ClockChủ Nhật, 19/05/2024 06:32

Đẩy mạnh tour tuyến du lịch gắn với di tích lưu niệm Bác Hồ

TTH - Không chỉ phát huy một cách rộng rãi nhất giá trị lịch sử, văn hóa của các di sản vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế, những năm qua Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế còn chú trọng việc kết nối các doanh nghiệp lữ hành đưa hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh vào các chương trình tour tuyến.

Chỉnh lý nhà trưng bày di tích lưu niệm Bác Hồ tại làng Dương NỗTạo sản phẩm hấp dẫn cho hệ thống di tích lưu niệm Bác Hồ

 Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị hiện đang làm việc với nhiều công ty lữ hành để đưa các tour du lịch thử nghiệm và hy vọng thời gian tới, hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế sẽ là điểm đến xuất hiện thường xuyên trong các chương trình tour tuyến của các hãng lữ hành trong và ngoài tỉnh.

Thưa bà, sau hơn 3 năm Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, việc phát huy những giá trị di tích đã có những thay đổi ra sao so với trước đó?

Sau khi được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, hệ thống di tích này đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tích cực quảng bá, tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội nhằm phát huy một cách rộng rãi nhất giá trị lịch sử, văn hóa của các di sản vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế.

Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi viết, sáng tạo clip quảng bá, các hình thức truyền thông để công chúng có thể tiếp cận và đến tham quan các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế ngày càng đông hơn. Hàng năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế và các di tích Bác Hồ ở Huế đón trên 120.000 lượt khách tham quan.

Được biết, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch”. Vậy việc triển khai đề án đó hiện nay đã đến đâu?

Đề án này được phê duyệt từ tháng 5/2021. Từ đó đến nay, chúng tôi đã tập trung triển khai vào rất nhiều mục tiêu chính, quan trọng. Có thể kể đến như: Chỉnh lý nhà trưng bày bổ sung tại Di tích lưu niệm Bác Hồ tại làng Dương Nỗ, chỉnh lý nội dung Phòng truyền thống và lưu niệm Bác Hồ tại Di tích Trường Quốc Học Huế, tổ chức trưng bày và đưa vào hoạt động không gian trưng bày bổ sung cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đình làng Dương Nỗ để phục vụ khách đến tham quan… Ngoài ra, tu bổ di tích địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại núi Bân; tu bổ, chỉnh trang cảnh quan vườn hoa tại di tích Địa điểm Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba…

Di tích Trường Quốc Học Huế - nằm trong hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt 

Một trong những điểm nhấn khác đó là phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch xây dựng tour du lịch “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế”, kết hợp giữa các điểm di tích Bác Hồ với các cơ sở văn hóa, các làng nghề truyền thống ở địa phương. Bên cạnh đó, kết hợp tổ chức các cuộc thi sáng tạo, xây dựng các mẫu mặt hàng lưu niệm có hình tượng Bác Hồ và hệ thống các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế để hình thành dòng sản phẩm lưu niệm phục vụ cho khách tham quan.

Cùng với việc phát huy giá trị di tích, công tác sưu tầm, số hóa tư liệu liên quan về Bác Hồ cũng được Bảo tàng đầu tư như thế nào?

Công tác sưu tầm hiện vật là một trong những nhiệm vụ được Bảo tàng hết sức quan tâm triển khai. Đến nay, Bảo tàng đang lưu giữ gần 20 nghìn tư liệu, hiện vật. Bên cạnh việc tổ chức công tác sưu tầm hiện vật bằng phương pháp truyền thống là tìm hiểu, tiếp xúc những nhân chứng lịch sử nhằm sưu tầm những tư liệu, hiện vật chiến tranh, những hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; Bảo tàng đã tổ chức nhiều hoạt động khác, như tổ chức các cuộc thi sáng tác mỹ thuật trong sinh viên nghệ thuật, giới nghệ sĩ tạo hình ở Huế khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoặc tranh cổ động về đề tài Bác Hồ, quê hương, đất nước, sưu tầm những tác phẩm âm nhạc về đề tài Bác Hồ… Ngoài ra, vận động hiến tặng và mua các tác phẩm nghệ thuật có giá trị về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua hình thức sưu tầm này, Bảo tàng đã hình thành một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật có giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ cho công tác trưng bày, triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng.

Chúng tôi cũng rất chú trọng việc số hóa tài liệu, hiện vật tại kho cơ sở. Cùng với đó, xây dựng các triển lãm chuyên đề về Chủ tịch Hồ chí Minh bằng công nghệ 3D tuyên truyền trên môi trường mạng. Đặc biệt, xây dựng hệ thống thuyết minh tự động bằng công nghệ QR Code, giới thiệu các chủ đề, tổ hợp, hiện vật tiêu biểu tại Nhà trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh và 2 di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (112 Mai Thúc Loan và Nhà lưu niệm làng Dương Nỗ) bằng 2 ngôn ngữ Việt - Anh.

Thời gian tới, Bảo tàng có chiến lược gì để phát huy tốt hơn nữa giá trị các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Trong năm 2025, Bảo tàng sẽ tổ chức tổng kết 3 năm thực hiện Đề án “Phát huy giá trị Hệ thống di tích Bác Hồ ở Huế phục vụ phát triển du lịch” để rút kinh nghiệm và đề xuất những nhiệm vụ tiếp theo thực hiện đề án.

Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác phối, kết hợp với Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch, các hãng lữ hành, công ty du lịch để vận hành có hiệu quả các tour du lịch thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế đã được xây dựng. Song song với đó, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường thuộc Đại học Huế tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục, trải nghiệm tại di tích cho học sinh, sinh viên.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác đó là phối hợp với các bảo tàng thuộc hệ thống Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc để tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá rộng rãi những giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế đến nhiều địa phương trên cả nước.

Xin cảm ơn bà!

Nhật Minh (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tinh gọn bộ máy gắn với hiệu quả hoạt động sau sáp nhập huyện

Cùng với việc khẩn trương thực hiện các đề án để sáp nhập hai huyện Phú Lộc và Nam Đông theo Nghị quyết (NQ) số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Phú Lộc cũng đang triển khai các kế hoạch để tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và đảm bảo hoạt động hiệu quả sau khi sáp nhập huyện.

Tinh gọn bộ máy gắn với hiệu quả hoạt động sau sáp nhập huyện
Khai thác gắn với bảo vệ tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch là cơ sở và là yếu tố cần thiết để xây dựng các sản phẩm du lịch. Huế là mảnh đất giàu tài nguyên và thế mạnh du lịch, việc tận dụng tài nguyên du lịch sẵn có để đưa vào khai thác, phục vụ du khách gắn với bảo vệ tài nguyên một cách hợp lý là vấn đề đặt ra.

Khai thác gắn với bảo vệ tài nguyên du lịch

TIN MỚI

Return to top