ClockThứ Năm, 09/03/2017 09:26

Giảm dần lượng rác chôn lấp về 0

TTH - Việc người dân ở xã Lộc Thủy- Phú Lộc chặn xe chở rác kéo dài suốt hơn một tuần nay đã cho thấy tính cần thiết của việc quy hoạch hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn. Xung quanh vấn đề này, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đại Viên - Phó Giám đốc Sở Xây dựng và ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT).

Sẽ có phương án di dời các hộ dânCam kết sẽ xử lý rác thải đúng quy trìnhSẽ thực hiện đúng các nội dung đã cam kết trước dân

Ông Nguyễn Đại Viên và ông Nguyễn Việt Hùng đều cho rằng, cách đây gần 10 năm, tỉnh đã quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR) giai đoạn 2010, định hướng đến năm 2020. Tuy mỗi giai đoạn có một quy chuẩn kỹ thuật nhất định (có thể quy hoạch cũ chưa có tầm nhìn xa, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, lãng phí tài nguyên đất...), nhưng quy hoạch trong giai đoạn này đã giúp địa phương phát huy hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải. Trước yêu cầu mới, năm 2016, tỉnh phê duyệt quy hoạch quản lý CTR Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở kế thừa, bổ sung, rút kinh nghiệm từ quy hoạch trước đây; đồng thời soạn thảo cả một bộ tiêu chí rất bài bản.

Vậy có nghĩa chúng ta vẫn đang áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật lạc hậu trong quản lý CTR?

Ông Nguyễn Đại Viên: Nếu xét về công suất xử lý của các bãi rác hiện có, với lượng rác thải được thu gom trên toàn tỉnh bình quân mỗi ngày 340 tấn, ngoài cung cấp cho nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa khoảng 180- 200 tấn/ngày, thì lượng rác còn lại được xử lý chôn lấp tại bãi rác Thủy Phương (Hương Thủy), Lộc Thủy (Phú Lộc), Hương Vân (Hương Trà), Quảng Lợi (Quảng Điền), Phong Thu (Phong Điền), Thượng Nhật (Nam Đông) và Hồng Thượng (A Lưới) vẫn thấp hơn so với thiết kế. Theo tôi, cơ sở hạ tầng đang tạm ổn, đáp ứng xử lý khối lượng rác phát sinh. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là khâu vận hành. Đơn cử như bãi rác Lộc Thủy, đây là công trình được đầu tư khá bài bản, nhưng việc người dân bức xúc và chặn xe trong suốt nhiều ngày qua suy cho cùng là do công đoạn vận chuyển và xử lý chưa đảm bảo quy trình.

Ông Nguyễn Việt Hùng: Hiện chỉ có bãi xử lý rác Thủy Phương và Lộc Thủy là hợp vệ sinh (HVS); bãi xử lý Quảng Lợi được thiết kế chôn lấp HVS nhưng đang có vấn đề về kỹ thuật. Còn hầu hết các bãi rác khác khi xây dựng được thiết kế HVS, nhưng khâu vận hành, quản lý, sử dụng còn hạn chế, không đảm bảo nên trở thành điểm gây ô nhiễm môi trường, cụ thể là bãi rác Hương Vân, Hồng Thượng, Phong Thu... Sở Tài nguyên & Môi trường (TNMT) đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng chủ trương cải tạo, chuẩn hóa các bãi này trở thành bãi chôn lấp HVS. Thông qua kêu gọi nguồn hỗ trợ từ Trung ương, đến nay, bãi rác ở A Lưới, Hương Vân đã được hỗ trợ kinh phí và đang thiết kế lại, riêng bãi rác Phong Thu khả năng phải chờ đến năm 2018.

Thế nên chúng ta cần thay thế phương thức chôn lấp bằng phương thức xử lý khác để đảm bảo tiêu chí mới và phù hợp với xu hướng phát triển?

Ông Nguyễn Đại Viên: Trong điều kiện hiện nay, xử lý bằng chôn lấp vẫn được ưu tiên. Đây là phương thức có giá thành tương đối thấp, nhưng nhược điểm là khó kiểm soát vấn đề môi trường và tốn đất. Để đảm bảo về lâu dài, theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giảm dần lượng rác chôn lấp về con số không. Muốn thực hiện mục tiêu này cần phải có lộ trình và bằng nhiều phương thức xử lý khác nhau, trong đó đẩy mạnh phân loại, tái chế, tái sử dụng. Theo thống kê, lượng rác hữu cơ chiếm 70- 80% tổng lượng rác phát sinh. Nếu được phân loại, đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân compost phục vụ cây trồng. Loại trừ khoảng 10% rác kim loại, nhựa, thủy tinh được tách tuyển tái chế và rác thiêu đốt được, lượng rác còn lại đem chôn còn rất ít, chiếm khoảng 10%. 

