ClockThứ Năm, 23/07/2015 18:46

Tìm lại tên cho các anh

TTH - Sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, vẫn còn những nỗi đau âm ỉ khi hàng ngàn ngôi mộ chưa xác định danh tính nằm rải rác khắp nơi. Thân nhân liệt sĩ vẫn nỗ lực tìm kiếm trong hy vọng. Họ tìm đến khoa học bằng phương pháp thử ADN với mong mỏi trả lại tên cho các anh sau bao năm lưu lạc.

Lãnh đạo tỉnh và các ngành thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Anh Phong

Mòn mỏi đi tìm…

Sợ không còn kịp thời gian khi tuổi già xế bóng, không biết bao nhiêu người mẹ vẫn miệt mài tìm con, người vợ tìm chồng, con đi tìm bố ở các nghĩa trang liệt sĩ.

Dựa vào thông tin từ đồng đội, tâm linh, linh cảm hay nhờ nhà ngoại cảm… tất cả đều đã làm, song họ vẫn thấy có điều gì bất ổn. Năm 2011, khi có chủ trương xét nghiệm ADN, thân nhân liệt sĩ đã tìm đến khoa học để giải mã, mong muốn tìm lại người thân của mình. Sử dụng công nghệ ADN để xác định phả hệ liệt sĩ xem như “cứu cánh” khi các mẫu vật không còn nguyên vẹn, địa chỉ quê quán chỉ ghi đến huyện, liệt sĩ chỉ có tên, không có họ…

Trong hành trình tìm mộ liệt sĩ, gia đình liệt sĩ Nguyễn Hữu Đoán (xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hải Hưng) không ngờ tìm được người thân một cách chính xác khi thông tin về liệt sĩ rất mù mờ. Sau khi liệt sĩ Đoán hy sinh, gia đình chỉ nhận được giấy báo tử, biết anh hy sinh năm 1972, khi ấy mới 22 tuổi, nơi hy sinh là mặt trận phía Nam. Gia đình như mò kim đáy biển, khi mặt trận này quá đỗi mênh mông. Hàng chục năm qua, họ lặn lội khắp nơi để tìm mộ nhưng vẫn không có manh mối. Tưởng như tuyệt vọng, tình cờ nghe được nguồn tin, ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Lộc Sơn (Phú Lộc) có ngôi mộ khắc tên Đoán, ngoài ra không có thông tin nào khác. Dẫu hy vọng mong manh, song gia đình vẫn quyết tâm trở lại nghĩa trang mượn mẫu sinh phẩm tại ngôi mộ liệt sĩ có tên Đoán đế giám định ADN.

Đưa các anh hùng liệt sĩ về với đất mẹ. Ảnh: Anh Phong

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thoán, em ruột liệt sĩ bật khóc: Ba tháng chờ kết quả, đó là khoảng thời gian vô cùng nặng nề với gia đình tôi khi tâm trạng rối bời, vừa lo âu, thấp thỏm nhưng vẫn hy vọng một phép màu. Kết luận của Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho thấy, mẫu sinh phẩm hài cốt của liệt sĩ Đoán và em gái tôi có quan hệ huyết thống. Ước nguyện cả đời của bố mẹ tôi đã được thực hiện nên chúng tôi chỉ biết lặng nhìn nhau khóc. Gia đình tôi đưa anh về với người thân sau bao năm xa cách”.

Một câu chuyện khá hi hữu, nếu không giám định gen thì liệt sĩ Lê Đắc Nghĩa ở xã Thuỷ Thanh (thị xã Hương Thuỷ) mãi mãi sẽ mang một cái tên khác. Ông Nguyễn Viết Giám, nguyên Phó Trưởng phòng Lao động TB&XH thị xã Hương Thuỷ kể lại: Bà Nguyễn Thị Xuê là cơ sở nuôi giấu cách mạng ở xã Thuỷ Phương. Bà có người yêu tên là Cường, chiến sĩ thuộc đơn vị trinh sát Quân khu Trị Thiên. Năm 1965, ông Cường và ông Nghĩa bị địch phục kích, hy sinh ở làng Thần Phù. Bà Xuê bí mật theo dõi và phát hiện xác của người yêu chôn ở Phú Lương (thuộc xã Thuỷ Châu). Hai năm sau, bà Xuê đã lấy trộm 1 trong 2 hài cốt liệt sĩ mà bà cho đó là liệt sĩ Cường đem về cải táng trong vườn nhà mình. Từ đó, bà xem đó như là chồng mình, ở vậy phụng thờ, bao nhiêu người đến dạm ngõ bà đều từ chối.

