ClockChủ Nhật, 24/05/2020 07:45

Gặt lúa liên tỉnh

TTH - Bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S đều in hằn dấu chân họ, và cũng không biết từ lúc nào, gặt lúa thuê được xem là một nghề mưu sinh. Đến bây giờ, tiến bộ của khoa học kỹ thuật khiến đồng ruộng được cơ giới hóa, những “ông chủ” ngày trước văng vẳng tiếng thở dài.

Hiện nay, máy gặt đập liên hợp đã phổ biến trên ruộng đồng

“Oanh tạc” ruộng đồng

Trưa đứng bóng, ông Võ Duật (xã Thủy Tân, TX. Hương Thủy) miệt mài lau chùi, sửa chữa 3 máy gặt đập liên hợp trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Trước đó, khó khăn lắm tôi mới được “diện kiến” người được xem là “ông chủ” đồng ruộng ở xứ người dân địa phương gọi là xóm Dứa này, bởi ông bận rộn với việc điều khiển đống tài sản khổng lồ đến những tỉnh, thành phía Bắc xa xôi để gặt lúa thuê.

Ông Duật không phải là nông dân thực thụ, nói đúng ra ông không trồng lúa. 2 thập kỷ trước, gia đình ông bám víu vào mấy ao cá mè, cá trắm mưu sinh. Bây giờ, cơ ngơi khang trang, con cái đề huề lại nhờ vào cây lúa.

Trong mớ ký ức ngồn ngộn, trò chuyện, ông Duật không biết bắt đầu từ đâu, hành trình để thành công được ông đổi bằng mồ hôi và cả… máu. “Tôi kể cho anh về chuyện tôi đánh liều vác bao tiền đi đặt mua máy gặt đập liên hợp nhé?!”, ông mở lời.

Hiện nay, máy gặt đập liên hợp đã phổ biến trên ruộng đồng

Chuyện cách đây đã hơn 20 năm, thời mà con trâu còn là “của quý” của ruộng đồng. Vào mùa, nông dân phải vất vả gặt tay để kịp khung lịch thời vụ. Ông Duật xem tivi, tình cờ thấy ở Bến Tre, máy gặt đập liên hợp “oanh tạc” đồng ruộng, từ đó nảy sinh ý nghĩ đưa cái máy xuất hiện trên màn hình về với vùng đất Thủy Tân.

Ông Duật bán hết tài sản giá trị trong nhà và thu hoạch non hơn chục lồng cá đang phát triển ở sông Đại Giang, gom góp tiền, đến tận miền Nam xa xôi đặt mua máy gặt đập liên hợp trị giá gần 500 triệu đồng/máy. Với nông dân, đấy là khối tài sản khổng lồ.

“Thời đó chưa có tiền polymer mệnh giá lớn như bây giờ, cũng không có máy đếm tiền nên cả gia đình phải ngồi bệt dưới nền nhà để đếm tiền, rồi cột vào bao. Khi đi mua máy, tôi luôn ôm khư khư bao tiền, bởi nếu mất coi như nhà cửa không còn”, ông Duật kể.

Qua nhiều công đoạn, chiếc máy gặt đập liên hợp màu trắng đỏ sáng bóng, đứng chân tại đồng ruộng Thủy Tân trong sự ngạc nhiên của nông dân. Những mùa gặt đầu tiên, máy của ông chạy hết công suất, từ đồng ruộng Thủy Tân sang Thủy Phù, từ Thủy Lương đến Phú Đa… Chẳng bao lâu sau, ông đã thu hồi vốn. Khi nhu cầu ngày một lớn, ông Duật tiếp tục đầu từ thêm 1,5 tỷ đồng để mua thêm 2 máy và bắt đầu hành trình “đánh chiếm” đồng ruộng ngoại tỉnh. “10 năm trước, máy gặt đập không xuất hiện nhiều như chừ nên nhu cầu rất cao, không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn ở các tỉnh, thành khác. Tại địa phương, nông dân phải thuê máy ở các tỉnh Nam Trung bộ. Họ từ Bình Định ra đến Huế gặt lúa thì không hà cớ gì mình không đến tỉnh khác để gặt”, ông Duật chia sẻ.

