ClockThứ Bảy, 24/10/2020 12:42

Phát triển chuỗi dịch vụ logistics: Động lực để ngành công nghiệp bứt phá

TTH - Theo các chuyên gia, trong giai đoạn hiện nay, để tăng tính cạnh tranh, thu hút được các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp đòi hỏi chuỗi cung ứng dịch vụ logistics phát triển. Logistics được xem như là chìa khóa để ngành công nghiệp Thừa Thiên Huế có sự bứt phá mạnh mẽ hơn.

Chính phủ bàn giải pháp nâng cao hiệu quả về logisticsQuy định về kinh doanh dịch vụ logisticsTập trung các giải pháp phát triển dịch vụ logistics

Cảng biển là cung ứng quan trọng nhất trong phát triển logistics (Cảng Chân Mây là cảng nước sâu có thể đón tàu trọng tải 50 nghìn tấn)

Tăng tính cạnh tranh

Logistics là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ. Hay nói cách khác logistics là chuỗi cung ứng, từ vận chuyển, lưu trữ, phân phối, giao nhận…

Theo các chuyên gia kinh tế, logistics đang trở thành một trong những nhân tố chính để xác định tính cạnh tranh của một nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Với sự phát triển nhanh của kinh tế, khoảng cách trong các lĩnh vực cạnh tranh truyền thống như chất lượng hàng hóa, giá cả ngày càng thu hẹp. Các nhà sản xuất chuyển sang cạnh tranh về tốc độ giao hàng, hợp lý hóa và giảm chi phí của quá trình lưu chuyển hàng hóa trong hệ thống quản lý phân phối. Logistics vì thế trở thành nhân tố quan trọng trong toàn bộ quá trình sản xuất công nghiệp của mỗi địa phương.

Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng Ban Quản lý các Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đánh giá, phát triển logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin... Dịch vụ logistics lành mạnh, có tính cạnh tranh cao sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp, giảm chi phí vận chuyển, giảm các chi phí sản xuất, tiền đề để tăng cạnh tranh, thu hút đầu tư về lĩnh vực công nghiệp cho Huế.

Lợi thế của Thừa Thiên Huế là nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Thừa Thiên Huế nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối với các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Việt Nam. Thừa Thiên Huế có cảng nước sâu Chân Mây, hiện đã có thể đón tàu hàng trọng tải 50 nghìn tấn. Cảng biển là cung ứng quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng logistics phục vụ ngành công nghiệp, khi hầu hết nguyên vật liệu, sản phẩm đầu ra được vận chuyển bằng đường biển. Cảng Chân Mây đã được đầu tư xây dựng hoàn thành cầu cảng số 1, chiều dài 360m. Cầu cảng số 2 và số 3 đang được triển khai xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động quý II/2021.

Tàu làm hàng tại cảng Chân Mây

Điểm nghẽn

So với các tỉnh, thành có cảng biển trong cả nước, ngành công nghiệp của Thừa Thiên Huế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Ngoài Khu công nghiệp Phú Bài có nhiều nhà máy hoạt động, còn lại các khu công nghiệp khác chỉ mới manh nha, hoặc đang ở giai đoạn thu hút thêm các nhà đầu tư. Có lẽ vì điều này mà dịch vụ logictics ở Thừa Thiên Huế chưa phát triển tương ứng.

Ban Quản lý các Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đánh giá, cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị dành cho logistics ở Thừa Thiên Huế còn yếu, các bến bãi neo đậu cho các chuyến tàu chở hàng, xếp dỡ hàng tại cảng Chân Mây, Thuận An chưa đáp ứng được cho thị trường dịch vụ logistics phát triển. Hệ thống kết nối thông tin giữa doanh nghiệp kinh doanh kho bãi với cơ quan hải quan chưa được triển khai đồng bộ. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh chưa đủ mạnh để đầu tư phương tiện có trọng tải lớn cả đường bộ và đường thủy…

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây phân tích, ở góc độ cảng biển, khá nhiều điểm nghẽn của sự phát triển của logistics Thừa Thiên Huế. Trước hết là quy hoạch chưa có tính bài bản, quỹ đất dành cho lưu trữ ở cảng quá ít. Hiện nay, ở Chân Mây chưa có nhiều container lưu trữ, nhưng xu hướng của tương lai là có, nếu không đủ không gian lưu trữ sẽ kìm hãm sự phát triển, khiến chiến lược phát triển logistics lâu dài bị hạn chế, đội chi phí, giảm sức cạnh tranh.