Đến cuối năm 2005, sức khoẻ giảm sút, bà Xuê lo lắng, khi hết đời mình sẽ không còn ai chăm sóc phần mộ của liệt sĩ nên bà báo lại cho Phòng Lao động Thương binh Xã hội cất bốc đưa về nghĩa trang. Kể đến đây, giọng ông Giám chùng xuống: “Bà Xuê chôn cất nhầm người cô ạ”. Chúng tôi phát hiện ra điều này sau khi gia đình liệt sĩ Cường vào xin làm giám định ADN và kết quả không cùng huyết thống. Bằng phương pháp loại trừ, chúng tôi nghĩ ngay đến liệt sĩ Nghĩa. Rất nhanh sau đó, gia đình của liệt sĩ Nghĩa đã đến làm xét nghiệm và kết quả trùng khớp với mẫu tóc của cô em gái. Khi biết tin mình nhầm lẫn, bà Xuê khóc. Tuổi già xế bóng, bà lại thấy lòng nặng trĩu khi người mình yêu thương vẫn chưa thể xác định, nằm ở đâu trong vị trí 15 ngôi mộ không rõ danh tính đang được hương khói tại nghĩa trang. Sau hơn 45 năm mang tên người khác, liệt sĩ Lê Đắc Nghĩa nay đã được ghi lại tên mình trong Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Hương Thuỷ.

Chạy đua với thời gian

Việc áp dụng các biện pháp khoa học để tìm tên cho liệt sĩ chưa rõ danh tính là nhu cầu bức thiết. Thế nên, khi thân nhân liệt sĩ có nhu cầu làm thủ tục xét nghiệm ADN, chúng tôi đều tạo điều kiện thuận lợi nhất. Đối với những kết quả giám định ADN đúng sẽ gắn bia ghi tên liệt sĩ và thực hiện chính sách theo quy định. Còn kết quả không đúng, mẫu ADN sẽ được đưa vào ngân hàng ADN liệt sĩ để phục vụ cho công tác đối chiếu gen xác định danh tính liệt sĩ sau này.
 
Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động TB&XH 

Dẫu chỉ là một tia hy vọng, nhưng không phải ai cũng may mắn thử được kết quả ADN để tìm người thân. Có nhiều gia đình đã tập hợp các thông tin khá trùng khớp với liệt sĩ, nhưng khi được phép khai quật để làm giám định thì xương cốt đã hoà vào đất đai, cây cỏ. Thế nên, nhiều gia đình ngậm ngùi xin đem một ít đất về quê hương để an ủi, làm ấm lòng người còn sống. Theo quy định, khi giám định gen, bao giờ cũng theo dõi phả hệ dòng mẹ, trong khi đó, nhiều gia đình khó lấy mẫu của thân nhân (cha mẹ, anh chị em ruột) gần nhất của liệt sĩ để thử ADN vì hầu hết đều cao tuổi hoặc đã mất. Theo thống kê sơ bộ của Sở Lao động TB&XH, trong 3 năm có khoảng gần 100 bộ hài cốt liệt sĩ được cơ quan chức năng tiến hành giám định gen, trong đó xác định đúng danh tính cho liệt sĩ đạt khoảng 40%.

Thất vọng sau lần xét nghiệm ADN không cùng huyết thống nhưng nhiều gia đình vẫn không bỏ cuộc, hành trình tìm người thân của thân nhân liệt sĩ vẫn tiếp tục dẫu hy vọng mong manh. Hàng chục năm nay, gia đình ông Lê Văn Nghĩa, con của liệt sĩ Lê Văn Quảng (Nghi Lộc, Nghệ An) mòn mỏi đi tìm bố giữa đại ngàn Trường Sơn. Bố anh hy sinh ở khu vực đèo Con Mèo ( A Lưới) năm 1969. Liên lạc qua điện thoại, ông Lê Văn Nghĩa chia sẻ: Sau giải phóng, mẹ tôi được đồng đội của bố chỉ nơi ông nằm tại khu vực đèo Con Mèo nhưng hồi ấy hai anh em chúng tôi còn bé, ông bà nội già yếu, mẹ tôi không đi tìm bố được.

Bữa cơm nào mẹ cũng nhắc tên bố, cái Tết nào cũng buồn nhớ, đêm đêm mẹ lại giở ảnh bố ra xem. Khi lớn lên, thực hiện ý nguyện mẹ, năm nào chúng tôi cũng tìm về Nghĩa trang liệt sĩ huyện A Lưới để tìm bố. Mới đây, khi tìm được ngôi mộ có nhiều thông tin trùng khớp với bố tôi, gia đình quyết định xin tách từ mẫu sinh phẩm hài cốt để xét nghiệm. Thế nhưng, sau bao tháng hy vọng, mong chờ kết quả ADN không trùng khớp.

Niềm vui, nỗi buồn và nước mắt đan xen, song thân nhân các gia đình liệt sĩ vẫn mong muốn được xác định người thân bằng phương pháp khoa học. Điều họ đau đáu, canh cánh bên lòng là làm thế nào để chạy đua với thời gian khi xét nghiệm ADN phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ thân nhân liệt sĩ, liệt sĩ và hiện trường nên việc tìm kiếm ngày càng khó khăn hơn...

Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168

Ngày 10/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168
Cần đảm bảo quyền lợi người mua vé số

Chiều 10/1, Văn phòng UBND thành phố cho biết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương vừa có những chỉ đạo liên quan đến vụ việc vé số bị rách không đảm bảo điều kiện nhận thưởng.

Cần đảm bảo quyền lợi người mua vé số

TIN MỚI

Return to top