ClockThứ Bảy, 02/03/2024 06:56

Hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập

TTH - Nhiều chương trình, hoạt động, dự án hỗ trợ người khuyết tật (NKT) được triển khai trên địa bàn tỉnh đã giúp NKT cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng tốt hơnCải thiện cuộc sống cho người khuyết tật

 Người khuyết tật tham gia giao thông công cộng

Nơi tạm lánh an toàn khi bị bạo lực giới

Thời gian qua, việc hỗ trợ NKT về phục hồi chức năng (PHCN), khám lâm sàng, xây dựng nhà trung chuyển, cơ sở hạ tầng tại các nơi công cộng, giao thông công cộng... để NKT dễ dàng tiếp cận, hòa nhập đã được các đơn vị, dự án triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Song, vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, bạo lực giới âm ỉ diễn ra, mà NKT cũng là nạn nhân đang rất cần được hỗ trợ, sẻ chia để NKT được bảo vệ cả về thể chất và tinh thần.

Theo báo cáo năm 2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), tất cả các hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra đối với phụ nữ khuyết tật đều cao hơn so với phụ nữ không khuyết tật. Khoảng 1/3 phụ nữ khuyết tật (33%) từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác so với khoảng 1/4 (25,3%) phụ nữ không bị khuyết tật. Có lẽ, đâu đó trong số họ sẽ có những người cần sự trợ giúp hoặc tạm lánh nhưng chưa biết đi đâu và tìm ai khi bị bạo lực.

Xuất phát từ mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập cộng đồng đối với NKT, cũng như thấu hiểu việc bị BLG là điều u buồn đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, Ngôi nhà Bình minh được hình thành. Ngôi nhà Bình minh đóng tại TP. Huế, do Sở LĐTB&XH quản lý là nơi tạm lánh an toàn, thân thiện cho những người bị bạo lực giới, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Đây là cơ sở do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC), trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 1 - Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam”.

Nhà tạm lánh được xây dựng hoàn toàn tiếp cận với NKT, từ lối đi lại, các vật dụng sử dụng trong nhà cho tới nhà vệ sinh. Phòng tạm lánh được trang bị đầy đủ các thiết bị như tivi, tủ quần áo, tủ sách, bàn ghế, quạt tường, máy điều hòa, giường, có hệ thống vệ sinh khép kín, khu vực bếp thiết kế thân thiện, tiếp cận. Các khu vực bằng phẳng, có ram dốc, tay vịn, thuận tiện để người khuyết tật di chuyển, sử dụng. Phòng tư vấn được trang bị đầy đủ đáp ứng nhu cầu tư vấn an toàn và riêng tư. Sự ra đời của cơ sở tạm lánh có đầy đủ yếu tố tiếp cận giúp cho những nạn nhân bị bạo lực giới là NKT an tâm hơn, thuận tiện hơn trong quá trình tạm lánh và tái hòa nhập cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC mong muốn đơn vị tiếp nhận, quản lý là Sở LĐTB&XH sẽ phát huy hiệu quả mục đích của ngôi nhà, làm nơi tạm lánh an toàn, thân thiện cho các phụ nữ, trẻ em gái bị bạo hành. Bà Lan Anh cũng hy vọng nơi đây sẽ đón “ít khách nhất có thể”, góp phần giảm BLG, thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Giúp NKT hòa nhập

ACDC bắt đầu thực hiện các dự án liên quan đến người khuyết tật tại Thừa Thiên Huế từ năm 2019 với mục tiêu hướng đến tăng cường sự tham gia, nâng cao vị thế và cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. Từ năm 2022, ACDC là một trong các đối tác triển khai thực hiện các hoạt động của dự án Hòa nhập 1 tại Thừa Thiên Huế ở huyện Phú Vang, Phong Điền và TP. Huế với mục tiêu tổng thể là cải thiện chất lượng sống cho NKT.

Dự án Hòa nhập I là hợp phần của dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam”, được thực hiện tại 8 tỉnh do USAID tài trợ, được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2021. Cơ quan chủ quản là Bộ Quốc phòng, chủ dự án là Trung tâm Hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET); Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) là đơn vị quản lý Dự án Hòa nhập 1. Dự án này đã giúp mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế, phục hồi chức năng (PHCN), cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho NKT; mở rộng các dịch vụ xã hội; tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội và trực tiếp cho NKT; cải thiện chính sách, cải thiện thái độ của công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập cho NKT.

Thời gian qua, Sở LĐTB&XH đã phối hợp, điều phối các hoạt động trên địa bàn, qua đó đã cung cấp dịch vụ PHCN, can thiệp PHCN, PHCN đa chuyên ngành cho hàng ngàn NKT. Theo kết quả thống kê, tỷ lệ cải thiện về khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trước và sau can thiệp là 98%, vượt xa con số kỳ vọng 75% ban đầu của dự án. Dự án còn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo cho các bác sĩ chuyên khoa 1 về PHCN; đào tạo 6 tháng cho cán bộ y tế về khuyết tật trí tuệ và khuyết tật phát triển; đào tạo liên tục cho điều dưỡng viên tuyến huyện về kỹ năng chăm sóc NKT tại nhà...

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghiệm thu 2 đề án hỗ trợ từ hoạt động khuyến công

Ngày 31/12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm) tổ chức nghiệm thu 2 đề án khuyến công từ nguồn vốn sự nghiệp cho hoạt động khuyến công tỉnh năm 2024 tại địa bàn huyện Quảng Điền.

Nghiệm thu 2 đề án hỗ trợ từ hoạt động khuyến công
Ngày hội việc làm cho người khuyết tật

Ngày 20/12, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) tổ chức ngày hội việc làm cho người khuyết tật (NKT) với chủ đề "Cơ hội không của riêng ai". Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 1 - Dự án "Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của NKT tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam" trong chiến tranh do USAID tài trợ.

Ngày hội việc làm cho người khuyết tật

TIN MỚI

Return to top