Gặt lúa ngoại tỉnh không phải nói là làm được ngay, khi vụ mùa thu hoạch ngấp nghé, ông dành cả tháng trời từ trước đó rong ruổi khắp các cánh đồng Quảng Bình, Quảng Trị để tìm mối. Ông bảo, bắt được mối phải có khiếu ăn nói, thương lượng và phải biết chơi. Muốn máy gặt đứng trên đất bạn cần qua mặt được những tay “cò ruộng” ở phía Bắc mà ông gọi là “xã hội đen”. “Ngoài những hợp đồng với chính quyền địa phương, gặt lúa ngoại tỉnh hầu như thông qua những tay “cò ruộng”, mình chơi đẹp với họ mới có chỗ cho mình gặt. Nghĩa là chi hoa hồng đủ làm họ hài lòng, nếu không rất khó làm ăn”, ông Duật nói.

Hơn 20 năm bám víu máy gặt đập cũng chừng ấy thời gian ông Duật nếm trải ngọt bùi mỗi lần làm việc trên đất khách. Đó là những chuyến đi đến những vựa lúa Thái Bình, Hưng Yên hay vùng Thanh Nghệ Tĩnh, máy gặt cũng là cần câu cơm đã không ít lần gặp hiểm nguy. Ông Duật chia sẻ: “Đảm bảo chất lượng, tiến độ đúng hợp đồng là yếu tố tiên quyết để giữ mối làm ăn, nhưng làm việc cũng phải chú ý, chỉ một phút sai lầm có thể mang họa. Nhiều người ở Huế khi đến tỉnh bạn gặt thuê bị những người sở tại đốt máy vì không làm cho họ hài lòng hoặc gặt nhầm ruộng, và họ mất tài sản tích cóp cả đời ngay trên đất bạn. Riêng tôi cũng nhiều lần bị dọa nạt...”.

Qua thời hoàng kim

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hồ Đắc Thọ cho biết: Chủ trương cơ giới hóa ruộng đồng khiến nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư máy gặt đập liên hợp vào sản xuất, giảm thiểu sức lao động của con người. Theo đó, tại nhiều địa phương mỗi khi vào vụ, lúa của nông dân hầu hết được gặt đúng tiến độ, đảm bảo khung lịch thời vụ. Chi phí gặt lúa được HTX hợp đồng với các chủ máy trong và ngoài địa phương, đảm bảo chi phí phù hợp với thị trường.

Với nghề nông, hộ nào sắm được máy gặt đập tức hộ đó khá giả, suy nghĩ ấy không sai. Từ cái nhẩm tính của người đàn ông gần 50 tuổi tên Thắng, ông chủ của 2 máy gặt đập liên hợp cho thấy việc đầu tư loại máy móc này tạo ra hiệu quả: “Vào mùa, trung bình mỗi sào ruộng chúng tôi nhận gặt với chi phí khoảng 100.000 đồng. Nếu làm việc liên tục, máy có thể gặt trên 100 sào/ngày, nhân công tiêu tốn khoảng 1,5 triệu đồng/ngày/máy, trừ chi phí nhiên liệu thì số còn lại tương đối lớn”.

Theo ông Thắng, mặc dù thu nhập khá nhưng thời buổi hiện nay, máy gặt đập không còn hiếm, xuất hiện đầy rẫy trên những đồng ruộng khiến việc cạnh tranh trở nên gay gắt. Mãn mùa gặt, máy cũng cần được tu sửa và tiêu tốn không ít chi phí. “Khoảng vài năm trở lại đây, nhiều người mạnh dạn đầu tư máy gặt nên công việc vì thế bị thu hẹp lại. Vụ này, vì gặt nhiều diện tích lúa bị đổ ngã nên máy móc hỏng hóc khá nhiều. Máy không còn chạy tốt nên không thể ra ngoại tỉnh gặt thuê. Mọi năm, mỗi vụ tôi thu về khoảng 200 triệu đồng nhưng vụ này, thu nhập từ 2 máy gặt chưa đến 100 triệu đồng”, ông Thắng nói.

