ClockThứ Bảy, 20/10/2018 23:07

Lên phương án di dời hơn 4.200 hộ dân ra khỏi Kinh thành Huế

TTH.VN - Vòng tường Kinh thành bị hư hỏng, thượng thành bị người chiếm dụng để ở và trồng hoa màu, nhiều đoạn hộ Thành Hào bị phá hủy hoàn toàn, các khu vực bảo vệ di tích trong kinh thành bị lấn chiếm… Việc này đòi hỏi sự di dời, giải phóng để bảo vệ khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.

Quyết liệt sẽ thành côngMong người dân ủng hộ chủ trương di dời đến nơi ở tốt hơnLợi cho lâu dài

Người dân lấn chiếm hộ Thành Hào gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích

Tại buổi trao đổi, đi thực địa các khu vực di tích đang bị lấn chiếm cùng báo giới sáng 20/10, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã trình bày đề án di dời, giải phóng. Tham dự, còn có đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế.

Bị lấn chiếm nghiêm trọng

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, vòng tường thành của Kinh thành hư hỏng khoảng 40%, trong lòng các pháo đài bị chiếm dụng để làm nhà ở, thượng thành và tuyến phòng lộ bị người dân chiếm dụng trồng hoa màu cũng như xây cất nhà ở. Kè đá của hộ Thành Hào bị hư hỏng, nhiều đoạn bị phá hủy hoàn toàn, một số nhà dân làm lấn ra mặt hào dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, không được nạo vét thường xuyên, diện tích hồ bị thu hẹp bởi sự lấn chiếm ngày càng nghiêm trọng.

Hiện tại, có khoảng 4.200 hộ dân tập trung ở các khu vực Thượng Thành - Eo Bầu, hộ Thành Hào, Khâm Thiên Giám, Lục Bộ, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, trấn Bình Đài…

Việc lấn chiếm này làm giới hạn tầm nhìn, giảm mỹ quan di tích, ảnh hưởng đến diện mạo và sự bền vững của các công trình kiến trúc, môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Đặc biệt trong khu vực Kinh Thành có hơn 40 hồ nhưng đến nay bị lấp 1/5. Các loại động thực vật thủy sinh đặc trưng gần như không còn hoặc rất ít, diện tích mặt nước hoang phế, cây cỏ dại, rong bèo mọc tràn lan.

Ngoài ra, trên khu vực Thượng Thành – Eo Bầu và các vọng lâu còn hiện hữu 13 lô cốt quân sự được xây dựng trước 1975 gây phản cảm, là nơi tập trung tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến cảnh quan, giá trị di tích cần có giải pháp tháo dỡ, hoặc di chuyển.

Huy động tối đa nguồn lực

Theo đề án này, phạm vi giải tỏa bao gồm 4 phường bên trong Kinh Thành gồm Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc và Tây Lộc. Ngoài ra, có thêm 3 phường tiếp giáp Phú Hòa, Phú Bình, Phú Thuận.

Cụ thể khu vực di tích cần giải tỏa ở đây như: hệ thống tường thành dài 11,5km, cao 6,6m và rộng 21m; hệ thống 24 eo bầu; hệ thống tuyến phòng lộ chạy bao quanh có chiều rộng 8km; hệ thống hộ Thành Hào tiếp giáp tuyến phòng lộ chạy bao bọc xung quanh hệ thống tường thành dài 12,5km, bề rộng từ 17 – 50m và sâu khoảng 3,5m.

Bên cạnh đó còn có hồ Tịnh Tâm 11 ha, hồ Học Hải 5 ha, đàn Xã Tắc 5 ha, Khâm Thiên Giám 2.500m2, Xiển Võ Từ 1.500m2, Lục Bộ 7,5 ha, hệ thống 27 hồ với diện tích mắt nước hơn 21 ha, Trấn Bình Đài 6,5 ha và khu Mang Cá đang thuộc sự quản lý của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.

Nhiều di tích nằm trong Kinh Thành bị chiếm dụng, trải qua thời gian xuống cấp nghiêm trọng

Việc di dời, giải tỏa sẽ được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1, 2019 – 2021 sẽ dời gần 3.000 hộ dân với kinh phí di dời, giải phóng mặt bằng khoảng 1.880 tỷ đồng. Giai đoạn 2, 2022 – 2025 di dời hơn 1.200 hộ với kinh phí 855 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, theo ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đề xuất trung ương hỗ trợ kinh phí di dời giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích thuộc Kinh thành Huế cho cả hai giai đoạn ước chừng 2.735 tỷ đồng.

Kinh phí đầu tư xây dựng khu tái định cư 73 ha phục vụ di dời giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 là 946 tỷ đồng thuộc ngân sách địa phương từ nguồn thu bán vé tham quan di tích, dịch vụ du lịch và các nguồn huy động hợp pháp khác, trong đó có đề xuất vay kho bạc nhà nước 200 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư xây dựng khu tái định cư 32 ha giai đoạn 2 là 416 tỷ đồng thuộc ngân sách địa phương.

Cũng theo ông Tuấn, công tác di dời dân cư, giải phóng mặt bằng là công việc khó khăn, phức tạp và có nhiều thủ tục, thường phát sinh khiếu kiện, gây kéo dài thời gian, ảnh hưởng lớn đến tiến độ.

Vì thế, sẽ ưu tiên tập trung, huy động tối đa nguồn lực đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện công tác đền bù giải tỏa, tái định cư theo kế hoạch. Kiện toàn bộ máy quản lý thực hiện các dự án thành phần, bổ sung lực lượng cán bộ có năng lực, chuyên môn phù hợp, giao trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể cho cấp lãnh đạo địa bàn phường, xã có dân cư di dời, giải tỏa. Triển khai thực hiện đầu tư, xây dựng các khu tái định cư trước để đảm bảo tiến độ…

Clip hộ dân sống dọc theo hộ Thành Hào, lấn chiếm gây ô nhiễm nghiêm trọng

Bài, ảnh, clip: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di dời lồng cá trên sông Bồ

121 lồng cá trắm cỏ của 38 hộ dân thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) đang nuôi trên sông Bồ buộc phải di dời đến nơi khác và giảm lồng nuôi để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Đây là quyết định của UBND huyện Quảng Điền cũng như theo phân tích của các sở, ngành liên quan, nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng phụ cận.

Di dời lồng cá trên sông Bồ
Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Trước tình hình mưa lớn, nguy cơ sạt lở và ngập lụt sâu, trong sáng 5/11, các địa phương của huyện Phú Lộc đã triển khai sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, rào chắn cảnh báo các vị trí ngập lụt sâu.

Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở
Sớm ổn định cuộc sống của người dân thuộc diện di dời, giải tỏa

Trong những lần thực tế kiểm tra các dự án giao thông trọng điểm, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu luôn lưu ý với các cấp ủy, chính quyền địa phương và sở, ban, ngành liên quan là tập trung giải quyết các vấn đề về dân sinh, sớm ổn định cuộc sống cho người dân trong diện phải di dời, giải tỏa.

Sớm ổn định cuộc sống của người dân thuộc diện di dời, giải tỏa

TIN MỚI

Return to top