ClockThứ Sáu, 05/07/2019 05:30

Xử lý "tham nhũng vặt”

TTH - Từ công tác lãnh, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy đối với cấp ủy trực thuộc, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh cho thấy, tình trạng "tham nhũng vặt” trên địa bàn tỉnh xảy ra trên các lĩnh vực hành chính, dịch vụ công.

“Tham nhũng vặt” đang là vấn nạn bức xúc, cần tiếp tục tham mưu, chủ động phòng ngừa (Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương lưu ý) tại buổi làm việc với Ban Nội chính Tỉnh ủy vừa qua

Từ một số vụ việc

Các bị cáo Vương Quốc Hiếu và Trần Đình Nam đã bị pháp luật xử lý nghiêm minh do lạm dụng chức vụ trong việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản để tham nhũng tại Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Phú Vang. Qua vụ việc cho thấy, ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, tình trạng "tham nhũng vặt” thường xảy ra ở các khâu lập quy hoạch; duyệt dự toán; thiết kế, thi công; thanh tra, kiểm tra đến nghiệm thu thanh, quyết toán. Các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật và những cơ chế, chính sách; sự buông lỏng trong quản lý, điều hành để tham nhũng.

Một lĩnh vực khác cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho các đối tượng lợi dụng để tham nhũng là lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên môi trường. Vụ việc ông Hồ Hữu Phúc, nguyên Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến (Phú Lộc) có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã đồng ý (tự ý) với các thành viên trong gia đình và bạn bè của mình hợp thức hóa việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm chiếm đoạt.

Ông Lê Quý Phố, Trưởng phòng Phòng, chống tham nhũng Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết, để thực hiện ý đồ của mình, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để tham ô, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân. Thường là các đối tượng nhận hối lộ và dùng tiền, tài sản có giá trị của mình hay tập thể để hối lộ. Hoặc lợi dụng thẩm quyền để lập hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng nhằm trục lợi. Không những thế, các đối tượng còn lợi dụng việc quản lý cho thuê đất công, xử lý vi phạm về đất đai; trong công tác thu hồi, giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để tham nhũng. 

Quản lý, sử dụng ngân sách hay mua sắm tài sản công cũng dễ xảy ra nạn "tham nhũng vặt”. Liên quan đến lĩnh vực này, trước đây, cơ quan chức năng đã xử lý bà Nguyễn Thị Bình tội “tham ô tài sản” tại Trường THCS Phú Thượng (Phú Vang); xử lý kế toán và nhân viên thủ quỹ Trường tiểu học Phú Hòa (TP. Huế) vì chiếm dụng tiền học phí của học sinh và tiền BHXH của nhân viên cấp dưỡng số tiền gần 300 triệu đồng. Cán bộ kế toán ngân sách xã Vinh Thanh (Phú Vang) lợi dụng sơ hở trong quản lý để lấy số tiền hơn 1 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thất thoát ngân sách xã.

Tuy đã được cải thiện, nhưng tình trạng cán bộ giải quyết thủ tục hành chính “hành dân”, “hành doanh nghiệp” vẫn xảy ra. Mục đích của việc làm này là để người dân và doanh nghiệp “bôi trơn”, “lót tay”, phong bì, quà cáp cho cán bộ mới giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng.

UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hồ Văn Hải khẳng định, từ thực tế kiểm tra cho thấy, tình trạng "tham nhũng vặt” xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Có những nơi, cán bộ đi ăn cưới, đi hỏi, đi kỵ, giỗ hay tiếp khách cá nhân đều lấy tiền ngân sách. Một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng ý thức, tâm lý bị phụ thuộc của người dân để gây khó dễ, nhũng nhiễu, trục lợi. Thế nhưng, cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn tố giác các hành vi tham nhũng và tham nhũng "vặt”.

"Đang là vấn nạn bức xúc..."  

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến "tham nhũng vặt” chính là việc chậm bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm, nên vẫn còn tình trạng cán bộ hách dịch, nhũng nhiễu, vòi vĩnh nhận tiền của người dân, doanh nghiệp. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng cũng là vấn đề đáng bàn.

Nhiều giải pháp đã được Ban Nội chính Tỉnh ủy đặt ra trong thời gian tới để ngăn ngừa nạn "tham nhũng vặt”. Đó là tăng cường kiểm tra công vụ đột xuất (không báo trước), nhất là trong các lĩnh vực tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp; tăng cường thanh, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc khi có đơn thư phản ánh về cán bộ, công chức có dấu hiệu tham nhũng.

Về phía mỗi cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể để phòng ngừa, phát hiện, xử lý tình trạng "tham nhũng vặt”. Lãnh đạo, quản lý phải quản lý nhân viên thật chặt và có quy trình kiểm tra, giám sát rõ ràng; xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm. Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan nội chính xác định, báo chí cũng là một trong những kênh quan trọng để xử lý các vụ việc "tham nhũng vặt”.

Tại buổi làm việc với Ban Nội chính Tỉnh ủy ngày 20/6 vừa qua, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc đề nghị: “Tham nhũng vặt” đang là vấn nạn bức xúc nhất hiện nay. Ban Nội chính Tỉnh ủy cần tiếp tục tham mưu, chủ động phòng ngừa; không để khiếu nại, khiếu kiện đông người; tham mưu, tập trung xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các cơ quan nội chính tăng cường kiểm tra, giám sát công tác giải quyết đơn thư tố giác tội phạm, công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cán bộ 'né tránh', 'vô cảm' thì nền hành chính không đạt yêu cầu

Chiều 15/1, phát biểu kết luận Phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về cải cách hành chính để triển khai thực hiện cho tốt.

Cán bộ né tránh , vô cảm thì nền hành chính không đạt yêu cầu
Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

Việc chưa đồng bộ thông tin về địa giới hành chính trong đăng ký kinh doanh với dữ liệu thuế từ Tổng cục Thuế đang gây một số khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện đăng ký thay đổi địa giới hành chính trên giấy đăng ký kinh doanh.

Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top