Suốt năm đeo bám ruộng đồng, những ông chủ máy gặt luôn tâm niệm một điều, muốn nhanh lấy lại vốn thì phải chịu khó, làm sao để máy chạy hết công suất, đi hết mùa vụ. Bởi thế mà từ lúc đầu tư tiền tỷ mua máy, ông Võ Duật dường như không để công cụ kiếm tiền mình ngơi nghỉ. Ông Duật luôn tính toán, bố trí máy theo một vòng tròn khép kín. Gặt xong vụ lúa đông xuân tại Huế, ông đánh máy đi dọc các tỉnh, thành miền Trung, miền Bắc gặt thuê, canh thế nào máy trở về Huế đúng vào dịp thu hoạch vụ hè thu trước khi “nghỉ đông”. “Trước đây, bám máy gặt liên tục suốt năm, có thời điểm thu nhập của tôi từ 3 máy gặt đạt mức 30 triệu đồng/ngày. Nhưng chừ thì dù cố gắng hết sức, đi khắp nơi gặt thuê cũng chỉ thu về hơn 200 triệu đồng/vụ”, ông Duật trầm tư.

Nhân công đắt đỏ, giá nhiên liệu, chi phí hao mòn ngày một cao là những lý do khiến những ông chủ máy gặt giảm thu nhập. Họ đều cho rằng, so với nông dân, thu nhập qua từng mùa vụ vẫn cao hơn nhưng thời hoàng kim của máy gặt đập liên hợp đã qua. Vào vụ, nhiều máy gặt đỏ mắt tìm nhân công.

Ông Võ Tuấn (xã Thủy Tân) cho biết: “Ngó đơn giản nhưng người lái máy cần am tường vùng đất ruộng để điều khiển máy gặt không sót lúa, nếu cẩu thả sẽ mất mối vụ sau. Thông thường, mỗi máy gặt cần 3 nhân công, 2 người cột bao và một người lái máy. Hiện, giá nhân công tăng cao, khoảng 400.000 đồng/người/ngày, lái máy 600.000 đồng/người, nếu gặt ngoại tỉnh chi phí sẽ cao hơn, trong khi đó giá gặt theo quy định của HTX không tăng được nên thu nhập của chúng tôi giảm sút. Riêng tôi phải trồng thêm 3ha lúa để kiếm thêm thu nhập”, ông Tuấn chia sẻ.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Phong Điền hiến gần 27.000 m² đất

Ngày 24/12, Hội Nông dân huyện Phong Điền tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào Nông dân năm 2024; tổng kết thực hiện Nghị quyết 29-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VI) về “Nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2024”.

Nông dân Phong Điền hiến gần 27 000 m² đất
“Phải tự vươn lên”

“Tôi luôn dặn lòng mình phải nỗ lực để tự vươn lên, bởi chẳng ai có thể giúp đỡ mình mãi ngoài chính bản thân mình”, đó là điều ông Lê Quý (ngụ ở thôn Mong B, xã Phú Gia, huyện Phú Vang) luôn dặn bản thân khi đối mặt với những biến cố trong đời, để có cuộc sống tốt đẹp.

“Phải tự vươn lên”
Chăm chỉ mưu sinh

Mời khách vào ngôi nhà khang trang vững chắc, vợ chồng chị Trần Thị Bé và anh Trần Văn Quang (xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) nở nụ cười nhẹ nhõm khi kể về những năm tháng vượt qua những chông chênh để phát triển kinh tế.

Chăm chỉ mưu sinh
“Sống khỏe” bằng nghề

Khi giới thiệu về Nguyễn Văn Minh Phồn cùng cơ sở sản xuất đồ nhựa nội thất của anh, chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, đây là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

“Sống khỏe” bằng nghề
Anh Ngữ vượt khó thành công

Dù gặp khó do thị lực yếu, nhưng anh Nguyễn Văn Ngữ (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tạo lập nên cơ ngơi khang trang nhờ hướng đi mới, đó là sản xuất các loại phân hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Anh Ngữ vượt khó thành công

TIN MỚI

Return to top