ClockThứ Sáu, 09/07/2021 14:02

Kiên định “mục tiêu kép”

Kiên định mục tiêu thực hiện hài hòa, thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là khẳng định của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của UBND tỉnh diễn ra chiều 7/7.

Nhìn lại tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm, dù gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19 trong nước và thế giới, nhưng vẫn có nhiều điểm sáng. Đó là việc khống chế không để dịch lây lan trên địa bàn, dù đã xuất hiện các ca nhiễm COVID-19. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá, ngang với mức tăng trưởng chung của toàn quốc, đạt 5,64%. Các ngành kinh tế chủ lực đều có sự tăng trưởng, nhất là các ngành giữ vai trò chủ đạo như công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,92% so với cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt 5.357 tỷ đồng, bằng 88,3% dự toán và tăng 33,4% so với cùng kỳ...

 Đáng mừng, theo phân tích của Cục Thống kê tỉnh, nguồn thu tăng cao nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh - tức là nguồn thu bền vững chứ không phải nguồn thu vãng lai mang tính tạm thời. Điều này đồng nghĩa với thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài và hoạt động ổn định của các doanh nghiệp trong tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động trong bối cảnh nhiều lao động ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ phải nghỉ việc, giãn việc.

Hiện nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến nhanh, ngày càng phức tạp, một số tỉnh thành ở phía nam, bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội một phần hoặc toàn bộ theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (mức cao nhất); trong đó có đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh là một thách thức không nhỏ đối với Thừa Thiên Huế trong những tháng cuối năm.

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện “mục tiêu kép” sức khỏe của Nhân dân là trước hết và trên hết. Thừa Thiên Huế cũng vậy, nhiệm vụ chống dịch, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe là ưu tiên hàng đầu. Tỉnh ưu tiên nguồn lực, tăng cường các biện pháp ngăn dịch xâm nhập vào địa bàn như dừng các chuyến bay, tàu hỏa đi/đến từ TP. Hồ Chí Minh và các vùng có dịch; thực hiện cách ly 21 ngày đối với những người đến/về từ vùng có dịch; kiểm soát chặt tuyến đường bộ đối với xe vận chuyển hàng hóa, hành khách vào/đi qua địa bàn… Điều này chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp - xương sống của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép đề ra, đòi hỏi sự nhanh nhạy trong nắm bắt tình hình, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành thực hiện song song hai nhiệm vụ chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với việc tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo và cập nhật kịch bản tăng trưởng, từ đó có những giải pháp phù hợp hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, một trong những vấn đề được các doanh nghiệp và người lao động mong chờ là sớm nhận được gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Đây là nguồn lực quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Giải pháp quan trọng vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa mang tính lâu dài là đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Thực tế, năm 2020, Thừa Thiên Huế có sự bứt phá mạnh mẽ chỉ số cải cách hành chính (PAR index), tăng 10 bậc, xếp thứ 3 toàn quốc. Nhưng nếu lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo kết quả cải cách hành chính thì vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, khi chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPA) của tỉnh dù tăng 26 bậc, nhưng vẫn còn xếp 31/63 tỉnh, thành. Nếu làm tốt công tác này, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương sẽ đi vào cuộc sống, trở thành nguồn lực quan trọng giúp chúng ta thực hiện thắng lợi mục tiêu kép đề ra.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lấy mục tiêu tăng trưởng làm trọng điểm

Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đạt được trong năm 2024 là nền tảng vững chắc để Huế khẳng định vị thế ngay trong năm đầu tiên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Lấy mục tiêu tăng trưởng làm trọng điểm
Để vụ đông xuân thắng lợi

Thời điểm này, nông dân ở TX. Phong Điền đang tập trung xuống giống vụ lúa đông xuân 2024-2025. Để thực hiện thắng lợi vụ mùa này, bà con đã tuân thủ các quy định theo khuyến cáo của chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp như gieo cấy đúng khung lịch thời vụ, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu...

Để vụ đông xuân thắng lợi
2025 - thời điểm đưa các mục tiêu năng lượng toàn cầu trở lại đúng hướng

Năm 2024 chứng kiến bước thụt lùi của các mục tiêu tiếp cận năng lượng. Báo cáo Theo dõi SDG7 (Mục tiêu Phát triển bền vững thứ 7 về phát triển năng lượng sạch với chi phí hợp lý) cho thấy, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, khả năng tiếp cận điện không theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số.

2025 - thời điểm đưa các mục tiêu năng lượng toàn cầu trở lại đúng hướng

TIN MỚI

Return to top