ClockThứ Tư, 27/01/2021 08:00

Farmstay: Mô hình du lịch cần được khai thác

TTH - Du lịch xanh, an toàn đã là xu hướng, đại dịch COVID-19 xảy đến càng khiến những mô hình du lịch xanh thêm được lựa chọn. Trong nhiều mô hình du lịch xanh, farmstay ở vùng ven TP. Huế là những mô hình cần được nghiên cứu, định hướng phát triển trong tương lai.

Hướng đến mô hình tổ chức phù hợp trong tương laiFarmstay ở A Lưới, cần thay đổi để phát triển

Mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp hứa hẹn thu hút khách (Trong ảnh: Khách tham quan, trải nghiệm tại vườn rau của Alba Thanh Tân)

Đã có nhưng chưa hoàn thiện

Theo Sở Du lịch, du lịch nông trại tại các farmstay đã manh nha xuất hiện ở Huế từ năm 2017 tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, như: Hương Thọ, thị xã Hương Trà; Hồng Hạ, huyện A Lưới; Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy; Quảng Lợi, huyện Quảng Điền; Phú Mậu, huyện Phú Vang; Thủy Biều, TP. Huế; Hương Phú, huyện Nam Đông; Phong Hòa, huyện Phong Điền.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, ở Huế chưa có mô hình du lịch đúng nghĩa là farmstay. Các điểm đến, mô hình nông trại gắn với du lịch chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ, tự phát và chưa được đầu tư bài bản, cơ sở hạ tầng chủ yếu sử dụng chất liệu gỗ, tranh, tre, nứa, lá nên nhanh xuống cấp, khó bảo đảm. Các nông trại chủ yếu phục vụ khách đến “check in”, chụp ảnh lưu niệm, có nơi trải nghiệm làm vườn, còn trực tiếp chế biến món ăn, lưu trú dài ngày thì chưa.

Việc tổ chức các sản phẩm du lịch nông nghiệp còn manh mún, chuyển quá nhanh sang dịch vụ du lịch, mà chưa chú trọng đến vấn đề duy trì bền vững hoạt động này. Cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch thiếu tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức và hạn chế khả năng ngoại ngữ. Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa nông nghiệp với phát triển du lịch còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, quảng bá thông tin xúc tiến du lịch chưa được thực hiện thường xuyên, nội dung quảng bá chưa có sức thu hút lớn.

Dù thế, các điểm đến có sự kết hợp giữa nông trại và du lịch cũng đã ít nhiều tạo điểm nhấn cho sự trải nghiệm của khách du lịch về vùng đất nông nghiệp nông thôn hoang sơ cũng như các loại hình văn hóa cộng đồng, ẩm thực của các vùng khác nhau và của người dân bản địa. Tăng tính đa dạng cho điểm đến, thêm sức hút cho du lịch Huế thời gian qua.

Tìm kiếm trên trang google về farmstay ở Huế, chỉ xuất hiện kết quả Hương Tuần Farmstay. Khi khảo sát thực tế các dịch vụ ở đây, không thể xem đó là một farmstay bởi chủ yếu là phục vụ lưu trú, các trải nghiệm về làm nông nghiệp, không gian cũng chưa phù hợp.

Ông Võ Văn Phú, chủ Hương Tuần Farmstay (Hương Thọ, thị xã Hương Trà) thừa nhận, ban đầu khi triển khai có thiết kế, kế hoạch, nhưng quá trình khai thác không thể duy trì bởi không có nhân lực chuyên khai thác du lịch. Khả năng quảng bá cũng kém, nên chủ farmstay này đang tìm kiếm đối tác cùng phối hợp khai thác, hướng đến tính bài bản và chuyên nghiệp hơn.

Sản phẩm của tương lai

Theo Sở Du lịch, nếu mô hình farmstay phát huy được vai trò sẽ không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ cộng đồng trong việc khai thác và bán các sản phẩm từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho khách du lịch và thị trường. Đây cũng là cách làm để phát triển kinh tế bền vững khi có sự kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch.

