ClockThứ Hai, 22/09/2014 12:55

Tỷ lệ có việc vẫn thấp

TTH - Vất vả thi tuyển đầu vào, nỗ lực học tập 4 năm để lấy được tấm bằng đại học (ĐH) nhưng nhiều cử nhân sư phạm ra trường không nhận được nhiệm sở đành gác lại giấc mơ bục giảng để làm trái ngành trái nghề...

Sinh viên thực hành thí nghiệm ở Khoa Hóa, Trường đại học Sư phạm.

Cử nhân làm... công nhân

Theo số liệu Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm, năm 2013 có 58% sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề từ năm đầu tiên sau khi ra trường; 7% học tiếp cao học. Tỷ lệ có việc làm sẽ tăng lên trong năm tiếp theo phấn đấu hơn 65%.
Thu Hằng, sinh viên vừa tốt nghiệp Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Huế cho hay: “Một số bạn tốt nghiệp cùng lớp với em đang làm công nhân ở Bình Dương và khu công nghiệp Phú Bài; số còn lại đi dạy thêm và làm gia sư tại nhà. Mọi năm cuối tháng 8 là Sở Giáo dục và Đào tạo công bố chỉ tiêu tuyển dụng nhưng năm nay đến giờ vẫn không thấy”.
Để khỏi “ăn bám” gia đình, bản thân Hằng đang đi bán cà phê cho một người quen với thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng và dạy kèm 2 học sinh với mức thu nhập 1,3 triệu/tháng. Chưa xin được việc, cô cử nhân này cho biết đang tiếp tục học cao học để sau này có thể sẽ dễ xin việc hơn với tấm bằng thạc sĩ.
Nói đến chuyện xin việc, Thanh Phương, sinh viên khoa Văn, Trường ĐH Sư phạm chán nản: “Nhiều anh chị khoá trên em nói, học giỏi ra trường cũng không có việc làm. Thấy vậy em cũng hơi nản. Chị Bùi Thị T, học sư phạm Hoá ở gần nhà em tốt nghiệp loại giỏi, ra trường đã hai năm nay vẫn chưa xin được việc. Giờ chị ấy phải đi dạy kèm nhiều suất, vất vả lắm”. Một trường hợp khác cũng ở gần nhà Phương ra trường đã 3 năm mà chưa xin được biên chế trường nào, vào làm việc ở Đoàn phường một thời gian, sau đó đã nghỉ để đi buôn bán.
Mất 4 năm đèn sách, nhiều sinh viên sư phạm ra trường không nhận được nhiệm sở phải đi làm đủ thứ việc trái nghề, từ công nhân đến nhân viên công ty bảo hiểm, đi dạy kèm,... và cả đi bán cà phê để khỏi phụ thuộc gia đình. Đây là thực trạng nhức nhối không chỉ với sinh viên sư phạm khi cánh cửa việc làm quá hẹp.
“Cung” vượt xa “cầu”   
Theo PGS.TS.Nguyễn Thám, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế, không chỉ sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm, sinh viên nói chung, thất nghiệp nhiều sau khi ra trường nguyên nhân là do kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp giải thể dẫn đến nhu cầu việc làm giảm. Bên cạnh đó, hệ thống các trường ĐH phát triển quá nhanh, nhiều trường cao đẳng chuyển thành đại học, dẫn đến “cung” vượt “cầu”. “Chuyện xây dựng trường ĐH không chỉ là chuyện xây cơ sở vật chất mà quan trọng là hình thành đội ngũ, việc này không thể làm trong vài năm, PGS.Thám nhấn mạnh. Việc ra đời nhiều trường ĐH dẫn đến chất lượng đào tạo ĐH bị ảnh hưởng, không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng”.

