ClockChủ Nhật, 04/09/2022 14:16

Việt Nam - Lào vững bước đồng hành trên con đường phát triển

Là hai nước láng giềng gần gũi, có đường biên giới chung dài hơn 2.300 km, cùng uống chung dòng nước sông Mekong, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào đã được hình thành và hun đúc trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, trở thành mối quan hệ đặc biệt, thủy chung son sắt, trong sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế.

Lãnh đạo Lào, Cuba khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phươngChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội LàoKý kết Biên bản ghi nhớ với Mặt trận Lào Xây dựng đất nước tỉnh Salavan

Ngày 18/7/1977, tại thủ đô Vientiane, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Lào Kaysone Phomvihane ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào. Ảnh: Văn Bảo/TTXVN

60 năm trước, ngày 5/9/1962, Việt Nam và Lào đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước. Đây không chỉ là sự kiện lịch sử quan trọng, là bước ngoặt mới trong thắng lợi trên mặt trận ngoại giao của lực lượng cách mạng hai Đảng, hai nước, mà còn khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong hơn một thập niên sau đó, quân đội và nhân dân hai nước tiếp tục dành cho nhau sự hỗ trợ và sẻ chia to lớn cả về tinh thần cũng như nhân lực và vật lực, trên tinh thần “Hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”. Để hỗ trợ cách mạng Lào, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã cử hàng vạn cán bộ, chiến sĩ sang phối hợp, giúp đỡ và sát cánh chiến đấu cùng quân đội và nhân dân Lào. Để giúp cho công cuộc thống nhất đất nước của Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào cũng đã hết lòng hết sức hỗ trợ Việt Nam xây dựng “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”... Sự giúp đỡ lẫn nhau vô cùng to lớn và cao đẹp đó đã trở thành sức mạnh to lớn, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của mỗi nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.

Sau khi hòa bình lập lại, quan hệ giữa Việt Nam và Lào bước sang trang sử mới, từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập, chủ quyền là nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào. Xuất phát từ nhu cầu hợp tác sâu rộng và cấp thiết giữa hai nước trong tình hình mới, ngày 18/7/1977, Việt Nam và Lào đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, tạo cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc để hai nước không ngừng mở rộng quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện. Đây cũng là tiền đề để hai nước ký kết hàng loạt văn kiện và thỏa thuận hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo,…

Trong thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hai Đảng, hai nước Việt Nam - Lào anh em tiếp tục kề vai, sát cánh trong công cuộc Đổi mới, cùng đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, an toàn và trật tự xã hội, mang lại cuộc sống ngày càng ấm no và bình yên cho nhân dân mỗi nước.

Nhìn lại lịch sử mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào qua hơn 9 thập niên kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, đặc biệt là sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1962 và ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác năm 1977 đến nay, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về mối quan hệ mẫu mực, vô cùng trong sáng, hết mực thủy chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; Tự hào khi chứng kiến bất chấp tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, thuận lợi và thách thức đan xen, tác động mạnh đến hai nước, nhưng quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong trực tiếp đặt nền móng, chẳng những không bị ảnh hưởng, mà còn ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đem lại hiệu quả và nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước trên mọi lĩnh vực, trở thành mối quan hệ đặc biệt, là di sản quý báu và là nhân tố quyết định đối với sự thành công trong công cuộc cách mạng ở mỗi nước.

Đặc biệt trong những năm gần đây, ngay cả khi đại dịch COVID- 19 đặt ra những thách thức và khó khăn chưa từng có, nhờ sự phối hợp linh hoạt và hình thức đa dạng, nhiều thỏa thuận quan trọng mang tính chiến lược, định hướng cho quan hệ hai nước duy trì được tiến độ và bảo đảm hiệu quả, giúp cho quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước tiếp tục phát triển vững chắc, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Quan hệ chính trị không ngừng được củng cố và nâng cao, từ "quan hệ hữu nghị truyền thống" thành "quan hệ hữu nghị vĩ đại" từ tháng 2/2019, ngày càng trở nên tin cậy, gắn bó, tiếp tục giúp định hướng cho các lĩnh vực hợp tác khác.

Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh tiếp tục là trụ cột vững chắc trong quan hệ Việt Nam-Lào, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định, an ninh chính trị mỗi nước.

