ClockThứ Tư, 07/07/2021 07:00
Hưởng ứng Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội

Thành tựu từ chính sách hữu nghị và hợp tác

TTH - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một ham muốn tột bậc là “Làm sao cho nước tôi được hoàn toàn độc lập, dân tôi được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Một trong những mong ước cuối cùng để lại trong “Di chúc”, Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của thế giới” [1]. Những hoài bão, khát vọng, mong muốn đó của Người trở thành hệ giá trị của chủ nghĩa xã hội.

Không để “trên nóng dưới lạnh”Vững tin trên con đường của Đảng

Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41. Ảnh: TTXVN

Khi định nghĩa về chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Chủ nghĩa xã hội là xây dựng một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân”, “Chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh”, “Chủ nghĩa xã hội là mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do”, “Chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của Nhân dân” và trực tiếp hơn chính là “Chủ nghĩa xã hội làm cơ sở vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà để xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” [2].

Với bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội mà xuyên suốt quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn trung thành, nhất quán với con đường chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” và “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” [3]. 

Sự quyết tâm và tính kiên định của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định được tính khoa học của chủ nghĩa xã hội, chỉ ra được đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội mà Nhân dân Việt Nam xây dựng, trong đó có đặc trưng về hợp tác và hội nhập quốc tế, điều này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định lại rõ hơn trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", đó là, chủ nghĩa xã hội có “quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. 

Qua đó cho thấy, việc chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội là hướng tới các giá trị về độc lập dân tộc; dân chủ; giàu mạnh; bình đẳng; tiến bộ; quyền con người được đảm bảo; có nền văn hóa phát triển, tiên tiến, hiện đại; có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Với những giá trị đó sẽ trở thành nội lực quan trọng để chúng ta đi ra thế giới, hội nhập quốc tế, thể hiện được Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Chúng ta hội nhập quốc tế để phát triển, hội nhập quốc tế để khẳng định giá trị của chủ nghĩa xã hội và hội nhập để cho thế giới biết đến một Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị của nhân loại, tôn trọng chuẩn mực quốc tế; và làm cho thế giới tin Việt Nam.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ tin Việt Nam bởi những thành tựu chúng ta đạt được qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Chúng ta đã làm được những điều phi thường trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu về môi trường, văn hóa, chính sách xã hội.

Thành tựu đó được Liên Hiệp quốc công nhận là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hoá các Mục tiêu Thiên niên kỷ năm 2019 về chỉ số phát triển con người (HDI).

Đối với những thành tựu đạt được gần đây như chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo được mục tiêu kép; hay việc Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm đồng thời ba trọng trách: Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.

Thành tựu đạt được trong hội nhập quốc tế cả chiều rộng lẫn chiều sâu, số lượng lẫn chất lượng như việc hợp tác và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế.

Những thành tích này góp phần vững chắc, tin cậy để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đây chính là sự phản ánh bản chất, đặc trưng, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Nhân dân ta xây dựng.

Nguyên Phúc

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, t. 15, tr. 614

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 85

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr. 69 – 70

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Return to top