ClockChủ Nhật, 14/07/2024 19:42

Đảm bảo công bằng cho thí sinh

TTH.VN - Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, trong quá trình tổ chức chấm thi, đã rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn, đặc biệt là thực hiện việc phá sóng ở khu vực chấm thi để quá trình chấm thi diễn ra nghiêm túc. Bộ GD&ĐT cũng đã thành lập tổ kiểm tra công tác chấm thi tại Thừa Thiên Huế.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: An toàn và nghiêm túcĐề thi các môn tổ hợp có tính phân hóa cao

Thí sinh làm thủ tục dự thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Môn ngữ văn: Chấm kỹ và đều tay

Sau khi hoàn thành bài thi môn ngữ văn tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, nhiều học sinh phấn khởi cho hay, đề thi môn ngữ văn năm nay không khó. Nhiều em cho rằng mình “trúng tủ” với bài thơ “Đất Nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong phần làm văn.

Tuy nhiên, theo một số giáo viên dạy văn, việc “trúng tủ” cũng không hẳn. “Năm nào, học sinh cũng nói trúng tủ, trúng đề nhưng thật ra là trúng tác phẩm. Thầy cô bao giờ cũng dạy kỹ những tác phẩm trọng tâm trong chương trình. Với bài “Đất Nước”, chắc chắn các giáo viên dạy bắt đầu từ đoạn đầu tiên. Việc nói trúng tủ cũng là tâm lý chung như mọi năm”, thầy giáo Trần Văn Toản, Tổ trưởng tổ Văn, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế chia sẻ sau kỳ thi.

Điều này cũng thể hiện qua kết quả bài thi môn ngữ văn. Theo đánh giá của một số giám khảo, năm nay, thí sinh làm bài cũng như mọi năm. Nhiều em làm bài rất tốt nhưng cũng có những học sinh làm chưa tốt, suy diễn, thiếu kỹ năng phân tích. Các mức điểm khác nhau vẫn tồn tại nhưng nhìn chung, điểm môn ngữ văn năm nay nhỉnh hơn năm ngoái, vì nhìn tổng thể, đề thi năm nay dễ làm bài.

Một giáo viên có nhiều kinh nghiệm chấm thi cho rằng, bài làm môn ngữ văn của học sinh không theo những bài văn mẫu mà thể hiện rất đa dạng, phong phú. Nhiều em làm bài rất sáng tạo. Vì vậy, việc nhận định học sinh làm bài na ná nhau theo văn mẫu là chưa chính xác. Thực tế, học sinh có muôn vàn cách làm bài, diễn đạt, khai thác đoạn thơ khác nhau. Hơn nữa, ngoài bài nghị luận văn học 5 điểm, 5 điểm còn lại là phần đọc hiểu và nghị luận xã hội đòi hỏi thí sinh phải tư duy, sáng tạo.

 Thí sinh thảo luận sau kỳ thi

Ngữ văn là môn tự luận duy nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Những năm gần đây, đề thi ngữ văn ra theo hướng mở nên thí sinh có nhiều cách làm bài, diễn đạt sáng tạo riêng. Thế nên, khi chấm thi môn này, bên cạnh việc dựa theo gợi ý đáp án, các giám khảo phải chấm kỹ, đều tay để đảm bảo chính xác, không bỏ sót ý và ghi nhận sự sáng tạo của học sinh.

Được biết, đáp án, hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT luôn có điểm để ghi nhận sự sáng tạo của học sinh trong cả hai phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học; đồng thời, cho khung điểm để ghi nhận sự linh hoạt, chiều sâu bài viết của học sinh, chứ không đếm ý cho điểm.

