ClockThứ Tư, 25/07/2018 05:15

Những người lính vẫn chưa trở về

TTH - Chiến tranh lùi xa hơn 40 năm, nhưng vẫn có rất nhiều gia đình liệt sĩ chưa đón được người thân trở về. Để niềm vui “đoàn tụ” của những gia đình có người thân ngã xuống vì độc lập dân tộc, vẫn cần thêm nhiều thời gian, công sức và sự hỗ trợ của nhân dân.

Nghĩa tình người lính

Các anh vẫn chưa về

Anh Nguyễn Văn Giúp nhập ngũ năm 1968 và chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên Huế. Tháng 9/1972, gia đình nhận được giấy báo anh hy sinh tại Hương Thủy. “Năm 1980, tôi và bố đến Hương Thủy để tìm mộ nhưng lúc ấy không vào được địa điểm đó do nơi ấy còn lại rất nhiều mìn, không an toàn. Sáu năm sau khi gia đình trở lại và được Huyện đội Hương Thủy cho xem cuốn sổ có ghi danh sách những ngôi mộ được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ, trong đó, có phần mộ của anh tôi nhưng đa phần đều ghi vô danh. Khoảng năm 1994, gia đình lại đến Hương Thủy để đưa hài cốt về quê nhưng cuốn sổ ấy đã bị lưu lạc”. Ông Nguyễn Văn Mạnh (đường Đống Đa, TP.Huế) kể cho chúng tôi nghe về quá trình tìm mộ anh trai. Những năm sau đó, rất nhiều lần gia đình ông Mạnh quay lại địa điểm ấy để tìm kiếm nhưng kết quả vẫn chưa như ý.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thuận (thứ 4 từ trái sang) bên những người bạn chiến đấu năm xưa

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thuận (đường Nguyễn Trường Tộ, TP. Huế) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện hy sinh anh dũng của các chiến sĩ tiểu đoàn K8 tại chiến trường Phước Yên (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) tháng 4/1968. Tại đây, hơn 500 cán bộ, chiến sỹ K8 và hơn 200 bộ đội địa phương, thanh niên tình nguyện tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu phải đối chọi với một lực lượng áp đảo đông gấp cả chục lần, với các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ. Với tinh thần chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, hơn 300 chiến sĩ đã hy sinh trong tư thế đang chiến đấu trên chiến hào, bên người còn mang vũ khí và quân trang. Ông Thuận bị thương nặng và may mắn được nhân dân cứu chữa, chăm sóc ngay trong lòng địch. “Rất nhiều đồng đội của tôi nằm xuống đến nay gia đình vẫn chưa xác định được danh tính. Sự hủy diệt của bom đạn làm quá trình xác minh gặp khó khăn nhiều hơn”, ông Thuận cho biết.

Tiếp tục kiếm tìm

Sau hơn 40 năm chiến tranh kết thúc, công cuộc tìm kiếm để đưa các liệt sĩ trở về với người thân vẫn được tiếp tục. Nhờ đến sự tìm kiếm của các đồng đội từng chôn cất như trường hợp của gia đình ông Mạnh, hay biết được chính xác địa điểm các liệt sĩ hy sinh như tiểu đoàn K8 thì việc xác định, quy tập và đưa hài cốt các liệt sĩ về với gia đình không hoàn toàn đơn giản.

 “Có những lần tìm kiếm, gia đình tưởng chừng như đã đưa được anh trở về vì có sự giúp đỡ của những người đồng đội từng chôn cất anh nhưng kết quả vẫn chưa được như ý”, ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết. “Tôi đã nhiều lần quay lại Phước Yên, đã xác định được danh tính của nhiều đồng đội nhưng con số đó so với số lượng hy sinh là quá nhỏ”, ông Thuận chia sẻ.

Bên cạnh sự nỗ lực tìm kiếm của các gia đình có người thân là liệt sĩ, tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Đội quy tập 192 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là đơn vị được giao nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và đưa hài cốt các liệt sĩ về với quê hương, đất mẹ. Công việc được tiến hành rất khẩn trương và đầy trách nhiệm. Từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 447 hài cốt liệt sĩ (trong đó có 300 liệt sĩ ở trong nước, 147 liệt sĩ ở Lào), riêng mùa khô 2017 – 2018, đội đã tiến hành tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 10 mộ liệt sĩ ở trong nước và 15 mộ liệt sĩ ở trên đất nước bạn Lào.

Trên phạm vi toàn quốc, trong năm 2017, thực hiện Đề án 1237 về tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ, các địa phương đã quy tập được 2.368 hài cốt liệt sĩ (trong nước: 1.113, ở Lào: 347 và Campuchia: 870). Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 1.281 hài cốt liệt sĩ (trong nước: 441; Lào: 223; Campuchia: 517) cũng đã được quy tập. Những con số đó chỉ là một phần rất nhỏ bởi theo số liệu năm 2017, cả nước hiện còn gần 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt và khoảng 300 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quyết định, chính sách nhằm đẩy nhanh việc quy tập mộ liệt sĩ với nhiều công việc cụ thể như lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên toàn quốc; tăng chế độ đối với tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt mộ liệt sĩ; hoàn thiện quy trình xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin...

Thông tin mộ liệt sĩ ngày càng ít, trùng lặp, thiếu chính xác, các phần mộ liệt sĩ chưa được quy tập chủ yếu nằm rải rác ở khu vực rừng núi hiểm trở, xa dân cư... là những thách thức đối với công tác tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ. Thời gian càng kéo dài,  công tác ấy càng khó khăn bởi nhân chứng, địa điểm theo thời gian đã thay đổi nhiều. Để niềm vui “đoàn tụ” của những gia đình có người thân ngã xuống vì độc lập dân tộc, vẫn cần thêm nhiều thời gian, công sức và sự hỗ trợ của nhân dân.

Bài, ảnh: Thành Nhân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nơi tôi luyện bao người lính kiên cường

Cùng dầm mưa dãi nắng, “uống gió nằm sương” với chiến sĩ mới trên thao trường, cán bộ Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã huấn luyện bao thế hệ người lính biên phòng can trường trên mọi nẻo đường biên giới.

Nơi tôi luyện bao người lính kiên cường

TIN MỚI

Return to top