ClockChủ Nhật, 15/03/2020 06:27

Yêu Huế từ những món ăn

TTH - Qua những video của food & travel vlogger Khoai Lang Thang Đinh Võ Hoài Phương, ẩm thực Huế hiện lên đa sắc thái, đa dạng mùi, vị, hương. Và, trong đó còn lấp lánh nét đẹp dung dị, gần gũi của những mệ, những o, những người con xứ Huế mộc mạc, thân thương.

Chua cay tré Huế“Duyên” Huế của Graham

Xuýt xoa bánh ép Thuận An

Tỉ mỉ, chi tiết

Food & travel vlogger là người kể chuyện về ẩm thực và những chuyến đi bằng video. Có thể nói, đây là nghề kết hợp giữa vlog với food reviewer (tạm dịch là người đi ăn và đánh giá món ăn), food blogger (người viết về ẩm thực) và travel blogger (người viết về du lịch). Trong video, sức hút sẽ đến từ những thước phim trải nghiệm của những food & travel vlogger về con người, vùng đất cùng đặc trưng ẩm thực.

Đinh Võ Hoài Phương là chủ nhân của trang facebook Khoai Lang Thang với 893.000 người theo dõi và 1,3 triệu người đăng ký trên kênh Youtube. Người hâm mộ đã quen với nụ cười tỏa nắng, giọng nói trầm ấm, rặt chất Nam bộ, những cử chỉ giản dị, lịch sự, lễ phép nhưng cũng đầy hài hước của anh. Cũng từ những video “không đụng hàng”, chàng trai 9X đã giúp nhiều người biết đến và cảm nhận sâu đậm hơn về văn hóa, ẩm thực và con người xứ Huế.

Food & travel vlogger sẽ chia sẻ về địa điểm, cách thưởng thức và hương vị từng món ăn

Trong video của mình, Đinh Võ Hoài Phương đã dẫn dắt người xem đến một xứ Huế thân thiện, gần gũi với vô số món ăn hấp dẫn. Phương tỉ mỉ: “Khoai chọn bún bò để bắt đầu một ngày mới ở TP. Huế. Gọi là bún bò gánh, vì trước đây chỉ là một gánh bún bò nhỏ nằm ở vỉa hè của mệ Kéo. Tô bún của mệ đặc biệt không có giò heo, cũng không có nạm bò, nhưng đổi lại thịt ba chỉ ở đây ngon hết sẩy, chả cua xốp béo thơm, huyết vịt dai dai và chút bò tái ngọt mềm trên mặt. Tô bún bò sợi nhỏ, nước dùng thơm mùi mắm ruốc Huế, rưới thêm tí mắm ớt là đủ ấm bụng cho buổi sáng”.

Riêng với món bánh ép, chàng food & travel vlogger xuýt xoa: “Quá trình làm bánh tạo nên tiếng xèo xèo rin rít rất thú vị. Bánh thường được dùng làm vỏ để cuốn đồ chua ngọt, rau răm và chấm cùng nước mắm tỏi ớt. Món này rất dễ ăn và dễ ghiền, một trong những món Khoai mê ở Huế sau bún bò thôi”.

Chàng vlogger với bánh cuốn tôm chua mệ Hạnh gần cầu Kho Rèn

Video của Hoài Phương còn giới thiệu cho người xem những địa điểm mà không phải ai là người Huế cũng biết. Đó là mệ Hạnh và gánh bánh cuốn tôm chua chỉ xuất hiện tầm bốn giờ chiều cạnh cầu Kho Rèn, dọc bờ sông An Cựu. Rau muống, xà lách, khoai, bún sẽ được cuộn lại trong lớp bánh mỏng mềm. Mệ còn đặt lên đó một ít tôm chua cùng thịt ba chỉ, và không quên một muỗng nước sốt khoai lang đặc biệt chấm cùng.