Hiện nay có nhiều đơn vị tham gia chuỗi cung ứng logistics, nhưng lại nhỏ lẻ và manh mún, không liên kết tốt, nhất là về lĩnh vực vận tải. Nguồn nhân lực trong ngành dịch vụ logistics ở Thừa Thiên Huế thiếu và yếu, chưa qua đào tạo bài bản, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Thời gian qua, Ban Quản lý các Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh tiếp xúc, làm việc với một số nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư dịch vụ logistics tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đề xuất đầu tư với quy mô nhỏ, không đáp ứng yêu cầu đầu tư khu dịch vụ logistics, hậu cần phục vụ cảng Chân Mây đồng bộ, hiện đại nên chưa được xem xét, chấp thuận.

Kêu gọi nhà đầu tư logistics lớn

Theo Công ty CP Cảng Chân Mây, dù dịch vụ cảng biển ở Thừa Thiên Huế đang ở bước “khởi đầu” khi các hạng mục đầu tư cầu cảng, đê chắn sóng được đầu tư mới. Cảng Chân Mây không chỉ nhận và chuyển hàng mà còn phải đảm bảo lưu trữ, giao nhân, phân phối. Ngành cảng biển nói riêng và logistics nói chung ở Thừa Thiên Huế phát triển sau nên cần có sự tính toán phù hợp trong quy hoạch, bởi nhìn lại hầu hết cảng biển trong cả nước rất nhanh quá tải.

Để logictics thật sự là động lực mới của ngành công nghiệp của Thừa Thiên Huế, có nhiều ý kiến cho rằng tỉnh cần hình thành một trung tâm logistics để điều phối, đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả, tốc độ, năng suất hư hao… Điều này đòi hỏi có sự đầu tư về nhân lực và vật lực. Sự phát triển logistics của tỉnh  cũng phải nằm trong định hướng phát triển của cả khu vực miền Trung.

Ông Lê Văn Tuệ thông tin, hiện tại, tiếp giáp các bến cảng Chân Mây đã có quy hoạch khu dịch vụ logistics, hậu cần phục vụ cảng Chân Mây với diện tích khoảng 45ha. Theo định hướng thu hút đầu tư, khu dịch vụ logistics, hậu cần phục vụ cảng Chân Mây phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại; đảm bảo phát triển đồng bộ, gắn kết với hệ thống hạ tầng chung của khu cảng Chân Mây, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa qua cảng Chân Mây theo quy hoạch chi tiết xây dựng cảng Chân Mây đã được phê duyệt. Sự phát triển cũng phải đảm bảo tiêu chí xây dựng thành cảng xanh, hiện đại, thân thiện môi trường.

Cũng theo ông Tuệ, ban quản lý đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng danh mục và thông tin dự án kêu gọi đầu tư khu dịch vụ logistics, hậu cần phục vụ cảng Chân Mây để trình UBND tỉnh công bố, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics đầu tư dự án với mục tiêu đầu tư xây dựng khu dịch vụ hậu cần cảng, dịch vụ logistics đồng bộ, hiện đại, bao gồm hệ thống kho ngoại quan, kho tổng hợp chứa hàng rời, kho lạnh, bãi tập kết container, hàng hóa thông thường; khu văn phòng điều hành, dịch vụ hải quan, tài chính; hệ thống máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ vận chuyển, bốc xếp hàng hóa; hệ thống an ninh, phòng cháy chữa cháy hiện đại; hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật... Tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 900 tỷ đồng, tương đương khoảng 37,5 triệu USD.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dịch vụ dọn nhà đón Tết hút khách

Càng gần tết, nhu cầu về dịch vụ vệ sinh nhà cửa càng tăng. Các công ty có dịch vụ vệ sinh nhà cửa đang tất bật tăng tốc để đáp ứng nhu cầu.

Dịch vụ dọn nhà đón Tết hút khách
Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

TIN MỚI

Return to top