ClockThứ Sáu, 23/06/2023 05:48
Kết nghĩa Hànộimới - Thừa Thiên Huế - Sài Gòn Giải Phóng:

Gắn kết, chia sẻ và lan tỏa giá trị nhân văn

TTH - Bằng hoạt động kết nghĩa và nỗ lực hợp tác, gắn kết, chia sẻ và lan tỏa giá trị nhân văn, 3 cơ quan báo Đảng Hànộimới - Thừa Thiên Huế và Sài Gòn Giải Phóng đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống “Hà Nội - Huế - Sài Gòn, như cây một cội, như con một nhà”.

Gặp lại mối tình kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn - bài 1: Thành lập Ban vận động kết nghĩa

leftcenterrightdel
Các nghệ nhân tặng thư pháp cho 3 báo kết nghĩa Hànộimới - Thừa Thiên Huế - Sài Gòn Giải Phóng tại TP. Hồ Chí Minh năm 2019. Ảnh: PV  

Kết nghĩa để hợp tác và phát triển

Ngày 30/10/1999, tại khách sạn Hương Giang (TP Huế), Báo Thừa Thiên Huế và Báo Hànộimới đã ký kết văn bản kết nghĩa giữa 2 báo. Nội dung kết nghĩa giữa 2 báo thể hiện qua việc thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin mà bạn đọc quan tâm để đăng tải kịp thời trên báo; phối hợp với nhau trong việc trao đổi báo, phát hành báo giữa 2 bên và những vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí.

Chỉ vài ngày sau lễ ký kết, Thừa Thiên Huế xảy ra trận lũ lịch sử 1999. Trong và sau cơn đại lũ, vừa chủ động phòng tránh, khắc phục thiệt hại tại cơ quan, vừa tích cực thực hiện nhiệm vụ truyền thông, đội ngũ phóng viên, biên tập viên Báo Thừa Thiên Huế đồng thời trở thành lực lượng cộng tác viên, thông tin đắc lực cho Báo Hànộimới và nhiều cơ quan truyền thông, báo chí trên cả nước. Khoảng hơn 100 tin, bài được gửi đi đã được đăng tải trên Báo Hànộimới và các báo Trung ương, địa phương giúp cho bạn đọc cả nước biết được những thông tin chuẩn xác nhất và nóng sốt nhất  về những gì đang diễn ra trên đất Cố đô trong những ngày tang thương ấy.

Không dừng lại ở những hoạt động liên quan đến tác nghiệp báo chí, Thừa Thiên Huế “gọi”, Hà Nội lập tức “trả lời”, cùng với báo chí cả nước đã hướng về Cố đô bằng những trợ giúp cụ thể và thiết thực. Thông qua kêu gọi vận động của đội ngũ cán bộ, phóng viên và biên tập viên Báo Hànộimới, những món hàng cứu trợ và giúp đỡ của người dân Thủ đô đã đến Báo Thừa Thiên Huế và địa chỉ bị ảnh hưởng lũ lụt cần được giúp đỡ ở Thừa Thiên Huế. Thật đáng nhớ trong những ngày này là hình ảnh cố nhà báo Phan Tường vào - ra Huế như con thoi cùng với những chuyến hàng cứu trợ. Anh Phan Tường là người con của Quảng Điền, bấy giờ là Trưởng phòng Bạn đọc Báo Hànộimới.

18 năm sau, vào sáng 7/7/2017, cũng tại Huế, lại diễn ra một lễ kết nghĩa báo chí. Lần này là 3 tờ báo Đảng bộ địa phương: Hànộimới, Thừa Thiên Huế và Sài Gòn Giải Phóng. Đây được xem là hoạt động của báo chí 3 địa phương, tiếp tục thực hiện và phát huy truyền thống 57 năm “Hà Nội - Huế - Sài Gòn, như cây một cội như con một nhà” của chương trình kết nghĩa giữa Hà Nội - Thừa Thiên Huế - Sài Gòn (năm 1960).

Các báo Hànộimới, Thừa Thiên Huế và Sài Gòn Giải Phóng thống nhất kết nghĩa, hợp tác trên 5 lĩnh vực. Đó là, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá về mỗi địa phương toàn diện mọi lĩnh vực trên các ấn phẩm của nhau; trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, trao đổi ấn phẩm giữa các đơn vị; tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động của văn phòng đại diện và phóng viên các báo hoàn thành tốt nhiệm vụ khi tác nghiệp tại địa bàn mình; phối hợp thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và các chương trình xã hội từ thiện. Hằng năm, các báo luân phiên tổ chức gặp mặt, đánh giá việc thực hiện nội dung hợp tác, kết nghĩa của năm qua, rút kinh nghiệm và bàn chương trình, nội dung cho năm tiếp theo.

