ClockThứ Bảy, 03/02/2024 07:51

A Lưới đầu tư phát triển du lịch

TTH - A Lưới đặt mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, gắn với giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tập trung nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh loại hình du lịch văn hóa truyền thống dân tộc gắn chính sách phát triển du lịch vùng biên giới.

Du lịch cộng đồng Tây Bắc làm như thế nào?Quảng bá du lịch bằng cuộc thi “Cảnh đẹp A Lưới”Hoa mận trên vùng cao A Lưới

Nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở A Lưới 

Nằm cách trung tâm huyện chỉ vài km, Làng du lịch cộng đồng A Nôr, xã Hồng Kim, được xem là “điểm sáng” du lịch tại huyện A Lưới. Nơi đây đang triển khai nhiều mô hình du lịch dựa vào cộng đồng trên nền tảng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số và bảo vệ môi trường bền vững. Làng có 22 ngôi nhà thì có đến 7 homestay, với giá cả lưu trú hợp lý, hứa hẹn điểm đến thú vị cho du khách.

Giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ dưới chân thác A Nôr, du khách có cơ hội tìm hiểu, khám phá nhiều đặc sản của vùng cao, như: thịt bò, nếp than, gạo Ra-dư, mật ong rừng và các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi.

Khi Làng du lịch cộng đồng A Nôr trở thành điểm đến hấp dẫn thì cũng là lúc nhiều phụ nữ vùng cao có cơ hội tìm kiếm việc làm và cải thiện sinh kế gia đình. Với đội dịch vụ hơn 10 chị em phụ nữ bản địa, hằng ngày, họ vẫn lên nương, rẫy bình thường. Đến dịp cuối tuần, khi khách du lịch tham quan và ở lại trong các homestay, muốn tham gia các hoạt động trải nghiệm thì đội dịch vụ sẽ hướng dẫn và tham gia nhiều hoạt động với khách. Thu nhập từ du lịch đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới, thời gian qua, A Lưới đã tiến hành quảng bá, xúc tiến du lịch tại các hội chợ, chợ phiên trong huyện, tỉnh và trên toàn quốc. Giới thiệu, kết nối sản phẩm dịch vụ du lịch với các công ty du lịch, lữ hành như Công ty TNHH Du lịch Kết nối Huế, Công ty TNHH MTV Du lịch VINA DMZ, Quảng Trị...

Tại đề án phát triển du lịch huyện A Lưới giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030, A Lưới xác định từng bước đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch và thu hút đầu tư vào ngành “công nghiệp không khói” này. Theo đó, thông qua nhiều nguồn vốn khác nhau, đã tập trung đầu tư một số hạng mục như tuyến đường trục chính nối Huế - A Lưới đã cơ bản nhựa hóa hoàn toàn, các tuyến đường đến các điểm du lịch được thông tuyến.

Khôi phục 3 điểm tạo không gian làng truyền thống kết hợp phát triển du lịch tại Làng du lịch cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim); Paris - Kavin (xã Lâm Đớt); A Hươr - Pa E (xã Quảng Nhâm). Hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất cho 3 homestay: A Nôr, Hồng Hạ, Hương Danh. Hỗ trợ cải tạo không gian cánh đồng lúa thôn Cân Tôm (xã Hồng Hạ). Hoạt động quảng bá về du lịch được thực hiện kịp thời. Hoàn thiện mô hình du lịch cộng đồng tại Làng du lịch sinh thái A Nôr, đưa vào hoạt động, giới thiệu, quảng bá du lịch đến công ty du lịch lữ hành, du khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra, triển khai thực hiện một số hạng mục hỗ trợ du lịch cộng đồng A Lưới theo chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025. Đầu tư xây dựng tuyến đường, bãi đỗ xe và chỉnh trang một số hạng mục vào điểm du lịch sinh thái thác A Nôr, xã Hồng Kim. Xây dựng và lắp đặt các điểm check-in tại đồi thông A Lưới, các điểm du lịch cộng đồng sinh thái phù hợp với cảnh quan tại điểm. Dịch vụ thương mại gắn với các khu, tuyến, điểm du lịch phát triển và cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Hệ thống siêu thị phát triển đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dần với môi trường kinh doanh thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.

Hạ tầng các điểm du lịch bước đầu được đầu tư khá đồng bộ, hệ thống giao thông vào các điểm du lịch được đầu tư, nâng cấp. Hệ điện lưới, hạ tầng kỹ thuật viễn thông các điểm du lịch được quan tâm. Hạ tầng tại các điểm du lịch cũng được quan tâm đầu tư như nhà tiếp đón, nhà trưng bày, nhà xe, nhà vệ sinh, phương tiện cứu hộ.

Cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ được đầu tư nâng cấp, có thêm 17 cơ sở lưu trú, trong đó có 3 nhà nghỉ, 14 homestay, nâng tổng số cơ sở lưu trú lên 31 cơ sở. Thành lập mới 1 HTX du lịch. Hoàn thành hạ tầng cơ sở vật chất tại điểm du lịch sinh thái Parle - Hồng Hạ và tiến hành lập hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận điểm du lịch cấp tỉnh. Điểm du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr được công nhận là “Sản phẩm OCOP 3 sao”.

A Lưới thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển du lịch. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau và tranh thủ thu hút nguồn vốn trong dân để đầu tư phát triển du lịch đối với các dự án nhỏ, cần ít vốn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, huyện đang có nhiều chính sách hỗ trợ, chương trình quảng bá và tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Chú trọng nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư và tạo điều kiện để cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch và khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch ở chính nơi họ sinh sống.

Phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tạo ra được những sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia, điều hành du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và bảo vệ các nguồn tài nguyên du lịch, môi trường tự nhiên, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

A Lưới quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, các ban quản lý điểm du lịch. Đào tạo hướng dẫn viên du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng và mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch Thừa Thiên Huế, các sở, ngành của tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ huyện, xã, thị trấn về công tác quản lý nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp du lịch. Bồi dưỡng kiến thức cho cộng đồng, hộ gia đình làm du lịch và triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực ngắn hạn, dài hạn tại các trường đào tạo ngành du lịch.


Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Du lịch “0 đồng” nhưng về “sạch túi”

Với “mác” giả mạo là các công ty chăm sóc sức khỏe (CSSK), những kẻ lừa đảo đưa ra lý do mời những người lớn tuổi đi du lịch ở những địa điểm nghỉ dưỡng với giá “0 đồng” để tri ân; mục đích lừa bán những sản phẩm CSSK, ngừa đột quỵ... với giá “trên trời”.

Du lịch “0 đồng” nhưng về “sạch túi”
Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

TIN MỚI

Return to top