ClockThứ Bảy, 15/06/2024 07:29

Kiểu gì cũng vui

TTH - “Lúc lên cơn co giật, trong mộng mị nghe tiếng ba, tiếng mẹ gào thét đầy đau đớn, cho đến khi đối diện với cái chết, anh thấy mình khát sống bao nhiêu…”, anh An chia sẻ lại biến cố và những niềm vui, kế hoạch sắp tới. Tôi xúc động nghẹn ngào.
 

Có ai ngờ được, từ một giảng viên tài năng và đầy nhiệt huyết tại Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, một chiều cuối tháng 4/2016, trong lúc di chuyển từ lầu xuống, chàng trai sinh năm 1991 này bị ngã và chấn thương rất nặng vì tụt canxi. Cú ngã tai họa khiến anh bị chấn thương tủy, đôi chân bị teo lại. Bỗng dưng, anh trở thành người khuyết tật và phải gắn liền cả đời với vòng tròn bánh xe lăn. Sốc. Nhưng anh bảo, đến một lúc nào đó, dù muốn dù không, chúng ta cũng phải học cách chấp nhận vì đời mình, mình không sống, ai sống hộ đây?

Trên chiếc xe lăn, anh vẫn tiếp tục “lăn bánh” với những dự án thiện nguyện của mình để giúp đỡ những người yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật. Cái tên anh xuất hiện trên khắp mặt báo vì “rinh” nhiều giải thưởng cao ở các cuộc thi viết. Nhiều chương trình truyền hình mời anh tham dự để truyền cảm hứng về câu chuyện sống. Công việc “training” những học viên ngành tâm lý học khiến anh như được trở lại hình ảnh thầy giáo ngày xưa… Anh quyết tâm sống một cuộc đời đáng sống.

Một năm trước, bố tôi đột quỵ. Gia đình bàng hoàng vì thường ngày bố vẫn khỏe mạnh. Mọi thứ xảy đến như chớp mắt không kịp trở tay. Bố nhập viện cấp cứu trong đêm. Bác sĩ bảo tình huống khá nguy hiểm và gia đình cũng nên chuẩn bị tâm lý. Cả nhà tôi bần thần chỉ biết cầu nguyện an lành đến với bố.

 Một tuần nằm bệnh viện, sức khỏe bố tôi tiến triển tốt nhanh chóng như một điều kỳ diệu. Sau biến cố bên bờ vực thẳm của cái chết, bố càng trân quý thêm những phút giây hiện tại đang có. Nghe mẹ tôi “càu nhàu”, bố cũng mỉm cười thấy thiếu thiếu nếu như hôm nào mẹ quên “mắng yêu”. Từng muốn hối thúc tôi kết hôn, giờ bố chỉ muốn “sao cũng được, miễn con thấy sẵn sàng và hạnh phúc”. Mỗi ngày trôi qua, tôi thấy bố nhẹ nhàng hơn, tận tâm hơn để đối xử với người khác và dịu dàng với chính mình. Bố chấp nhận giờ đây sức khỏe không còn như trước. Bố chấp nhận việc uống thuốc mỗi ngày và bỏ đi những thói quen “đàn ông” của mình. Bố cười nhiều nhất có thể, tận dụng thời gian một ngày để làm những việc bố cho là ý nghĩa và luôn lạc quan với đời.

Bố tôi và anh An, biến cố của họ tôi đều chứng kiến. Hai người ở hai triền dốc khác nhau cuộc đời nhưng đều chung tâm thế nhìn đời bằng mắt thương và tràn đầy hy vọng vào phía trước. Đối mặt bệnh tật, mất mát, chia ly, tin dữ… Dù ít dù nhiều cũng gây những nỗi khổ tâm và từng cuộc chiến dai dẳng trong lòng mỗi người. Tôi biết nhiều người đã từng bị sốc, thu mình lại, mặc cảm và than thân trách phận; đã từng uất ức, không cam chịu và buông xuôi cho số phận định đoạt.

Trong cơn cạn cùng bế tắc, nhiều người đã chọn cách làm đau chính mình và người thân của mình. Bao năm tháng rong ruổi giữa đời “chợt một chiều tóc trắng như vôi”. Ai rồi cũng đi đến cuối con đường đời mình. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chọn thái độ sống, cách sống, cách nghĩ về cái chết, thậm chí cách đối diện cái chết. Như cái cách mà một người con, người bố, người vợ, người mẹ, hay người bạn chọn để ứng xử với gia đình, người thân của mình. Ấy là những cuộc “ra đi” êm ái, mãn nguyện cuối cùng và người ở lại sẽ “tiếp nối” thêm hành trình sống mới đầy an vui, trọn yêu thương phía trước.

Nhà văn Thạch Lam từng nói: “Xét cho cùng, ở đời ai cũng khổ. Người khổ cách này, người cách khác. Bí quyết là biết tìm cái vui trong cái khổ. Vì chỉ sống thôi cũng đã quý lắm rồi. Người ta không bao giờ nên phí phạm cái sống, coi thường sự sống”. Chợt tôi nhớ đến cụm từ “Kiểu gì cũng vui” mà tôi học được trong kênh Podcast Hiếu TV. “Kiểu gì cũng vui” ấy chính là góc nhìn tích cực, tâm thế lạc quan, lăng kính hân hoan trong từng hoàn cảnh. Như cái cách bố tôi cười vì ngộ ra “ăn healthy cũng ngon đó chứ” theo lời dặn của bác sĩ sau bao năm tháng “anh hùng” trên bàn nhậu”. Như cái cách anh An cười vì có thêm biệt danh mới từ sau 2016 là “đôi chân tròn”…

Chừng nào còn sống là còn vui, còn thương, còn tin, còn biết ơn, còn hy vọng. Nghĩ về cái chết, theo khía cạnh tích cực, ắt người ta sẽ tự biết trân quý từng thời gian tủn mủn còn sót lại này vì đâu biết chắc rằng còn bao nhiêu ngày hoa nở, chim ca và còn bao nhiêu bình minh, hoàng hôn an yên ghé ngang đời mình.

Vậy nên, kiểu gì cũng vui…

ĐẶNG VIỆT TRINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Có những nhịp cầu
Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top