Đúng 1 năm sau, vào sáng 17/8/2018, tại Hà Nội, Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện thỏa thuận hợp tác, kết nghĩa 3 cơ quan Báo Đảng Hànộimới - Thừa Thiên Huế - Sài Gòn Giải Phóng đã diễn ra. Ngày 3/8/2019, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức họp mặt 3 báo Đảng kết nghĩa năm 2019 (mở rộng) và tọa đàm “Báo chí góp phần lan tỏa những giá trị tích cực”. Tham dự có lãnh đạo 3 báo Đảng kết nghĩa (Hànộimới, Sài Gòn Giải Phóng, Thừa Thiên Huế) và 11 cơ quan báo Đảng khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Trong khuôn khổ chương trình, Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí về Người tốt - Việc tốt (2019-2020).

leftcenterrightdel
Lãnh đạo 3 cơ quan báo chí bắt tay kết nghĩa 

Hướng tới sự gắn kết, chia sẻ và lan tỏa

Sau 3 năm gián đoạn bởi dịch COVID-19, cuộc gặp mặt truyền thống báo Đảng kết nghĩa là Hànộimới, Thừa Thiên Huế, Sài Gòn Giải Phóng trở lại theo thỏa thuận ở Thừa Thiên Huế diễn ra vào cuối tháng 6 lịch sử này. Với chủ đề “Gắn kết, chia sẻ và lan tỏa giá trị nhân văn”, đây là dịp để 3 cơ quan nhìn nhận, đánh giá chặng đường 6 năm kết nghĩa gắn với những hoạt động hợp tác, hỗ trợ, giúp nhau phát huy thế mạnh của mỗi tờ báo, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước; đồng thời mở rộng giao lưu, phối hợp tuyên truyền với một số báo bạn.

Nổi bật nhất trong 6 năm (2017 – 2023) là 3 đơn vị báo Đảng đã phối hợp thực hiện tuyên truyền hiệu quả nhiều sự kiện quan trọng như: Kỷ niệm năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), các kỳ Festival Huế… Ban Biên tập 3 cơ quan báo luôn chỉ đạo tuyên truyền đậm nét, giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc về dịp kỷ niệm thành lập từng cơ quan: Báo Hànộimới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957), Báo Sài Gòn Giải Phóng xuất bản số đầu tiên (5/5/1975); sự ra đời của Báo Thừa Thiên Huế và sự kiện Báo Thừa Thiên Huế điện tử phiên bản tiếng Anh (Hue News) chính thức hoạt động vào ngày 1/9/2017.

Trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo, Ban Biên tập 3 báo luôn yêu cầu các đơn vị nghiêm túc bám sát nội dung kết nghĩa và hợp tác nhằm mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất; qua đó, hỗ trợ và giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi báo; góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi địa phương và của đất nước. Các chương trình hợp tác, kết nghĩa bảo đảm đúng nội dung thỏa thuận, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ 3 báo thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Không thể không nhắc đến là những hoạt động đồng hành, chia sẻ khó khăn trong những ngày đại dịch COVID-19 bùng phát. Báo Thừa Thiên Huế gửi thư ngỏ đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm vận động kinh phí, mua một số nhu yếu phẩm, thực phẩm cần thiết gửi ủng hộ những người dân đang gặp khó khăn ở TP. Hồ Chí Minh do ảnh hưởng dịch COVID-19. Quỹ Sen xanh Báo Thừa Thiên Huế đón nhận được nhiều sự ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần. Gần 10 tấn nhu yếu phẩm được Báo Thừa Thiên Huế gói ghém, thông qua Hội Đồng hương Huế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh chuyển đến tay người dân TP. Hồ Chí Minh.

Hậu quả của thiên tai khiến đời sống người dân càng thêm khó khăn. Sẻ chia cùng cộng đồng, Báo Hànộimới đã có nguồn quỹ ủng hộ bão lụt 50 triệu đồng. Báo Thừa Thiên Huế trở thành cầu nối mang nhiều tấm lòng của bạn đọc, doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ người dân vùng khó. Đặc biêt, từ nguồn tài trợ của Vingroup, hàng ngàn phần quà được báo kết nối, chuyển đến tận tay người dân.

Tháng 8/2020, công trình nhà bếp Trường mầm non Thượng Long thuộc huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế được khánh thành và đưa vào sử dụng. Với diện tích 102m2, tổng kinh phí 800 triệu đồng, những năm qua, công trình đã góp phần giúp các bé có một không gian để nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe, phát triển đồng đều cả về trí lực và thể lực. Công trình này là món quà đặc biệt của Báo Hànộimới, Báo Thừa Thiên Huế, Báo Sài Gòn giải phóng, Công ty cổ phần đầu tư Lê Bảo Minh, Công ty TNHH AMWAY Việt Nam hỗ trợ xây dựng.

Hiệu quả từ hoạt động kết nghĩa giữa 3 tờ báo Hànộimới - Thừa Thiên Huế - Sài Gòn Giải phóng hôm nay là sự kế thừa, tiếp nối và phát huy truyền thống đẹp  "Hà Nội - Huế - Sài Gòn, như cây một cội, như con một nhà" của 63 năm trước khi cả nước bắt đầu chuyển hướng đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang, miền Bắc trở thành hậu phương lớn để chi viện cho miền Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành lập Công an TP. Huế trên cơ sở Công an tỉnh Thừa Thiên Huế

Tối 29/12, đã diễn ra Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về thành lập Công an thành phố Huế. Tham dự về phía Bộ Công an có Thượng tướng Lê Quốc Hùng, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an. Về phía Thừa Thiên Huế có các ông: Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Thành lập Công an TP Huế trên cơ sở Công an tỉnh Thừa Thiên Huế
Tăng cường các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách

Cục Hải quan tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN), phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2025 là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của Cục Hải quan ngày 26/12.

Tăng cường các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách
Xã hội hóa nguồn lực xúc tiến thương mại

Ngày 24/12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (Trung tâm) tổ chức đánh giá hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.

Xã hội hóa nguồn lực xúc tiến thương mại

TIN MỚI

Return to top