Các tiết mục văn nghệ mang lời ca điệu múa thắt chặt tình cảm hai nước Việt Nam - Lào tại chương trình truyền hình đặc biệt “Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, tối 29/8/2022. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Hợp tác kinh tế trở thành nền tảng lâu dài trong quan hệ hai nước, ngày càng khởi sắc, mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn. Việt Nam tiếp tục là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Lào. Nhiều dự án viện trợ của Chính phủ Việt Nam cho Lào và dự án đầu tư, thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam triển khai tốt và hiệu quả cao, góp phần quan trọng phát triển kinh tế Lào, tạo nhiều công ăn việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân.

Trong hợp tác thương mại, 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt hơn gần 949 triệu USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối hạ tầng, giao thông vận tải được đẩy mạnh; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Thành quả nổi bật có ý nghĩa chiến lược lớn là Việt Nam đã tạo điều kiện để Lào có đường ra biển, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho Lào. Đây là dự án thể hiện rõ tình cảm đặc biệt tin cậy và chí tình chí nghĩa giữa những người đồng chí, anh em Lào - Việt Nam, là dự án có một không hai trong hợp tác bình thường giữa hai quốc gia.

Nhiều dự án, công trình hợp tác mang đậm dấu ấn của tình hữu nghị thủy chung, quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đã và đang phát huy hiệu quả. Điển hình như công trình Nhà Quốc hội mới của Lào khánh thành năm 2021, quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào. Công trình được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đánh giá có 4 “điểm nhất” là “hiện đại nhất, hài hòa bản sắc dân tộc nhất, vững chắc nhất, có giá trị đầu tư lớn nhất”.

Hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực là lĩnh vực đang trên đà phát triển tích cực, hiệu quả; không chỉ ở cấp độ chính phủ mà ngày càng mở rộng đến cấp bộ, ngành và địa phương. Để hỗ trợ Lào có đủ nguồn nhân lực chất lượng phát triển đất nước, bên cạnh việc cấp hàng nghìn học bổng mỗi năm cho Lào, Việt Nam cũng đang tăng cường giúp đỡ Lào xây dựng cơ sở vật chất trường học, biên soạn giáo trình giảng dạy ở các bậc từ phổ thông đến cao đẳng, đại học và hợp tác nghiên cứu khoa học…

Không chỉ hợp tác toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu trong khuôn khổ song phương, tình hữu nghị và đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam và Lào còn được khẳng định trên bình diện đa phương. Hai nước chia sẻ nhiều điểm đồng, ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, Tiểu vùng Mekong mở rộng...

Trong diễn văn đọc tại thủ đô Hà Nội ngày 18/7/2022 nhân dịp kỷ niệm 45 năm hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn luôn ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện công cuộc đổi mới của Lào; đồng thời hết sức coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ đặc biệt vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa hai Đảng, hai nước chúng ta. Chúng tôi luôn luôn mong muốn hợp tác, hỗ trợ đất nước Lào với tinh thần ‘giúp bạn là giúp mình’, xem đây là nhiệm vụ chiến lược; mong muốn cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào không ngừng bồi đắp tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, không ngừng nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục đào tạo, cùng nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng”.

Trong diễn văn đọc tại thủ đô Viêng Chăn cùng ngày nhân sự kiện này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cũng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào luôn kiên quyết và sẽ cùng với các đồng chí Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống làm cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam mãi mãi trường tồn, tăng cường và nâng cấp sự hợp tác trong các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước”.

Với những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao nhất cùng quyết tâm của người dân hai nước gìn giữ và vun đắp cho quan hệ Việt - Lào, trên cơ sở của những kết quả đáng tự hào mà hai nước đã đạt được trong suốt những năm tháng qua, tin tưởng rằng, quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào trong tương lai sẽ không ngừng được củng cố, phát triển, năng động, hiệu quả và thiết thực hơn, ngày càng đáp ứng lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước và mãi mãi trường tồn với thời gian.

Theo TTXVN/baotintuc.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, tình trạng đói nghèo toàn cầu sẽ gia tăng nếu thế giới không nỗ lực duy trì một hệ thống thương mại ổn định và cởi mở.

Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới
Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

TIN MỚI

Return to top