ClockThứ Năm, 08/10/2020 06:09

Những “bông hoa” của núi rừng A Lưới

TTH - Vượt lên cái khó và cái nghèo, vượt lên nỗi buồn của số phận, nỗ lực học tập tốt, các em là học sinh Trường THPT A Lưới, những “bông hoa” núi rừng, sẽ bước vào cánh cửa đại học năm nay, chuẩn bị hành trang tri thức, bước tiếp trên con đường làm chủ tương lai.

Trao học bổng Nguyễn Thị Định cho học sinh huyện A Lưới

Hồ Thị Nhật Linh (đứng) phụ bán cà phê giúp anh, chị

Muốn gặp Hồ Thị Nhật Linh (thôn KaNôn1, xã Lâm Đớt), chúng tôi phải gọi mấy cuộc điện thoại để tìm kiếm, xem bây giờ em đang ở với ai. “Mất mẹ từ lúc còn học lớp hai, mấy năm sau bố cũng bệnh qua đời, Linh sống phận mồ côi, lúc ở cùng anh, khi dì nuôi vài bữa, thương lắm”- chị Nguyễn Thị Tứ (công tác tại Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện A Lưới) kể. Thời gian này, Linh đang ở cùng anh chị họ, vừa học, vừa phụ giúp anh chị bán cà phê tại thị trấn A Lưới.

Trưa nên quán vắng khách, Linh nhanh nhẹn xếp lại bàn ghế thật ngay ngắn. Cô học trò cuối cấp THPT, có dáng dấp nhỏ bé so với lứa tuổi. Có không biết bao nhiêu thiếu thốn, chông chênh, trong chặng đường tuổi thơ non nớt, nhưng Linh đã cố gắng học tập, để 12 năm liền là học sinh giỏi. Và 28 điểm trong kỳ thi vừa qua, là số điểm khá cao, để em có thể bước vào cánh cửa đại học (Linh có nguyện vọng vào Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Hiện, điểm sàn của trường này là 19-21 điểm).

Được thầy, cô động viên, Nguyễn Trần Thảo Nhi miệt mài học tập

Số phận của cô học trò Nguyễn Trần Thảo Nhi (thôn Vinh Lợi, xã Sơn Thủy) cũng kém may mắn, khi bố mẹ của em chia tay nhau lúc em đang học lớp 3. Sau biến cố đó, người mẹ đưa hai con thơ (Nhi và em gái) từ TP. Hồ Chí Minh trở về quê hương A Lưới, một mình chèo chống bằng nghề mua bán ve chai, nên cuộc sống của 3 mẹ con muôn phần vất vả, thiếu thốn. “Không có tiền, nên em gái Nhi phải nghỉ học. Nhiều lúc túng quẫn, hụt hơi, tui đành bảo Nhi thôi thì cũng nghỉ học luôn. Nhưng thấy con khao khát được học, thương quá, tui cố ráng”- mẹ Nhi chia sẻ.

Trong những ngày hè, Nhi đi làm thêm các công việc như đổ đất vào bì để làm bầu gieo giống tràm, giữ em cho người khác…, phụ mẹ tiền mua đồ dùng học tập, sách vở.

“Tiếp sức” cho cô học trò hiếu học, cô giáo Nguyễn Thanh Hương, giáo viên dạy môn toán của trường, dạy thêm miễn phí cho Nhi suốt cả 3 năm. “Em đừng ngại, cứ đến học bất cứ lúc nào” là lời dặn dò ấm áp của cô giáo Nguyễn Thanh Hương, cũng là động lực để Nhi càng cố gắng trên con đường học tập. Không chỉ 12 năm liền Nhi đạt danh hiệu học sinh giỏi, năm lớp 9 từng đoạt giải nhì môn Vật lý cấp huyện, mà em còn được xét tuyển thẳng vào Trường ĐH Kinh tế - Đại học Huế năm nay.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Nghĩa, giáo viên chủ nhiệm của Linh và Nhi bộc bạch, nhà trường, các thầy cô giáo, hội phụ huynh học sinh đã góp phần giúp các em nuôi giữ ngọn lửa đam mê, nỗ lực học hành trong từng việc làm thiết thực. Được miễn đóng góp các khoản quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh, phí giữ xe đạp…, các em còn được nhiều tổ chức xã hội trao học bổng học sinh nghèo vượt khó. Các thầy cô giáo là những người kết nối để nhiều mạnh thường quân hỗ trợ, chia sẻ với các em về vật chất lẫn tinh thần.

Được sự quan tâm, sẻ chia của nhà trường, của cộng đồng, nên cũng như Linh và Nhi, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THPT A Lưới cũng rất nỗ lực vươn lên để học tập tốt, như em Huyền Trang (mồ côi cha), em Thanh Phương (mồ côi mẹ), em Tuyết Nhi (mồ côi mẹ)…, để đền đáp yêu thương.

Vậy nên, tôi mới hiểu, suốt câu chuyện, cô học trò mồ côi cả cha lẫn mẹ Hồ Thị Nhật Linh lại nói rất nhiều về lòng biết ơn, để các em không chỉ cố gắng học tập mà còn tham gia những hoạt động xã hội, rèn luyện bản lĩnh và trách nhiệm, bởi chặng đường phía trước rất nhiều khó khăn, gian nan. “Em dự định trong thời gian học đại học sẽ kiếm việc làm thêm, để bớt phần nào gánh nặng cho mẹ. Sau này có công việc ổn định, sẽ cố gắng hỗ trợ cho em gái học một nghề để tự chủ tương lai”- Nguyễn Trần Thảo Nhi nói về ước mơ.

Với tấm lòng người thầy, người cha thứ hai, thầy giáo Nguyễn Ngọc Nghĩa luôn đau đáu ước muốn, Hồ Thị Nhật Linh, Nguyễn Trần Thảo Nhi và những học trò mồ côi hiếu học của mảnh đất biên giới còn nhiều khó khăn A Lưới, được các mạnh thường quân, cộng đồng tiếp tục chia sẻ, đồng hành cùng các em trên con đường học tập.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao quà cho học sinh nghèo học giỏi ở huyện Phú Lộc

Ngày 9/1, Hội Khuyến học huyện Phú Lộc phối hợp với đơn vị tài trợ Hội Vietkids - Ban Từ thiện Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Huế tổ chức trao quà cho học sinh nghèo học giỏi ở huyện Phú Lộc.

Trao quà cho học sinh nghèo học giỏi ở huyện Phú Lộc
Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 109 hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm từ thịt bò và chăn nuôi bò được Hội Nông dân (HND) huyện cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa
Khánh thành công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại A Lưới

Ngày 24/12, Đoàn viên thanh niên, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) phối hợp với Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức khánh thành công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại thôn A Rom, xã Hồng Hạ (A Lưới).

Khánh thành công trình thanh niên Thắp sáng đường quê tại A Lưới

TIN MỚI

Return to top