Hiệp hội Du lịch tỉnh đánh giá, có thể thấy, với chiến lược hướng đến du lịch xanh của tỉnh trong tương lai thì mô hình du lịch farmstay sẽ rất phù hợp khi khai thác được dư địa không gian, tài nguyên du lịch nông nghiệp, làng quê trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ tác động của dịch bệnh COVID-19 càng làm tăng nhu cầu du lịch xanh, hướng về thiên nhiên. Ngoài ra, loại hình du lịch này cũng sẽ giúp kéo dài thời gian khách lưu trú khi đến Huế; đồng thời giảm tải sức chứa đối với một số điểm đến trên địa bàn tỉnh đang quá tải vào các mùa cao điểm như hiện nay.

Thông tin khả quan là trung bình hàng năm, Thừa Thiên Huế đón được khoảng 300.000 lượt khách đến với loại hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; doanh thu, thu nhập từ dịch vụ và du lịch nông nghiệp nông thôn ước đạt 50 tỷ đồng/năm; thu hút được nhiều lao động của vùng nông thôn, các thôn bản tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động và chuyển dịch thời gian nông nhàn sang các ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch. Nâng cao bước đầu nhận thức về du lịch cộng đồng và phát triển du lịch bền vững cho người lao động trong vùng có phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Phúc thông tin, để có thể hình thành những farmstay hoạt động bài bản, thời gian đến, ngành sẽ xây dựng các mô hình nông trại thí điểm phát triển nông nghiệp gắn với du lịch theo từng giai đoạn và nhân rộng ra các địa phương nhằm tạo các sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp. Đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển nông trại nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn, gồm nông dân, doanh nghiệp lữ hành, địa phương, cơ quan quản lý nông nghiệp, du lịch…

Một giải pháp quan trọng nữa là cần quan tâm hơn trong việc tranh thủ các nguồn đầu tư, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước, từ xã hội hóa. Khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đầu tư trong việc triển khai phát triển trang trại nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có yêu cầu các địa phương; trong đó có Thừa Thiên Huế về việc khảo sát thực trạng phát triển trang trại nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn. Từ những đánh giá thực tế, tồn tại, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ để hình thành những cơ chế, chính sách mới để phát triển nông nghiệp bền vững dựa trên kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ vị Huế say lòng thực khách

Mệnh danh là “kinh đô ẩm thực”, làm say lòng thực khách bốn phương, thương hiệu ẩm thực Huế đã đến tận trời Tây, có mặt trên những tờ báo, tạp chí nổi tiếng của thế giới.

Mỹ vị Huế say lòng thực khách
Đưa di sản Huế vươn xa

Ở thời điểm hiện tại, hình hài của một Kinh đô xưa đã được tái hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Di sản Huế đã và đang từng bước phát huy giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Đưa di sản Huế vươn xa
Bảo hộ và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ

Bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ, nhất là các đặc sản, sản phẩm lợi thế của địa phương là bước khởi điểm căn bản để nâng cao giá trị thương hiệu, mở rộng thị trường, giúp tăng doanh thu, lợi nhuận cho chủ sở hữu.

Bảo hộ và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ
Sẵn sàng đón khách

Năm 2025, Huế đăng cai Năm Du lịch quốc gia với rất nhiều sự kiện, hoạt động đặc sắc, phấn đấu thu hút khoảng 4,8 - 5 triệu lượt khách du lịch. Để tạo ấn tượng và mang lại sự hài lòng cho du khách về những trải nghiệm ở Huế, các cơ sở lưu trú, nhà hàng ở Huế đã chủ động lên kế hoạch đón tiếp, chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ.

Sẵn sàng đón khách
Điểm sáng trong mô hình trồng hoa Tết

Với điều kiện thổ nhưỡng tốt và khí hậu ôn hòa, huyện A Lưới đang trở thành điểm sáng trong phát triển mô hình trồng các loại hoa xứ lạnh như hoa ly, tulip và nhiều giống hoa kiểng khác. Các loại hoa này được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán.

Điểm sáng trong mô hình trồng hoa Tết

TIN MỚI

Return to top