ClockThứ Tư, 24/03/2021 14:26

Giữ gìn ca Huế trong giới trẻ

TTH - Tín hiệu vui là ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm về với văn hóa di sản của cha ông. Nhiều bạn trẻ ở Trường THPT chuyên Quốc Học Huế tâm nguyện gìn giữ, bảo tồn ca Huế. Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản ca Huế.

Giáo viên và nghệ nhân giao lưu ca HuếĐưa ca Huế vào học đường: Sự chuẩn bị cho tương lai

Học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế tập hát ca Huế

“Rất nhiều người hỏi em tại sao lại yêu thích ca Huế? Tại sao lại chọn câu lạc bộ (CLB) ca Huế? Trương Sĩ Tú Anh, học sinh lớp 12 Anh 1 Trường THPT chuyên Quốc Học chia sẻ. Theo Tú Anh, các bạn trẻ hiện nay thường chỉ biết đến ca Huế thông qua các chương trình “ca Huế trên sông Hương” và tỏ ra không mấy hứng thú với loại hình nghệ thuật từng đóng vai trò quốc nhạc này. Tuy vậy, Tú Anh cho rằng, “ca Huế trên sông Hương” đã trở nên thương mại hóa, không còn giữ được “hồn” của những điệu hò Huế và rất khó để thu hút những người trẻ, vốn yêu thích những thể loại nhạc thịnh hành hơn như pop, rock, ballad…

Có thể hát được ca Huế, Tú Anh luôn cảm thấy trong từng điệu hò của ca Huế sự khoan thai, dàn trải, ngọt ngào như tâm hồn người xứ Huế. Nhận thấy sự thờ ơ của giới trẻ với một nét văn hóa đặc sắc của quê hương, Tú Anh và những người bạn của mình đã ấp ủ một dự án nhằm tạo cho mọi người một cái nhìn khác hơn về ca Huế. Từ đó, “Thiên Quang Hậu Mạc” mùa thứ hai đã ra đời. Được biết, “Thiên Quang Hậu Mạc” là một sự kiện trình diễn nhạc kịch hiện đại, kết hợp với các loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam do các bạn trẻ của Trường THPT chuyên Quốc Học dàn dựng và biểu diễn. Trong mùa đầu tiên, vở kịch kết hợp với nghệ thuật tuồng Huế của các bạn được khán giả đón nhận khá tích cực. Ở mùa thứ hai này, ca Huế là nguồn cảm hứng để Tú Anh và “đồng đội” xây dựng kịch bản cũng như luyện tập, chuẩn bị cho ngày công diễn.

“Lý do mà chúng em lấy ca Huế làm cảm hứng là do tính thân thuộc, gần gũi với con người xứ Huế. Hằng ngày, ngoài giờ học ở trường và các giờ học thêm, em và các bạn thường xuyên ở lại trường vào buổi trưa để luyện tập những cảnh trong vở kịch của mình. Tuy vậy, do các thành viên trong “Thiên Quang Hậu Mạc” đa phần đều đang học lớp 12 nên cũng thật khó để chúng em tụ tập đông đủ trong một buổi tập”, Tú Anh cho biết. Khó khăn là thế, nhưng hơn 100 thành viên của dự án ai cũng cố gắng, nỗ lực để hoàn thành vai diễn của mình. Đến hiện tại, vở kịch đã bước vào những cảnh tập luyện cuối cùng. Dự kiến, “Thiên Quang Hậu Mạc 2” sẽ được công diễn vào cuối tháng 4 sắp tới.

Tú Anh và các bạn còn được sự hướng dẫn của cô giáo Hồ Thị Tâm (nhà văn Đông Hà) trong quá trình chuẩn bị kịch bản. Các bạn đã tự tìm đọc những tài liệu nghiên cứu về ca Huế để tự xây dựng nên vở kịch của mình, cùng với sự cố vấn của cô Đông Hà để giúp hoàn thiện kịch bản. “Các em có niềm đam mê rất lớn đối với ca Huế và cũng rất chịu khó tìm hiểu để tránh những sai sót trong nội dung kịch bản. Chính vì vậy, qua mỗi lần chỉnh sửa, vở kịch lại càng có nội dung chặt chẽ và ít sai sót hơn.”, cô Đông Hà chia sẻ.

“Là những người con của mảnh đất Kinh đô một thuở, em nhận ra rằng tuy ca Huế vẫn còn được mọi người biết đến, những giai điệu vẫn còn được cất lên trên mảnh đất này, nhưng ca Huế đã không còn phát triển rực rỡ như cách nó đã từng. Thông qua “Thiên Quang Hậu Mạc”, hy vọng mọi người, đặc biệt là những người trẻ sẽ quan tâm đến ca Huế nhiều hơn, để giữ gìn một di sản văn hóa độc đáo mà người xưa để lại”, Tú Anh bộc bạch.

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa Huế không thể là sự tự thân của mỗi ai. Để vun đắp tình yêu với văn hóa di sản cho lớp trẻ, cần sự quan tâm của xã hội, các ngành, các cấp tạo điều kiện để các em có thể thâm nhập sâu hơn. Nếu các em tổ chức các hoạt động thâm nhập thực tế, tìm hiểu di tích một cách hiệu quả, có thể hỗ trợ bằng cách miễn vé. Nếu các em muốn tìm hiểu sâu về nhã nhạc, các đơn vị nghệ thuật có thể biểu diễn, giới thiệu, hướng dẫn...

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”
Giữ gìn văn hóa Huế

Văn hóa Huế tuy chỉ là một đường vân, một mảng màu, một góc riêng trong bức tranh đa sắc của văn hóa Việt Nam nhưng cũng sống động, lộng lẫy, bao la và đằm sâu. Tự biết sức mình nên tôi chỉ chọn những gì cụ thể, mắt thấy tai nghe về văn hóa Huế, những nét riêng có và dĩ nhiên Đẹp của người Huế viết ra đây để chúng ta có thể tự hào.

Giữ gìn văn hóa Huế
Giữ gìn môi trường sạch đẹp

Huế đã có thương hiệu thành phố xanh, môi trường sống sạch, đẹp là điều không chỉ người dân sở tại mà du khách, những người xa quê trở về đã nhận định, thán phục. Kết quả đó, ngoài thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả "Ngày Chủ nhật xanh", còn đến từ ý thức giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp của người dân.

Giữ gìn môi trường sạch đẹp
Tăm cá mùa nước lên

Với những người ưa chuộng bộ môn câu cá, mỗi khi nghe nơi đâu có tăm cá, dù xa hàng chục cây số họ cũng sẵn sàng lặn lội đến nơi để thỏa lòng đam mê sông nước.

Tăm cá mùa nước lên

TIN MỚI

Return to top