ClockThứ Ba, 01/02/2022 11:56

Đọc kỹ Nghị định 100/CP trước khi uống rượu bia lái xe ngày Tết

Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, số vụ và số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu bia trong cả nước lại tăng cao và diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Ngăn chặn tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông“Quên” Nghị định 100Xử lý nghiêm để hình thành thói quen tốtTết an yên - “Đã uống rượu bia, không lái xe”Không chỉ là an toàn giao thôngTiêu thụ bia rượu giảm sau thực thi Nghị định 100Nghị định 100/CP không 'vênh' với Luật Giao thông đường bộ

Uống rượu bia lái xe là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT

Đọc kỹ Nghị định 100/CP trước khi uống rượu bia lái xe ngày Tết. Ảnh: Mạnh Linh.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) thống kê, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết có liên quan rượu bia, con số này đang có xu hướng gia tăng, nhất là vào các dịp Tết, lễ hội Xuân. Khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới đối với các nạn nhân nhập viện vì TNGT, có tới hơn 36% số người lái xe máy và gần 67% người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Trong số 100 nạn nhân tử vong vì TNGT có liên quan đến rượu bia, độ tuổi từ 15 - 29 chiếm tới gần 60%. Nam giới chiếm trêm 90% tổng số nạn nhân.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG Khuất Việt Hùng khẳng định, nguyên nhân hàng đầu khiến TNGT trong dịp Tết diễn biến phức tạp và khó kiểm soát là do tình trạng sử dụng rượu bia lái xe. Tập quán sử dụng rượu bia trong dịp lễ, Tết của người dân, đặc biệt là thanh niên, ở các địa bàn nông thôn, khiến dễ dàng vi phạm các quy tắc ATGT như: Đi sai phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường...

Nghị định 100/CP/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ - đường sắt quy định, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ) phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 - 24 tháng.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng và tước GPLX từ 22 - 24 tháng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.

Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng nếu điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc; gây TNGT không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Để ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu, bia gây TNGT trong dịp Tết, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, lực lượng công an các địa phương cần xử lý quyết liệt người uống rượu bia lái xe. Tại các vùng nông thôn, lực lượng công an chính quy ở xã phối hợp với lực lượng tuần tra giao thông của công an huyện tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết quy định pháp luật về xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện; cảnh báo nguyên nhân, hậu quả sau khi sử dụng rượu bia tham gia giao thông. Đối với những trường hợp vi phạm nhưng vẫn cố tình lái xe, lực lượng công an cần xử lý nghiêm.

Nghị định 100/CP thay đổi thói quen, hành vi của người tham gia giao thông

Sau 1 năm triển khai, đến nay Nghị định 100/CP đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thay đổi hành vi, thói quen của nhiều người tham gia giao thông. Theo ông Khuất Việt Hùng, để có được kết quả này, trước tiên phải kể đến là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, từ việc xây dựng đến tổ chức thực hiện Nghị định 100/CP trong thời gian ngắn, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt.

Bên cạnh đó, Nghị định 100/CP tăng nặng chế tài xử phạt đối với những hành vi có tính chất nguy hiểm, uy hiếp ATGT cao như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, phát huy tác dụng răn đe vi phạm. Ngoài ra, Nghị định 100/CP đã quy định để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong xử phạt (bao gồm cả việc sử dụng hình ảnh từ người dân cung cấp để xử phạt vi phạm), đảm bảo ngăn chặn vi phạm từ gốc, vì người vi phạm bất cứ khi nào cũng có thể bị phát hiện và bị xử phạt.

Trên thực tế, Nghị định này đã là làm thay đổi nhận thức của người dân. Người dân đã nhận thức đúng về những hành vi vi phạm nghiêm trọng có thể dẫn đến hậu quả là bị tai nạn và bị xử phạt nặng. Từ nhận thức đúng này đã giúp thay đổi hành vi, người dân khi đã uống rượu bia không lái xe cá nhân và đi bằng phương tiện công cộng. Đây là thay đổi quan trọng nhất, hiệu quả đích thực và bền vững của Nghị định 100/CP đối với công tác đảm bảo ATGT.

Năm 2022, khẩu hiệu năm ATGT sẽ là “Nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật trong đảm bảo trật tự ATGT”. Nghị định 100/CP sẽ tiếp tục là hành lang pháp lý để tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật, duy trì tuần tra, kiểm soát, xử phạt. Mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật đều phải nêu gương về thực thi pháp luật, nhân văn, tận tụy, tận tâm vì dân phục vụ.

Theo Tin tức TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chung sức kiến tạo diện mạo nông thôn

Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào hiến đất làm đường, chỉnh trang khu dân cư đã trở thành điểm nhấn, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại.

Chung sức kiến tạo diện mạo nông thôn

TIN MỚI

Return to top