Tỉ mỉ, chi tiết và có lời khuyên của người giàu kinh nghiệm, Phương nhắc nhở thực khách không bỏ lỡ bánh mì cầu Trường Tiền: “Sau khi đi thuyền xong đừng quên ăn thử một ổ bánh mì cạnh cầu Trường Tiền. Ổ bánh mì nhỏ xinh, vừa đủ cho bữa tối ngon lành. Ăn ở đây nên dặn các o nướng cho giòn xíu sẽ ngon hơn, vị nhân xá xíu và thịt nướng hơi ngọt, nên bạn nào không ăn ngọt được thì nhớ để ý kêu nhân khác”.

Không chỉ là món ăn

Nghề food & travel vlogger không tự dưng mà đến, chàng trai sinh năm 1991 kể: “Từ nhỏ, mình đã yêu thích những chuyến đi để khám phá văn hóa và món ăn. Đến khi ra trường, làm việc gần 2 năm, đó cũng là lúc mình dần nhận ra đam mê thuở bé ngày càng lớn. Tìm hiểu, trải nghiệm, sau cùng mình quyết định từ bỏ công việc kỹ sư, theo đuổi nghề vlogger”.

Có người lầm tưởng food & travel vlogger là một cách tiêu tiền của những công tử, tiểu thư. Nhưng không, đó là công việc bình thường như bao công việc khác. Là công việc mới mẻ, không có trường lớp đào tạo nên mỗi vlogger đều phải tự tìm hiểu để tạo ra lối đi riêng. Họ phải bỏ công sức, mồ hôi để làm ra những sản phẩm video chất lượng, mang bản sắc riêng. Trên con đường ấy cũng lắm gian nan và rào cản.

Phương chia sẻ: “Đối với nghề mới như travel & food vlogger, khó khăn đầu tiên mình đối mặt chính là gia đình. Thời gian đầu mình phải giấu gia đình công việc đang làm”. Không chỉ thế, chàng trai sinh năm 1991 còn phải tự hoàn thiện mình qua mỗi video, từ kỹ năng như quay, dựng phim, nói chuyện trước ống kính đến thu thập những kiến thức về ẩm thực, văn hóa.

Hơn hai năm theo đuổi đam mê, không chỉ dừng lại ở món ăn, với Hoài Phương, văn hóa ẩm thực còn là những câu chuyện, chia sẻ từ những người bản địa. Với Huế, chàng trai đặc biệt ấn tượng với những đôi quang gánh, sự tảo tần của các o, các mệ. Dù chỉ là gánh hàng rong hay quán ăn cũng đều thật cầu kỳ trong cách chế biến. Phương đúc kết: “Đến với ẩm thực Huế, mình như được chu du khắp Việt Nam thu nhỏ, có đầy đủ sông suối, núi biển và những vườn cây trái, thức ăn ngon. Mình sẽ đến Huế nhiều dịp nữa để tìm hiểu, khám phá về văn hóa, ẩm thực và con người vùng đất tươi đẹp này!”.

MAI HUẾ - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế

Nhiều món ngon trứ danh đại diện cho một số vùng miền được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có thể kể đến như mì Quảng (Quảng Nam), nghề nấu phở (Nam Định). Trước những thông tin này, những thực khách đặt câu hỏi vậy bún bò Huế đứng ở đâu trên bản đồ ẩm thực và tại sao chưa được ghi danh?

Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế
Lan tỏa ẩm thực Huế

Hình ảnh, hương vị đặc sắc của những món ngon đặc trưng của từng địa phương do các hội viên phụ nữ (HVPN) mang đến những hội thi, hay những cửa hàng bán đồ ăn do hội viên làm chủ được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và các cơ sở hội tích cực giới thiệu, quảng bá, góp phần giới thiệu văn hóa ẩm thực Huế đi muôn nơi.

Lan tỏa ẩm thực Huế
Ẩm thực Huế và triển vọng đến UCCN

Huế có nhiều lĩnh vực nổi bật để tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Điều này không chỉ quảng bá được bản sắc văn hóa địa phương ra với thế giới mà còn cơ hội để thu hút du khách, nhà đầu tư đến với Huế. Tuy nhiên, việc lựa chọn lĩnh vực nào để làm nổi bật lên sự đặc trưng, riêng biệt của Huế khi tham gia UCCN là chuyện cần tính toán kỹ lưỡng.

Ẩm thực Huế và triển vọng đến UCCN

TIN MỚI

Return to top