ClockThứ Hai, 31/10/2022 07:50

Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 31/10 Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả phát triển kinh tế xã hộiĐoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp nhiều ý kiến tại buổi thảo luận tổNgày 27/10, Quốc hội dành thời gian thảo luận về kinh tế xã hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: An Đăng/TTXVN.

Trước khi thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Sau đó các đại biểu Quốc hội xem video clip về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Các đại biểu thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Trước đó, trong phiên họp ngày 28/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. 

Tại phiên thảo luận đã có 43 đại biểu phát biểu, một đại biểu tranh luận. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung: vấn đề tự chủ của các bệnh viện; nguồn nhân lực, chế độ lương, phụ cấp đối với ngành y tế; việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế; bạo lực học đường, bạo lực gia đình; tình trạng thiếu giáo viên ở miền núi, vùng sâu vùng xa; ảnh hưởng của mạng xã hội trong giới trẻ; việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; tình hình thu chi ngân sách năm 2022, dự toán năm 2023; việc điều hành KT-XH những tháng cuối năm 2022, đầu năm, 2023; hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng; việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đầu tư, nâng cấp các tuyến đường, công trình điện, viễn thông ở miền núi, biên giới; tình trạng lãng phí đất đai; nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; việc xử lý các dự án đầu tư thua lỗ; đổi mới và hoàn thiện thể chế; kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng…

Nhằm đạt được các chỉ tiêu đã đề ra trong thời gian tới, các đại biểu cũng đề xuất Chính phủ triển khai một số giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế; có chính sách phù hợp đối với ngành y tế, giáo dục; triển khai việc cải cách tiền lương; hoàn thành giải ngân vốn hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia; có giải pháp kiềm chế lạm phát, khơi thông dòng vốn; triển khai việc cho thuê, mua nhà ở cho người có thu nhập thấp; định hướng việc sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; đầu tư hỗ trợ cho các địa phương phát triển nông nghiệp; có chính sách phát triển toàn diện về văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế; tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên phát triển năng lượng tái tạo, cây dược liệu; điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất; đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất lao động, chất lượng đào tạo nghề; sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức…

Cho ý kiến về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, các ý kiến đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là quyết sách đúng đắn của Quốc hội, đã phát huy được một số cơ chế, chính sách rất cụ thể, hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh; thống nhất chủ trương cho phép kéo dài việc thực hiện Nghị quyết đến khi Chính phủ đề xuất cơ chế mới vào kỳ họp Quốc hội cuối năm sau (tháng 10/2023).

Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỳ họp chuyên đề lần thứ 21, HĐND thành phố khoá VIII, nhiệm kỳ 2021-2026:
Thông qua nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư công, nông nghiệp, y tế

Nhiều nghị quyết (NQ) liên quan đến các lĩnh vực đầu tư công, nông nghiệp, y tế… đã được HĐND thành phố thông qua tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 21, HĐND thành phố khoá VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra chiều 7/1.

Thông qua nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư công, nông nghiệp, y tế

TIN MỚI

Return to top