trưởng tích cực

Sau 2 năm thực thi, EVFTA đã thể hiện rõ những hiệu quả tích cực tới tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước EU.

Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng “cao tốc EVFTA” để gia tăng hợp tác và tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. Theo đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong EU đều ghi nhận tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực. Đáng chú ý, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa hơn nữa.

Tuy gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu nhưng số lượng hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn mang thương hiệu nước ngoài.

Nguyên nhân được cho là do doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của phát triển thương hiệu tại thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp lại thường tập trung vào tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nên việc nhận thức về vai trò của phát triển thương hiệu thường không được quan tâm đúng đắn. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm, năng lực chế biến cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp cũng được cho là còn hạn chế.

Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp đánh giá, EVFTA đã tạo ra được một tiếng vang đã làm cho những nhà nhập khẩu, các đối tác quốc tế ở bên này quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam. Riêng chỉ bằng cam kết của Chính phủ tham gia vào Hiệp định EVFTA đã tạo ra sự quan tâm rất lớn từ phía các bạn.

Đối với thị trường Pháp, trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu đạt 4,29 tỷ euro, tăng 16% so với 2021 và tăng 20% so với 2020. Dự kiến trong năm 2022, Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt mốc xuất khẩu sang Pháp trên 6 tỷ euro,

Cơ hội là rất lớn, theo ông Vũ Anh Sơn, hàng hóa Việt Nam rất đa dạng và có vị trí, tuy nhiên xuất khẩu sang Pháp vẫn còn tập trung nhiều vào một số các mặt hàng chủ đạo, những mặt hàng tưởng chừng như thế mạnh của ta như hàng nông sản, thực phẩm vẫn chưa có nhiều, vì vậy tiềm năng còn nhiều để khai thác.

“Cho tới nay ngoài Lộc Trời với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Pháp là một doanh nghiệp đã thành công trong việc tiếp cận hệ thống đại siêu thị tại châu Âu, chủ động tiếp cận với hệ thống đại siêu thị tại Pháp thành công. Còn lại tôi chưa thấy có doanh nghiệp nào chủ động thành công để đưa vào hệ thống đại siêu thị là phân khúc cuối cùng của hệ thống phân phối bán lẻ tại Châu Âu. Tuy nhiên ta cũng phải xác định một điều rằng xây dựng thương hiệu Việt Nam và tiếp cận vào các hệ thống đại siêu thị không phải là câu chuyện cho tất cả các doanh nghiệp, mà chỉ dành cho một số nhỏ những doanh nghiệp có đầy đủ năng lực, có hiểu biết về thị trường và có một chiến lược phát triển bài bản”, ông Vũ Anh Sơn thẳng thắn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho hay, Hapro có thị trường trên 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và mỗi năm xuất khẩu trên 100 triệu USD. EU là một trong những thị trường chiến lược của Hapro khi chiếm tới trên 30% thị phần.

“Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, các sản phẩm của Hapro xuất được lợi thế là ưu đãi hơn về thuế. Cùng với đó, tiếng vang của Hiệp định EVFTA làm cho khách hàng quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam hơn”, ông Lê Anh Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, theo đại diện Hapro, xuất khẩu sang Châu Âu yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, muốn xuất khẩu hàng vào Châu Âu thì ta cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài ra, vấn đề PR sản phẩm, bao bì, nhãn mác cần phù hợp với văn hóa địa phương…

Thừa nhận số lượng thương hiệu Việt Nam tại EU còn hết sức khiêm tốn so với tiềm năng, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU mới chỉ chiếm 2% thị phần, có nghĩa là trong một cái chiếc bánh rất to nhưng hàng hóa của Việt Nam mới chiếm một phần hết sức nhỏ bé và do đó còn một dư địa rất lớn để cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu vào EU.

Để phát triển được thương hiệu với thị trường, theo bà Thủy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng nghiên cứu kỹ về thị trường của EU, xem thị trường đó có nhu cầu như thế nào, có những yêu cầu ra sao để sản xuất được những sản phẩm mà thị trường EU cần chứ không phải bán những cái sản phẩm mà chúng ta có.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần phải thay đổi những tư duy đối với việc kinh doanh tại thị trường EU, đó là phải thấu hiểu văn hóa của thị trường EU, thấu hiểu các tập quán kinh doanh của khối thị trường này và cần phải thay đổi một tư duy bán hàng. Sản phẩm ngoài việc hợp nhãn với người tiêu dùng EU nhưng cũng cần mang những bản sắc của Việt Nam để giúp cho việc định vị thương hiệu, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp sẽ tốt hơn ở thị trường này.

“Trong quá trình làm việc với các đối tác EU doanh nghiệp cũng cần lưu ý phải hết sức trung thực, đảm bảo ổn định về khả năng cung ứng hàng hóa và chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường EU. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng cần lưu tâm đến việc tìm kiếm những người uy tín ở thị trường này để giới thiệu và lan tỏa những sản phẩm của doanh nghiệp. Đó là các doanh nhân Việt kiều và các chuyên gia về thị trường tại EU. Bên cạnh đó, hiện nay các kênh, các mạng xã hội cũng đã rất nở rộ và phát triển mạnh mẽ ở thị trường EU thì doanh nghiệp cũng có thể tận dụng những kênh này để quảng bá thương hiệu sản phẩm”, bà Thủy nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết thêm, trong thời gian tới Cục Xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào những nhóm, mặt hàng được đánh giá là sẽ có năng lực để bứt phá ở thị trường châu Âu để ưu tiên đẩy mạnh trọng tâm hỗ trợ, giúp cho chúng ta xây dựng được những cánh chim đầu đàn trong việc phát triển thương hiệu tại EU, tạo những lực kéo để thúc đẩy các doanh nghiệp khác cũng phát triển theo.

Bên cạnh đó Cục Xúc tiến thương mại cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu, đây là những nét mới để phù hợp với những xu thế hiện nay để thực hiện được các hoạt động này một cách là hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn về chi phí trong khi đó lại sẽ thu được những lợi ích cụ thể và thiết thực hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc phát triển tại thị trường EU.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông sản Việt trước yêu cầu của thị trường EU

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với các mặt hàng cà-phê, gỗ và cao su của Việt Nam với kim ngạch hằng năm đạt gần 3 tỷ USD. Đây cũng là các mặt hàng chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Quy định chống phá rừng (EUDR) sắp có hiệu lực thi hành. Quy định này sẽ tác động lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa, đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt.

Nông sản Việt trước yêu cầu của thị trường EU
EU tăng cường nỗ lực chống lại thông tin sai lệch trực tuyến

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) đang diễn ra trên khắp Liên minh châu Âu (EU), các quan chức cấp cao của khối cho biết việc thao túng thông tin và phát tán nội dung lừa đảo trực tuyến có thể gây ra các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và từ đó, kêu gọi bảo vệ quá trình bầu cử.

EU tăng cường nỗ lực chống lại thông tin sai lệch trực tuyến

TIN MỚI

Return to top