ClockThứ Hai, 06/03/2023 17:05

Độc đáo 100 món ngon A Lưới

TTH - Nhắc đến văn hóa Huế không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực. Dù chưa sánh bằng ẩm thực cung đình hay đặc sắc như ẩm thực chay, thế nhưng món ngon ở vùng cao A Lưới luôn cuốn hút những ai từng ghé chân thưởng thức.

Ổi ngon A Lưới hút kháchA Lưới vào mùa thu hoạch đót

leftcenterrightdel

Những món ngon trong một lễ cưới của người Pa Cô, A Lưới. Ảnh: L. Chung

Từ ẩm thực lễ hội đến ngày thường

Món ngon A Lưới không chỉ thể hiện được đậm nét giá trị văn hóa lịch sử, mà qua đó người thưởng thức còn hiểu thêm phong vị riêng và trở thành thương hiệu hấp dẫn trên bản đồ ẩm thực trong những năm gần đây, khi du lịch ở địa phương này đang nổi danh.

Cũng như đồng bào vùng cao ở nhiều nơi khác trên cả nước, văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới thể hiện ở vật liệu, sản vật vô cùng đa dạng, phong phú. Nhiều người từng thưởng thức đặc sản A Lưới không khỏi ngỡ ngàng khi cầm trên tay “Cẩm nang ẩm thực 100 món ăn độc đáo nơi miền cao A Lưới”, vừa được ấn hành bởi NXB Thuận Hóa.

Những ai từng ăn ít nhiều món ngon A Lưới sẽ giật mình bởi con số 100 món ăn và thử nhẩm tính đã biết và thưởng thức được bao nhiêu trong số đó. Và còn bao nhiêu món đã nghe qua nhưng chưa được thưởng thức, hay những món lần đầu biết đến.

Ẩm thực A Lưới từ đời thực cho đến trang sách sẽ đưa thực khách trải nghiệm món ngon với nhiều cung bậc, cảm xúc khác nhau, để rồi mong một ngày không xa sẽ có cơ hội được đắm chìm ít nhiều trong những món ngon ấy.

Ở “Cẩm nang ẩm thực 100 món ăn độc đáo nơi miền cao A Lưới”, chúng ta sẽ biết được ẩm thực A Lưới ngoài món ăn thường ngày còn có hệ ẩm thực trong những dịp lễ tết, ngày trọng đại của gia đình. Có thể chia món ngon ẩm thực ở lễ hội A Lưới thành 4 nhóm: “Booh” (nướng), “Hoor” (thui ống), “Uh” (luộc), “A ham hooh” (huyết tái).

Trong số đó, “Booh” là nhóm thức ăn được người vùng cao A Lưới ưa chuộng nhất. Dù được chế biến khác nhau, nhưng tất cả những món “Booh” đều được nướng qua bằng than đỏ. Hay như món “Uh” (luộc) luôn có vai trò quan trọng trong cúng bái, điển hình là gà luộc. Gà là con vật tuy nhỏ nhưng không thể thiếu trong bất kỳ lễ hội lớn, nhỏ nào của dòng họ và gia đình. Hấp dẫn không kém và nhiều người từng chứng kiến, trải nghiệm nhiều đó là các món “Hoor” (thui ống), tất cả món này đều được nấu chín qua ống lồ ô hay nứa đặt trên bếp lửa đỏ thui cháy.

Đóng vai trò quan trọng của ẩm thực A Lưới không thể không kể đến món ăn thường ngày vô cùng độc đáo. Có thể kể đến thịt, cá cuốn hoặc đùm lá chuối rừng để nướng, các món được chế biến từ côn trùng (mối, dế, kiến chua, kiến thơm, kiến đỏ, nhộng ong), hay như những món được làm từ ngũ cốc (xôi hông, xôi thui ống, cơm ống)…

Hệ thực đơn “hương vị núi rừng”

Bà Hồ Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện A Lưới – người rất am hiểu ẩm thực của vùng đất này, cũng là thành viên trong ban biên soạn cẩm nang khẳng định, ẩm thực A Lưới phản ánh hệ thực đơn phong phú, từ nguyên liệu dồi dào cho đến kỹ thuật chế biến linh hoạt.

Sống giữa miền thiên nhiên phong phú nên người A Lưới có bề dày kinh nghiệm khai thác truyền đời từ hái lượm, săn bắt, chăn nuôi hay cách dự trữ. Đặc biệt là những kỹ thuật chế biến sinh động như đã nói ở trên. Do vậy, đã tạo nên một hệ thực đơn “hương vị núi rừng” khác biệt hoàn toàn với sinh cảnh đồng bằng duyên hải.

Theo bà Thêm, nếu như đã từng thưởng thức ẩm thực A Lưới, giờ đây khi cầm trên tay cẩm nang du khách sẽ hình dung đầy đủ hơn thông qua hình ảnh, tên gọi theo tiếng các đồng bà Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, cũng như nguyên liệu và cách chế biến. Ngoài ra, người đọc sẽ hiểu thêm cũng một món ấy nhưng cách chế biến mỗi nơi một khác.

Đáng chú ý, để khách hình dung đầy đủ hơn về ẩm thực A Lưới, cuốn cẩm nang đã “khuyến mãi” thêm cách chế biến một số món gia vị và các loại rượu.

Với những món gia vị ở A Lưới có “hoàn cảnh ra đời” hết sức đặc biệt. Đó là thời điểm những năm tháng vùng đất này khó khăn, người dân chỉ dùng sắn làm lương thực chính, vì thế người dân đã chế biến các món gia vị với mục đích duy nhất đó là… để ăn với sắn quanh năm mà không bị ớn. Về rượu, đồng bào nơi này đã lấy từ hương liệu những cây bản địa, như: đoác, đùng đình, sim, mía… Đó là chưa kể các loại rượu làm từ gạo, nếp.

Để có cuốn cẩm nang nhỏ gọn nhưng chứa hàm lượng thông tin lớn về ẩm thực A Lưới vô cùng phong phú như vậy là chuyện không hề đơn giản. Những người biên soạn đôi lúc phải gặp khó khăn, nhất là cách phát âm bằng các thứ tiếng khác nhau cũng như không thống nhất khi phiêm âm sang tiếng phổ thông.

Và dẫu có khó khăn, những người làm nên cuốn cẩm nang vẫn luôn hy vọng mang lại cho du khách những thông tin thú vị để khám phá ẩm thực đặc sắc của miền cao A Lưới, khi có cơ hội đặt chân đến vùng đất này.

NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 109 hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm từ thịt bò và chăn nuôi bò được Hội Nông dân (HND) huyện cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa
Khánh thành công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại A Lưới

Ngày 24/12, Đoàn viên thanh niên, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) phối hợp với Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức khánh thành công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại thôn A Rom, xã Hồng Hạ (A Lưới).

Khánh thành công trình thanh niên Thắp sáng đường quê tại A Lưới
Độc đáo lễ cúng dâng zèng

Lễ cúng dâng zèng là một nghi thức tâm linh độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Tà Ôi ở huyện A Lưới. Đây không chỉ là cách thể hiện lòng biết ơn đến Giàng (Ông Trời), mà còn tôn vinh nghề dệt zèng – một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.

Độc đáo lễ cúng dâng zèng

TIN MỚI

Return to top