ClockThứ Năm, 11/04/2024 11:38

Đưa nguồn vốn đến với người chấp hành xong án phạt tù

TTH - Nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi cho người chấp hành xong án phạt tù được cho là cần câu giúp người từng bước vào con đường lầm lỗi tìm cho mình một hướng đi mới, một công việc ổn định để tự tin hòa nhập với xã hội.

Thêm “phương tiện” tái hòa nhập cộng đồngGiải ngân vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tùĐường dây nóng trực tuyến hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68 của Chính phủ

 Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với Công an tỉnh triển khai nguồn vốn theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ

Trao “cần câu”

Sau khi chấp hành xong án phạt tù, tháng 5/2022, anh TNH., thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền trở lại địa phương. Tuy nhiên không có vốn, tìm việc mới cũng không đơn giản khiến việc ổn định cuộc sống sau khi chấp hành xong án phạt trở nên khó khăn.

Chị DHN. vợ anh H. chia sẻ, khi anh chấp hành xong án phạt, hai vợ chồng suy nghĩ không biết nên bắt đầu từ đâu. Cũng trong giai đoạn khó khăn đó, chúng tôi được các cán bộ ở địa phương tuyên truyền về việc tiếp cận nguồn vốn cho người mới chấp hành xong án phạt tù. Lúc đó, hai vợ chồng bàn nhau vay vốn kinh doanh cửa hàng tạp hóa. Sau một thời gian ổn định, công việc đã giúp anh vui vẻ và hòa nhập tốt hơn và biết chăm chú lo cho gia đình hơn.

Không riêng gì những người chấp hành xong án phạt tù và gia đình, chính sách này còn giúp các cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tình nguyện viên ở cơ sở tiếp xúc dễ dàng, gần gũi hơn với những người chấp hành xong án phạt để đồng hành cùng với họ một cách tốt nhất.

Số liệu thống kê từ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến ngày 25/3/2024, chi nhánh đã giải ngân 2.040 triệu đồng/26 hộ gia đình người chấp hành xong án phạt tù giúp họ có vốn sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm cho bản thân, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình theo dõi của ngân hàng cho thấy, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, chấp hành tốt việc trả lãi, tiền gửi tiết kiệm.

Theo khảo sát của các địa phương, trong giai đoạn 2024 - 2026, nhu cầu vốn cho vay người chấp hành xong án phạt tù khoảng 12,44 tỷ đồng, trong đó năm 2024 là 6,6 tỷ đồng. Đến nay, chi nhánh đã được Trung ương giao 5,1 tỷ đồng và ngân sách tỉnh đã giao 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho đối tượng này vay vốn. Như vậy, nhu cầu vốn trong năm 2024 đã đáp ứng đầy đủ theo kế hoạch đã xây dựng.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho hay, khi Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện. Đồng thời, khẩn trương phối hợp với công an cấp xã rà soát, nắm bắt nhanh nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của các đối tượng thuộc diện thụ hưởng. Chủ động báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT huyện, phối hợp với UBND, công an các xã, thị trấn, tổ chức hội nhận ủy thác và tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, tổ dân phố tiến hành rà soát danh sách các đối tượng thụ hưởng, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay, hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ vay và giải ngân cho vay theo quy định.

Phối hợp giám sát hiệu quả nguồn vốn

Để nguồn vốn này thực sự trở thành động lực cho những người hoàn thành án phạt tù, giúp họ vững tin trong cuộc sống, chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng phối hợp với Công an tỉnh ký kết chương trình phối hợp nhằm triển khai các nội dung liên quan. Trong đó có nội dung phối hợp triển khai thực hiện tốt chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, lực lượng công an sẽ phối hợp với NHCSXH tỉnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng, tư vấn trình tự thủ tục tiếp cận tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Đề xuất các cơ quan chức năng tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh bố trí nguồn vốn ngân sách bố trí nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH tỉnh để cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn học nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời chỉ đạo công an cấp huyện, xã quản lý giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù về sử dụng nguồn vốn. Nếu phát hiện các trường hợp sử dụng vốn không đúng mục đích phải kịp thời thông báo cho NHCSXH, giám sát quá trình sử dụng vốn và thu hồi vốn này.

Bà Phạm Hương Giang, Giám đốc NHCSXH tỉnh hy vọng, sự phối hợp của 2 đơn vị sẽ góp phần thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách nói chung, nguồn vốn cho vay người chấp hành xong án phạt từ nói riêng. Qua đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn.

Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ quy định 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm: Người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá; cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người với vay vốn để đào tạo nghề; tối đa 100 triệu đồng/người với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Với cơ sở sản xuất, kinh doanh có lao động chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 2 tỷ đồng cho 1 dự án. Việc vay vốn được tính lãi suất vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ.


Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay chính sách

Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững; đối tượng chính sách ổn định cuộc sống hơn nhờ vào nguồn vốn vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Điền.

Ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay chính sách
Vay vốn nhà ở xã hội: Khó vốn, khó cả cơ chế - Bài 1: Thời “huy hoàng” của nguồn vốn nhà ở xã hội

Cùng với nguồn vốn vay nhằm thúc đẩy người dân tiếp cận với các dự án nhà ở xã hội do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Những ngôi nhà ở riêng lẻ được xây dựng từ nguồn vốn vay nhà ở xã hội đã mở rộng khái niệm về nhà ở dành cho đối tượng người có nhu nhập thấp.

Vay vốn nhà ở xã hội Khó vốn, khó cả cơ chế - Bài 1 Thời “huy hoàng” của nguồn vốn nhà ở xã hội
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân A Lưới thoát nghèo

Thời gian qua, các điểm giao dịch xã, thị trấn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện A Lưới đã có nhiều hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân A Lưới thoát nghèo

TIN MỚI

Return to top