ClockThứ Ba, 14/02/2023 06:45

Thêm “cần câu” cho người lao động

TTH - Được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn cho công nhân viên chức, lao động nghèo (Quỹ Trợ vốn) của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, nhiều gia đình đoàn viên công đoàn đã có thêm cần câu, tăng thêm thu nhập, từng bước cải thiện đời sống.

Đòn bẩy để huy động vốnHỗ trợ 300 triệu đồng cho bà con trồng ổi VietGAP Hương Xuân285 sáng kiến nỗ lực vượt khó sáng tạo trong Công đoàn Viên chức tỉnh

Triển khai vốn vay cho đoàn viên công đoàn

Mô hình kinh tế trồng cây ăn quả và chăn nuôi của gia đình chị Đoàn Thị Quy, đoàn viên Công đoàn cơ sở (CĐCS) xã Phong Thu, huyện Phong Điền đang từng bước phát triển và cho thu nhập. Tết vừa qua, chị thu về hàng chục triệu đồng nhờ bán gia súc, gia cầm và cây ăn quả.

Chị Quy cho biết, cách đây 4 năm, khi được LĐLĐ huyện Phong Điền giới thiệu Quỹ Trợ vốn, chị mạnh dạn tiếp cận với quyết tâm cải thiện đời sống. Từ 20 triệu đồng tiền vốn vay, gia đình chị vay thêm của người thân, rồi tận dụng diện tích đất vườn sẵn có để trồng các loại cây ăn quả và phát triển chăn nuôi. Đến nay, trang trại đã tạo việc làm thêm cho các thành viên trong gia đình, cho thêm thu nhập mỗi tháng từ 3 đến 4 triệu đồng, giúp cuộc sống gia đình chị bớt khó khăn, con cái thêm điều kiện để học tập. 

Cũng tiếp cận vốn vay từ quỹ này, anh Nguyễn Minh Vương, đoàn viên CĐCS Trường Nguyễn Tri Phương, huyện Phong Điền đã đầu tư mô hình chăn nuôi gà Ai Cập. “Ngoài thời gian công tác tại trường, tôi tranh thủ chăm sóc đàn gà, nhờ vậy đã tăng thêm thu nhập được gần 2 triệu đồng mỗi tháng ”, anh Vương chia sẻ.

Chị Hồ Thị Thảo, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phong Điền cho biết: LĐLĐ huyện Phong Điền triển khai Quỹ Trợ vốn đến đoàn viên, người lao động (NLĐ) từ nhiều năm nay; năm 2022, đã giải ngân cho 40 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, mỗi đoàn viên được vay 20 triệu đồng. Để thực hiện có hiệu quả nguồn quỹ này, LĐLĐ huyện Phong Điền đã phân công cán bộ phụ trách, làm công tác thu hồi gốc, lãi và tiết kiệm theo phương thức trả góp hằng tháng, hàng quý. “Cách làm này, giúp người vay nâng cao ý thức tiết kiệm, cùng nhau tạo nguồn thực hiện sản phẩm vay có hiệu quả”, chị Thảo cho hay.

Được Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn, 20 đoàn viên công đoàn thuộc Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Hương Thủy đã tiếp cận được nguồn vốn của Quỹ Trợ vốn. Mỗi đoàn viên được vay 20 triệu đồng, cùng nhau góp lại đầu tư trồng rừng.

Ông Trần Phúc Châu, Chủ tịch Công đoàn BQL rừng phòng hộ Hương Thủy cho biết, có vốn, các đoàn viên của đơn vị đã đầu tư cây giống, phân và ngày công để trồng rừng. Dự án này vừa phủ xanh diện tích đất trống, đồi trọc trên địa bàn phường Thủy Châu và phường Phú Bài, vừa tạo điều kiện cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn của đơn vị có điều kiện phát triển kinh tế, nâng thu nhập. Hiện, 50 ha diện tích đất rừng được các đoàn viên đầu tư trồng keo tràm đang phát triển xanh tốt.

Ông Hoàng Trọng Lam, Giám đốc Quỹ Trợ vốn công nhân lao động nghèo LĐLĐ tỉnh cho biết, ban đầu mục đích của quỹ là cho vay vốn giúp NLĐ sửa chữa, xây dựng nhà ở và mua sắm phương tiện sinh hoạt. Tiếp đó, quỹ mở rộng hoạt động hỗ trợ NLĐ khó khăn vay vốn phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Qua hơn 7 năm triển khai, Quỹ Trợ vốn đã thực hiện hơn 470 dự án cho gần 5000 đoàn viên, NLĐ được vay, với tổng số tiền giải ngân gần 100 tỷ đồng. Riêng năm 2022, Quỹ Trợ vốn CNVC-LĐ nghèo của LĐLĐ tỉnh giải ngân 16 tỷ đồng với 74 dự án cho 800 lượt đoàn viên, CNVC-LĐ vay vốn.

Theo ông Hoàng Trọng Lam, năm nào cũng vậy, từ đầu năm, quỹ chủ động triển khai các sản phẩm vay vốn đến đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn tỉnh. Phương châm quỹ hướng tới là thủ tục vay đơn giản, quy trình giải ngân nhanh gọn, thuận tiện nhưng đảm bảo đúng đối tượng. Từ khâu kiểm tra, thẩm định hồ sơ, ký kết hợp đồng cho đến giải ngân đều được triển khai chặt chẽ. Kết quả, hàng năm cơ bản các thành viên vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, cải thiện được đời sống.

Tuy nhiên, ông Hoàng Trọng Lam cũng thừa nhận, hiện hoạt động của Quỹ Trợ vốn còn một số vướng mắc cần khắc phục. Đối tượng vay vốn đang tập trung nhiều tại các đơn vị sự nghiệp, đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay chưa nhiều; công tác phối hợp thu hồi vốn đôi khi còn chậm, chưa kịp thời.

Để nguồn vốn của Quỹ Trợ vốn đến được với nhiều đối tượng hơn nữa, năm 2023, Quỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cho vay. Trong đó, ưu tiên xét duyệt vay vốn với mục đích để sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt tăng thêm thu nhập, tạo nhiều việc làm, vay vốn cải tạo sửa chữa nhà, vay vốn học nghề.

Ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết: Quỹ Trợ vốn là mục tiêu hướng về cơ sở của tổ chức công đoàn, giúp cải thiện, nâng cao đời sống đoàn viên, NLĐ. Đặc biệt, đây là hình thức góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang Tết đến cho người lao động

Các cấp công đoàn đang ra sức triển khai nhiều chương trình thiết thực để mang đến cho người lao động một mùa xuân trọn vẹn và ấm áp khi Tết đang cận kề.

Mang Tết đến cho người lao động
Hút vốn FDI

Cùng với đổi mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư, việc đồng hành của chính quyền nhằm thúc đẩy các dự án được ví như “thỏi nam châm” thu hút các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) (*).

Hút vốn FDI
Nghề mới, cơ hội mới cho người lao động

Chăm sóc sắc đẹp, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật ô tô điện... là một số ngành mới gần đây được đưa vào đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn. Đây là những ngành nghề mới, dễ tạo ra cơ hội việc làm cho học viên khi ra trường.

Nghề mới, cơ hội mới cho người lao động

TIN MỚI

Return to top