ClockThứ Sáu, 12/06/2020 10:54

Quốc hội thảo luận Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng khó khăn nhất

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư, nhưng hiện nay, vẫn là vùng khó khăn nhất - chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất – kinh tế xã hội phát triển chậm nhất - tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất - tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Triển vọng và thách thức cho quá trình phục hồi du lịch Đông Nam ÁBà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc giaLần đầu tiên trong lịch sử, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc họp trực tuyếnHàn Quốc tổ chức hội nghị khu vực về xây dựng hòa bình Liên Hiệp quốcNgừng cung cấp dịch vụ điện, nước có ảnh hưởng, tác động rất lớn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 12/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Trước đó, ngày 28/5, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và thẩm tra về quyết định đầu tư “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” (Chương trình), giai đoạn 2021-2030.

Theo Tờ trình của Chính phủ, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng, là đầu nguồn sinh thủy, gắn với các công trình thủy điện quốc gia vừa cung cấp điện, vừa cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du và khu vực đồng bằng.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư, đạt được thành tựu to lớn, cơ sở hạ tầng KT-XH và đời sống của đồng bào sinh sống ở vùng DTTS&MN đã được cải thiện rõ rệt nhưng hiện nay, vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do vùng đồng bào DTTS&MN chủ yếu là núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng KT-XH kém nhất cả nước, xuất phát điểm rất thấp; biến đổi khí hậu, sự cố môi trường diễn ra nghiêm trọng và khó lường… Chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển KT-XH.

Bên cạnh đó, Chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng còn nhiều đầu mối xây dựng, quản lý, theo dõi; nguồn lực phân tán, dàn trải; chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp; chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng, phát huy nội lực của đồng bào để đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS&MN.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đã được chỉ ra trong Báo cáo số 426/BC-CP của Chính phủ; là giải pháp quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Đối tượng điều chỉnh của Chương trình là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.

Địa bàn thực hiện Chương trình: Thực hiện ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi là các xã, thôn có tỷ lệ hộ DTTS từ 15% trở lên. Phân định theo trình độ phát triển, bao gồm địa bàn đặc biệt khó khăn (xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn), địa bàn còn khó khăn (xã khu vực II), địa bàn bước đầu phát triển (xã khu vực I). Thời gian thực hiện Chương trình: 10 năm (2021 - 2030), chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: 2021 - 2025; Giai đoạn 2: 2026 - 2030.

Thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm (2021-2030), chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.

Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 tối thiểu 137.664,95 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương tối thiểu 104.954,01 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển tối thiểu 50.629,16 tỷ đồng. Tổng vốn thực hiện giai đoạn 2026-2030 dự kiến 134.270,70 tỷ đồng.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là: Giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đảm bảo an sinh xã hội; bảo vệ an ninh tổ quốc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Mục tiêu cụ thể đến 2025: Chương trình sẽ đóng góp quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu được xác định trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu chủ yếu sau: Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hàng năm trên 3%; phát triển bền vững sinh kế, tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên hơn 2 lần so với năm 2020; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn đặc biệt khó khăn so với tiêu chí năm 2020.

Định hướng mục tiêu đến năm 2030: Nỗ lực cao nhất, phấn đấu đạt được các mục tiêu đã xác định trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội: Tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên tối thiểu bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Chương trình gồm 10 Dự án thành phần gồm:

Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của hộ dân tộc thiểu số.

Dự án 2: Quy hoạch sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết.

Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.

Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

Về giải pháp và cơ chế quản lý, điều hành Chương trình: Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù.

Áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án của Chương trình.

Đa dạng hóa nguồn vốn trong đó vốn nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn ODA và đẩy mạnh thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của người dân để thực hiện các mục tiêu của Chương trình theo nguyên tắc “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Công khai, dân chủ, phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số; quán triệt phương châm: “Dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”, “Xã, thôn có công trình, dân có việc làm, tăng thu nhập”.

Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền và nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương; lồng ghép, thực hiện bình đẳng giới trong triển khai thực hiện Chương trình.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để theo dõi, giám sát, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình.

Về cơ chế quản lý, điều hành: Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình, do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng ban thường trực; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm Phó Trưởng ban; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan là thành viên; Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình.

Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Ban Chỉ đạo Chương trình ở trung ương và hướng dẫn các địa phương xây dựng chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo cấp địa phương phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc các cấp trong tổ chức thực hiện Chương trình.

Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình ở trung ương quyết định thành lập Văn phòng Điều phối quốc gia đặt tại Ủy ban Dân tộc để tham mưu cho Ban Chỉ đạo, đảm bảo nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả và không giao tăng thêm biên chế.

Nguyên tắc phân bổ ngân sách trung ương thực hiện Chương trình: Kinh phí của Chương trình được tổng hợp thành mục ngân sách trong vốn đầu tư công ở các cấp ngân sách theo Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công do Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định định mức, phân bổ cụ thể ngân sách trung ương, đảm bảo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù.

Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ đến từng dự án thành phần để làm căn cứ chỉ đạo, điều hành cụ thể. Các địa phương bố trí vốn ngân sách địa phương và chủ động, tích cực huy động hợp lý nguồn vốn ngoài ngân sách theo quy định của pháp luật để thực hiện các mục tiêu của Chương trình.

Tổ chức thực hiện Chương trình:

Thứ nhất, đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các địa phương cân đối, huy động và sử dụng nguồn lực bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Hàng năm, Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Chương trình với Quốc hội; năm 2025 tổng kết giai đoạn 2021 - 2025 và trình Quốc hội thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 - 2030.

Đối với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách địa phương, cùng với ngân sách trung ương và chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực khác theo quy định của pháp luật để thực hiện Chương trình.

Hàng năm, vào kỳ họp cuối năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về kết quả thực hiện chương trình.

Về giám sát việc thực hiện Chương trình: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, giám sát việc thực hiện Chương trình theo nội dung Nghị quyết này và các văn bản pháp luật có liên quan.

Chương trình đặc thù, tích hợp hơn 100 chính sách dân tộc

Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc bày tỏ cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình như Tờ trình của Chính phủ. Đây là một chương trình có tính đặc thù không chỉ phát triển KT-XH, mà còn tích hợp thực hiện hơn 100 chính sách dân tộc.

Nếu tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình sẽ giải quyết được những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc hiện nay, tạo cơ hội mới cho vùng đồng bào DTTS&MN phát triển, toàn diện, bền vững KT-XH, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước.

Hội đồng Dân tộc cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Chương trình là chấp hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; để cụ thể kết luận số 65-KL/TWcủa Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; thể chế hóa khoản 5 Điều 70 Hiến pháp 2013 Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước; cơ bản phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công. Chương trình được xây dựng bảo đảm về cơ sở pháp lý và thực tiễn, phù hợp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở đó, Hội đồng Dân tộc cho rằng, cần đẩy mạnh việc phân cấp và nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương; thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân trong các khâu thực hiện Chương trình; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS; thực hiện phương châm “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, “Xã, thôn có công trình, dân có việc làm, tăng thu nhập”.

Theo baochinhphu.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.

Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

TIN MỚI

Return to top