ClockThứ Năm, 14/04/2022 14:28

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022.

Chủ động điều chỉnh tuyển sinh theo quy định chungBổ sung phương án tuyển sinh đối với thí sinh không tham dự kì thi tốt nghiệp THPT do dịch bệnhNhiều điểm mới trong tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ

Thí sinh sau khi hoàn thành bài thi môn Tiếng Anh tại điểm thi Trường THPT Ernst Thalmann (Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Dự thảo Quy chế gồm 4 chương, 27 điều - quy định những nguyên tắc, yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình, quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác tuyển sinh đại học và tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non cho các hình thức đào tạo; quy định cụ thể về tổ chức thi phục vụ tuyển sinh do các cơ sở đào tạo thực hiện và xét tuyển đào tạo hình thức chính quy.

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm nay có một số điểm mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin trước đó như: Lọc ảo tất cả các phương thức xét tuyển trong lần 1; đăng ký nguyện vọng xét tuyển sau khi biết điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông; việc bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình hợp lý, không làm chỉ tiêu của phương thức, tổ hợp sử dụng trong năm trước giảm quá 30% chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo…

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định về tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm. Cụ thể: Cơ sở đào tạo có kế hoạch xét tuyển sớm đối với một số phương thức tuyển sinh tổ chức cho thí sinh đăng ký dự tuyển bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo.

Cơ sở đào tạo thực hiện quy trình xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung. Cơ sở đào tạo công bố và tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp Trung học Phổ thông) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung, hoàn thành trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Thí sinh đã dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm, sau đó phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường hợp thí sinh đã được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp Trung học Phổ thông) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (tùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác).

Trường hợp không đủ điều kiện trúng tuyển vào một ngành đào tạo theo nguyện vọng, thí sinh vẫn có thể tiếp tục đăng ký ngành đào tạo đó theo phương thức tuyển sinh khác trên hệ thống.

Về thông báo kết quả và xác nhận nhập học, dự thảo quy định, cơ sở đào tạo gửi giấy thông báo cho những thí sinh trúng tuyển nhập học, trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học và phương thức nhập học của thí sinh.

Việc xác nhận nhập học phải được thực hiện bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống. Trong trường hợp cơ sở đào tạo quy định thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức khác (qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo hoặc có thể kết hợp trong quy trình nhập học), cơ sở đào tạo phải thực hiện việc xác nhận nhập học cho thí sinh trên hệ thống.

Đối với những thí sinh không xác nhận nhập học trong thời hạn quy định: Nếu không có lý do chính đáng thì coi như thí sinh từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận.

Nếu do ốm đau, tai nạn, có giấy xác nhận của bệnh viện quận, huyện trở lên hoặc do thiên tai có xác nhận của UBND quận, huyện trở lên, cơ sở đào tạo xem xét quyết định tiếp nhận thí sinh vào học hoặc bảo lưu kết quả tuyển sinh để thí sinh vào học sau.

Nếu do sai sót, nhầm lẫn của cá nhân, tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh hoặc cá nhân thí sinh gây ra, cơ sở đào tạo chủ động phối hợp với các cá nhân, tổ chức liên quan xem xét các minh chứng và quyết định việc tiếp nhận thí sinh vào học hoặc bảo lưu kết quả tuyển sinh để thí sinh vào học sau.

Thí sinh đã xác nhận nhập học tại một cơ sở đào tạo thì không được tham gia xét tuyển ở nơi khác hoặc ở các đợt xét tuyển bổ sung, trừ trường hợp được cơ sở đào tạo cho phép.

Trong dự thảo quy chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng dự kiến giữ nguyên mức điểm ưu tiên khu vực. Cụ thể, mức điểm cộng ưu tiên giữ nguyên (khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm và khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm).

Tuy nhiên, điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho thí sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông (hoặc trung cấp) năm nay. Với thí sinh đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông các năm trước đó, khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được tính điểm ưu tiên khu vực. Đây là điểm thu hẹp hơn so với quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học

Đó là mục tiêu của hội thảo “Quảng bá kết quả dự án Phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách và Pháp luật Môi trường” (CCP-Law) do Đại học Huế tổ chức sáng 7/1.

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học
Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025:
Đánh giá toàn diện năng lực người học

Năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được thi theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong đó tập trung đánh giá năng lực toàn diện của người học. Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các trường tích cực phổ biến quy chế, ôn tập để học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp đến.

Đánh giá toàn diện năng lực người học

TIN MỚI

Return to top