Nhiều sinh viên sư phạm ra trường canh cánh với nỗi lo thất nghiệp

 
Nguồn tuyển sinh hàng năm quá lớn cũng là lý do dẫn đến việc dư thừa giáo viên hiện nay. PGS.Thám đưa ra ví dụ, năm 2013, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH trên toàn quốc là 16.000 (con số này chưa kể các trường thuộc địa phương). Năm nay đưa ra 25.500 chỉ tiêu. “Tưởng chủ trương của bộ giảm nhưng thống kê cho thấy con số có giảm nhưng không đáng kể, xuống 25.200 chỉ tiêu, như vậy chỉ giảm có 300 chỉ tiêu”, PGS.Thám nói.
TS. Tôn Thất Dụng, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường ĐH Sư phạm Huế cho rằng, một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng dôi dư giáo viên và giảm chất lượng giáo viên đó là do quy định trước đây, sinh viên tốt nghiệp không phải ngành sư phạm, sau khi ra trường có thể đi đào tạo nghiệp vụ sư phạm vài tháng là có thể đi dạy. Trong lúc đó, sinh viên sư phạm được đào tạo bài bản tới 4 năm về nghiệp vụ sư phạm. “Việc tuyển dụng đánh giá năng lực người được tuyển dụng chỉ dựa vào bằng cấp sẽ không đánh giá đúng năng lực. Điều này cũng dẫn đến việc một số trường dễ dãi cho điểm sinh viên để tạo điều kiện cho sinh viên dễ dàng xin việc. Trong khi sinh viên sư phạm Huế kiếm được bằng giỏi, xuất sắc là rất khó”, PGS.Dụng nói.
“Đối với giáo viên, kiến thức chỉ là một phần, cơ bản là phải có phẩm chất, năng lực giáo dục. Đầu vào Trường ĐH Sư phạm Huế cao, điểm tuyển sinh năm nay sư phạm Lý là 19, sư phạm Hóa 20-21 điểm tuỳ theo khối,... trong lúc các trường chỉ lấy ngang sàn. May mắn vừa rồi, bộ đã tạm ngừng chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên không phải tốt nghiệp ngành sư phạm”, PGS.Thám nói thêm.
Lời giải cho bài toán thất nghiệp
Theo PGS.Thám, giải pháp cho bài toán thất nghiệp của cử nhân sư phạm hiện nay chính là phải mạnh dạn quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo giáo viên. Điều này không chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể làm được mà Chính phủ mới có thể giải quyết.
Giải pháp thứ hai là, kiên quyết giảm chỉ tiêu và Bộ GD-ĐT không chỉ nắm chỉ tiêu của các trường thuộc Bộ mà cả các trường thuộc địa phương. “Trường ĐH Sư phạm Huế có năng lực đào tạo 2.350 sinh viên nhưng lãnh đạo nhà trường nhận thấy tình hình sinh viên ra trường khó xin việc nên đã giảm xuống 1.900 chỉ tiêu rồi còn 1.800 năm ngoái, và năm nay là dưới 1.700 chỉ tiêu”, PGS.Thám cho biết.
Giải pháp thứ ba là phải thay đổi cách tuyển dụng giáo viên. Làm thế nào tuyển dụng giáo viên chọn được người có năng lực thực sự chứ không phải theo cách hiện nay là tính điểm từ trên xuống, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường. “Bây gi, một số sở GD-ĐT đang đổi mới cách tuyển dụng và 70 - 80% sinh viên sư phạm đã lọt vào. Cách tuyển dụng mới này đòi hỏi các trường nỗ lực cạnh tranh”, PGS.Thám nhìn nhận. Bộ GD-ĐT phải nắm thực trạng và dự báo được năm 2020 cả nước sẽ thiếu nhân lực ở ngành gì để quy hoạch lại các trường, xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp.
Một giải pháp nữa để giải quyết nạn dôi dư giáo viên là giảm sĩ số học sinh/lớp. Như vậy nhu cầu giáo viên sẽ tăng lên và quan trọng là chất lượng dạy và học sẽ nâng lên, vì sĩ số thấp (khoảng 30 học sinh/lớp) thầy cô dễ dàng nắm đặc điểm tâm sinh lý các em để có cách dạy phù hợp, phát huy năng lực cá nhân học sinh.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Huế, trong vài năm tới với việc thực hiện Nghị quyết 29, Nghị quyết 44 của Chính phủ, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29 CP của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và kế hoạch hành động của ngành GD-ĐT về việc thực hiện Nghị quyết 44 của Chính phủ sẽ nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015 và lúc đó cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên sẽ tốt hơn.
Bài, ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học văn hóa địa phương qua trải nghiệm Tết

Trước kỳ nghỉ Tết, nhiều trường học tổ chức các hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền vừa tạo không khí vui tươi, vừa giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh.

Học văn hóa địa phương qua trải nghiệm Tết
Học sinh vui Tết, đón xuân

“Tết đoàn kết – phiên chợ nghĩa tình” là hoạt động trải nghiệm Tết Huế dành cho các em học sinh của Trường tiểu học Vĩnh Ninh (Quận Thuận Hóa), diễn ra ngày 24/1.

Học sinh vui Tết, đón xuân
“Nhà chuyên sum vầy - Tết trọn niềm vui”

Đó là chủ đề chương trình chào xuân Ất Tỵ 2025, hướng đến kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Trường THPT chuyên Khoa học Huế tổ chức ngày 23/1.

“Nhà chuyên sum vầy - Tết trọn niềm vui”
Chàng trai mang điểm cầu Olympia về Huế

Chiến thắng của Lê Quang Duy Khoa, học sinh lớp 11 Anh 2, Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế tại cuộc thi Quý 1 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25 đã tiếp tục mang cầu truyền hình chung kết Olympia lần thứ 3 liên tiếp về Huế.

Chàng trai mang điểm cầu Olympia về Huế

TIN MỚI

Return to top