ClockThứ Tư, 18/05/2022 14:46

Giáo dục phổ thông mới ở A Lưới

TTH - Trong bối cảnh ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, ngành giáo dục và đào tạo A Lưới vẫn thể hiện nỗ lực vượt khó trong triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Đây là chương trình được kỳ vọng là thay đổi căn bản, toàn diện hướng tới hình thành nhân cách, khơi gợi năng lực cho học sinh ngay từ lớp 1. Cùng với cả nước, 3 vấn đề lớn mà giáo dục A Lưới phải tập trung giải quyết là cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chọn sách giáo khoa.

Khen thưởng cho học sinh đạt giải ở Trường THPT A Lưới

Chú trọng cơ sở vật chất

Toàn huyện A Lưới hiện có 17 trường tiểu học, 9 trường trung học cơ sở, 3 trường trung học phổ thông và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Ngay từ năm học đầu tiên áp dụng chương trình GDPT mới với lớp 1, để đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là các yếu tố quan trọng để thực hiện thành công chương trình, ngành GD&ĐT A Lưới đầu tư xây dựng mới 19 phòng học với tổng kinh phí 13 tỷ đồng; sửa chữa 8 phòng học với tổng kinh phí 6,5 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị dạy học trên 9 tỷ đồng.

Phòng GD&ĐT A Lưới kịp thời chỉ đạo các trường rà soát nhu cầu và có kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất dạy học đối với lớp 2 và lớp 6 theo chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới thực hiện trong năm học 2021 - 2022. Mạng lưới trường, lớp toàn huyện từng bước được sắp xếp, sáp nhập, thu gọn đầu mối. Năm học 2021 - 2022, huyện tiến hành sáp nhập 2 trường tiểu học là Vừ A Dính và Kim Đồng thành Trường tiểu học Kim Đồng.

Do đặc thù vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... vẫn còn không ít điểm trường đang gặp khó khi triển khai chương trình GDPT mới. Việc trang cấp thiết bị phục vụ dạy và học chưa đáp ứng kịp thời. Một số trường tiểu học và trung học cơ sở còn thiếu phòng chức năng, phòng thực hành bộ môn theo chuẩn quy định, phòng thư viện. Trang thiết bị tại một số cơ sở giáo dục xuống cấp nên việc đổi mới phương pháp dạy học hiệu quả chưa cao.

Coi trọng đội ngũ giáo viên

Áp dụng chương trình GDPT mới, giáo viên phải thực hiện phương pháp dạy học mới, phải dạy học tích cực, hướng dẫn học sinh hoạt động, tự tìm tòi kiến thức, phát triển kỹ năng vận dụng vào đời sống. Theo ông Trần Viết Văn, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT A Lưới, cùng với cơ sở vật chất được tăng cường, đội ngũ giáo viên được rèn luyện qua 10 năm tổ chức dạy học ngày 2 buổi là thuận lợi cho A Lưới khi triển khai chương trình GDPT mới. Tính đến cuối năm 2021, A Lưới có 373 giáo viên tiểu học và 319 giáo viên trung học cơ sở.

Ngành giáo dục huyện chỉ đạo quyết liệt trong việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, tăng cường năng lực cán bộ quản lý, hướng tới đổi mới phương pháp dạy học trong năm học này theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên về cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; chất lượng, trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn 94,7%.

Cũng ngay trong năm học đầu tiên, cùng với đội ngũ giáo viên lớp 1, Phòng GD&ĐT cũng đã tổ chức thêm nhiều buổi tập huấn và triển khai các tiết dạy thử tại địa phương vừa giúp giáo viên trực tiếp đứng lớp nắm kỹ phương pháp hơn, vừa chia sẻ để giáo viên các khối lớp trên có thể hình dung được phương pháp tổ chức lớp học; nhất là giáo viên lớp 2, cần có sự chuẩn bị sớm để năm học tới tiếp nhận học sinh lớp 1 của năm học 2021 - 2022.