Đảm bảo chính xác

Công tác chấm thi là khâu quan trọng trong quá trình điều hành tổ chức kỳ thi. Sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, công tác chấm thi được Sở GD&ĐT triển khai ngay từ ngày 29/6. Thực hiện Quy chế thi của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã huy động lực lượng đội ngũ thầy cô giáo, gồm 135 cán bộ làm nhiệm vụ chấm thi; trong đó, 100 cán bộ giáo viên chấm thi tự luận môn ngữ văn, 35 cán bộ chấm thi các môn trắc nghiệm.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng các trường, Sở GD&ĐT lựa chọn đội ngũ thầy cô giáo giàu kinh nghiệm, chấm vững vàng trong nhiều năm qua để “cầm cân, nảy mực” trong quá trình chấm thi, đảm bảo quyền lợi, thể hiện đúng năng lực của học sinh.

Mỗi bài thi ngữ văn được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán bộ chấm thi của hai tổ chấm thi khác nhau. Trong quá trình triển khai chấm 2 vòng độc lập, song song với việc chấm bài thi của các tổ chấm thi, ban chấm thi còn có tổ chấm kiểm tra thực hiện chấm ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận đã được cán bộ chấm thi chấm xong lần chấm thứ nhất hoặc lần chấm thứ hai theo tiến độ chấm thi để kiểm soát lại chất lượng chấm giữa các giám khảo.

Quy trình chấm thi được quản lý chặt chẽ, phản ánh đúng thực chất kết quả làm bài của học sinh

Để bảo đảm việc chấm đều tay giữa các giám khảo và hạn chế tối đa việc chấm “lỏng” hoặc “chặt”, tất cả các cán bộ chấm thi thực hiện thảo luận hướng dẫn chấm trước khi tiến hành chấm bài thi; thực hiện chấm chung ít nhất 10 bài trước khi thực hiện chấm 2 vòng độc lập.

Ngoài môn ngữ văn chấm theo hình thức tự luận, các môn còn lại chấm thi trắc nghiệm trên phần mềm được Bộ GD&ĐT trang cấp và theo quy trình của công tác chấm thi trắc nghiệm. Quy trình chấm thi trắc nghiệm hiện nay được quy định rất rõ trong Quy chế thi, theo từng khâu, từng bước chặt chẽ và có sự giám sát của thanh tra.

Ông Nguyễn Tân cho biết, trong quá trình tổ chức chấm thi, Sở GD&ĐT đã rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn, đặc biệt là thực hiện việc phá sóng ở khu vực chấm thi để quá trình chấm thi diễn ra nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, công bằng cho học sinh. Bộ GD&ĐT cũng đã thành lập tổ kiểm tra công tác chấm thi tại Thừa Thiên Huế. Ngoài chấm thi 2 vòng độc lập, còn có thêm bộ phận chấm kiểm tra. Điều này giúp cho quá trình chấm thi của đội ngũ thầy cô giáo chắc tay, phản ánh đúng thực chất kết quả làm bài của học sinh. Đồng thời, đảm bảo hoàn thành tốt kỳ thi từ khâu nhân sao đề thi đến tổ chức coi thi và chấm thi, công bố kết quả thi.

Sau khi hoàn thành công tác chấm thi, việc rà soát tổng hợp, đối sánh dữ liệu điểm thi cũng được quản lý chặt chẽ tất cả các khâu để đảm bảo công bằng, khách quan, chính xác, kịp thời cập nhật, chuyển dữ liệu để Bộ GD&ĐTcông bố kết quả vào 8h ngày 17/7.

MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025:
Đánh giá toàn diện năng lực người học

Năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được thi theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong đó tập trung đánh giá năng lực toàn diện của người học. Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các trường tích cực phổ biến quy chế, ôn tập để học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp đến.

Đánh giá toàn diện năng lực người học
GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người

Theo các chuyên gia, sự phụ thuộc ngày càng tăng của con người vào trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) có thể khiến họ mất đi lợi thế trong việc phát triển các kỹ năng đọc, viết và kỹ năng phân tích quan trọng trong tương lai.

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người

TIN MỚI

Return to top