Ông Nguyễn Việt Hùng: Không phải cứ “nghe” đem rác đi chôn là lạc hậu, là thất sách. Quan trọng là hạ tầng kỹ thuật và khâu vận hành, quản lý. Phương thức xử lý bằng công nghệ đốt có thể ít gây ô nhiễm, nhưng phải với lò đốt đạt quy chuẩn vì nếu không khéo, vô hình trung chúng ta chuyển từ hình thức ô nhiễm này (ô nhiễm nước, mùi) sang ô nhiễm khác (không khí). Tất nhiên, nếu áp dụng công nghệ tiên tiến để tách tuyển, phân loại, tái chế được lượng rác “hổ lốn” tại nguồn thì rất có lợi cho việc kéo dài tuổi thọ sử dụng các bãi chôn lấp và hạn chế chất hữu cơ hoặc chất khó phân hủy dễ sinh ra mùi, nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường. Và để đồng bộ, địa bàn thu gom cần được mở rộng, tỷ lệ thu gom cần tăng lên; quá trình vận chuyển phải được chuyên môn hóa bằng các phương tiện, thiết bị chuyên dụng, tránh gây ô nhiễm thứ cấp…

Có nhiều bãi rác được đầu tư, nhưng hiệu quả xử lý lại không đảm bảo, vậy các ông có thể cho biết cụ thể hơn về việc tỉnh đã có kế hoạch, quy hoạch lâu dài như thế nào?

Ông Nguyễn Đại Viên: Nếu theo quy hoạch cũ, mỗi huyện, thị xã đều có một bãi chôn lấp, nhưng theo quy hoạch mới, trước mắt sẽ tiếp tục duy trì các bãi chôn lấp ở cấp huyện cho đến khi đóng cửa. Định hướng sau năm 2020, chỉ tồn tại 2 khu liên hợp xử lý CTR ở Phú Sơn (Hương Thủy) và Hương Bình (Hương Trà) phục vụ cho khu vực phía Nam và phía Bắc của tỉnh. Hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới vẫn tiếp duy trì bãi chôn lấp Thượng Nhật và Hồng Thượng nhưng phải được đầu tư hệ thống xử lý đảm bảo. Như vậy, từ nay đến năm 2020, chúng ta vẫn song song áp dụng 2 mô hình: phân tán và tập trung. Việc quy hoạch 2 khu xử lý tập trung này nhằm tạo điều kiện để đầu tư công nghệ hiện đại, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Việt Hùng: Tôi tán đồng ý kiến trên, tuy nhiên theo tôi, trong quá trình quy hoạch khu xử lý cần tính toán đến hành lang an toàn giữa khu dân cư sinh sống, sản xuất với nhà máy xử lý. Trường hợp gần 30 nhà dân ở thôn Nam Phước (Lộc Thủy- Phú Lộc) theo khảo sát của chúng tôi đang nằm trong hành lang không an toàn với bãi chôn lấp rác Lộc Thủy là bài học cần rút kinh nghiệm.

Tiến độ hình thành 2 khu xử lý liên hợp phía nam và phía bắc của tỉnh cũng là điều đang được dư luận rất quan tâm. Các ông có thể trao đổi gì về điều này?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Tại khu xử lý liên hợp phía nam ở Phú Sơn, hiện Sở TNMT - chủ đầu tư đang thi công ô chôn lấp với diện tích khoảng 6ha, dự kiến sẽ đưa vào vận hành đầu quý IV năm nay, đảm bảo trước khi bãi rác Thủy Phương sắp đóng cửa. Cũng tại Phú Sơn, dự án xây dựng nhà máy xử lý rác đang được kêu gọi đầu tư trên quy mô diện tích 25ha. Nhanh nhất đến tháng 6/2017 sẽ lựa chọn được nhà đầu tư đầu tư công nghệ xử lý CTR phù hợp. Đồng thời, kế hoạch xây dựng khu xử lý phía bắc ở Hương Bình đang được khởi động và giao cho Ban Quản lý Phát triển khu đô thị mới tỉnh tìm các nguồn để làm quy hoạch hạ tầng.

Ông Nguyễn Đại Viên: Tham vọng từ 2 khu liên hợp này là kêu gọi các dự án hoàn chỉnh, bao gồm các khâu tách tuyển, phân loại, tái chế sản phẩm từ rác, sản xuất phân hữu cơ, đốt và chôn phần còn lại với khối lượng rất nhỏ. Để làm bước đệm khởi động 2 khu xử lý này, các ngành, tổ chức, đơn vị đang kế thừa, đồng thời xúc tiến một số dự án ưu tiên liên quan đến 3 công đoạn của quá trình xử lý rác như mô hình phân loại rác tại nguồn, sử dụng phân hữu cơ làm phân vi sinh...

Xin cảm ơn hai ông!

HOÀI THƯƠNG (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân

Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh (ĐTVM)” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh (nay là thành phố Huế) phát động, sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao, nhất là củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền.

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân
“Xuân yêu thương” đến với đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 5/1, Phòng Dân tộc huyện Phú Lộc phối hợp với Hội Cựu giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế cùng các nhà tài trợ tổ chức chương trình trao quà "Xuân yêu thương 2025". Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm mang đến niềm vui, sự sẻ chia cho đồng bào dân tộc thiểu số trong dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

“Xuân yêu thương” đến với đồng bào dân tộc thiểu số
Áo dài Đông Ba, nét đẹp cuối tuần

Với phong trào “Áo dài ngày thứ Bảy”, chị em tiểu thương chợ Đông Ba đã lan tỏa tình yêu áo dài và tạo nên một nét đẹp rất riêng ở chợ Đông Ba suốt gần 3 năm nay.

Áo dài Đông Ba, nét đẹp cuối tuần

TIN MỚI

Return to top