Khảo sát cho thấy, hầu hết lãnh đạo các trường đều thống nhất việc cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trước rồi đến học sinh, thay đổi, bổ sung các phương pháp dạy, kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp, cùng với đó là bồi dưỡng kiến thức chung cho học sinh.

Chủ động lựa chọn và định hướng phát triển

Điểm mới nhất của chương trình GDPT là đổi mới sách giáo khoa. Sách giáo khoa phổ thông mới được xây dựng theo hướng coi trọng dạy người với dạy chữ,  phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học sinh; tăng cường tính tương tác trong dạy và học; coi trọng việc gắn liền kiến thức giảng dạy với thực tiễn cuộc sống.

Năm học đầu tiên áp dụng chương trình GDPT mới với học sinh lớp 1, Phòng GD&ĐT A Lưới chủ động chuẩn bị đủ cho 100% học sinh có sách để học; 18/21 Trường tiểu học ở A Lưới chọn bộ sách “Cánh diều” của Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; 3 trường còn lại chọn bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXB Giáo dục Việt Nam. Tất cả các bộ sách được chọn đều đảm bảo các tiêu chí của bộ đề ra. Cuối năm học, các trường được chỉ đạo báo cáo tình hình sử dụng sách giáo khoa lớp 1 trong năm học 2020-2021; nêu rõ những ưu điểm, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất trong năm học 2021 - 2022.

Rút kinh nghiệm từ năm học đầu tiên với lớp 1, chuẩn bị áp dụng chương trình GDPT mới với học sinh lớp 2 và lớp 6 vào năm học 2021 - 2022, Phòng GD&ĐT A Lưới có hướng dẫn việc chọn sách gắn với bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng sách giáo khoa. Theo tinh thần đổi mới, sách giáo khoa chỉ là bộ tài liệu, nên ngoài bộ sách của trường mình chọn, giáo viên cần đọc, tham khảo các bộ sách khác để tăng thêm kiến thức, giúp ích rất nhiều cho việc truyền thụ kiến thức cho học sinh của giáo viên. Đáng nói là, hầu hết giáo viên và học sinh đều tiếp cận với chương trình mới khá tốt.

Chuẩn bị cho năm thứ 3 áp dụng Chương trình GDPT mới, ngay trong năm học 2021 -2022, ngành GD&ĐT A Lưới đã hướng dẫn giáo viên các trường tham gia tập huấn về sử dụng sách giáo khoa lớp 3 và lớp 7 do Bộ và Sở GD&ĐT tổ chức nhằm chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học theo chương trình các lớp này. Đồng thời, tích cực đổi mới công tác quản lý, phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra và tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Ngành cũng tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh ở các bậc học gắn với phát triển đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, đáp ứng với yêu cầu thực hiện dạy học ngoại ngữ theo chương trình GDPT mới.

Ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành chương trình GDPT và được gọi là GDPT mới, thay thế cho chương trình GDPT được ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/ 5/2006. Chương trình GDPT mới xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực được kỳ vọng. Ban hành kèm theo Thông tư này là chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục của các cấp học. Lộ trình thực hiện từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2024 -2025.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Những xu hướng mới trong ngành xe nâng mà bạn cần biết

Công ty Cổ phần Xe nâng Thiên Sơn thành lập vào năm 2017 là đại diện chính thức, duy nhất của thương hiệu xe nâng Hangcha tại Việt Nam. Với tầm nhìn trở thành nhà phân phối xe nâng hàng đầu tại thị trường trong nước, Thiên Sơn cam kết cung cấp sản phẩm chất lượng cao giúp doanh nghiệp nhanh chóng cập nhật xu hướng mới để duy trì tính cạnh tranh.

Những xu hướng mới trong ngành xe nâng mà bạn cần biết
“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên
Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học

Đó là mục tiêu của hội thảo “Quảng bá kết quả dự án Phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách và Pháp luật Môi trường” (CCP-Law) do Đại học Huế tổ chức sáng 7/1.

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học

TIN MỚI

Return to top