ClockThứ Ba, 25/10/2016 05:31

Di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi TP. Huế: Còn khó

TTH - TP. Huế đang nỗ lực để đưa các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm nặng ra khỏi thành phố, song việc này cần nhiều thời gian, công sức và hơn hết là sự đồng thuận từ phía người dân.

Giải quyết sinh kế phù hợp

Để di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi TP. Huế, điều trước tiên không chỉ là vận động, giải thích cho người dân hiểu chủ trương của Đảng, Nhà nước, mà cần phải tạo được niềm tin cho người dân bằng những hành động, việc làm cụ thể. Phải làm cho người dân thấy, ít nhất nơi mới, cơ hội kinh doanh mua bán gần bằng hoặc tương đương nơi cũ. Song, điều đó khá khó khăn, nên đến nay, việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi TP. Huế vẫn chưa thể thực hiện.

Nghề bột sắn, dù đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình nhưng nằm trong lộ trình di dời

Phường An Đông có khoảng 5-6 hộ dân làm bột sắn và kinh doanh các sản phẩm làm từ loại bột này khá lâu, là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình có từ 5-6 khẩu, nhưng đây là nghề được liệt vào danh sách gây ô nhiễm, sớm muộn cũng phải di dời.

Chính quyền phường An Đông đã lập danh sách, thống kê báo cáo lên cơ quan liên quan về kế hoạch di dời các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh các sản phẩm từ bột sắn và một số ngành nghề khác, như thu mua phế liệu, nghề mộc, sắt, làm bún… Tuy nhiên, lãnh đạo phường này cũng thừa nhận, việc này không dễ.

Qua nắm bắt, tìm hiểu tâm tư của một số người dân làm các ngành, nghề có ảnh hưởng đến môi trường, bao gồm cả tiếng ồn, mùi hôi…, họ đều cơ bản chấp hành chủ trương của Nhà nước. Thế nhưng, điều người dân quan tâm là những chính sách liên quan nếu di dời. Ngay cả các cơ sở thu mua phế liệu, dù tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu xảy ra cháy nổ, thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến người dân xung quanh nhưng khi đề cập đến vấn đề di dời họ cho rằng, nếu di dời đến nơi không thuận tiện sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn, buôn bán. Do đó, ngoài chủ trương, chính sách phù hợp thì địa điểm di dời sẽ và luôn là vấn đề được người dân quan tâm.

Thiếu quỹ đất

Mới đây, TP. Huế đầu tư xây dựng 10 ki ốt tại Hương Sơ để thực hiện chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm TP. Huế, nhằm quy về một mối để dễ quản lý. Tuy thế, việc thống kê, lập danh sách những hộ cần di dời đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Các bao xác sắn chất bên vệ đường Tôn Quang Phiệt bốc mùi khó chịu

Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Huế, đơn vị được giao nhiệm vụ này cho hay, nếu xét về mức độ ô nhiễm nói chung, thì con số các cơ sở cần di dời khá lớn và TP. Huế sẽ khó đảm bảo quỹ đất để di dời, đó là chưa kể đến các khoản hỗ trợ, đền bù cho người dân. Việc lập danh sách phụ thuộc khá nhiều vào các phường, khi chính họ là cơ quan quản lý gần và hiểu dân nhất. Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường khá mỏng, một người kiêm nhiệm hai ba công việc nên khó có thể quán xuyến theo dõi, nắm tình hình tất cả vấn đề trên địa bàn. Ông Trần Đình Sơn, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Huế giải thích về lý do chưa có con số thống kê cụ thể các cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn TP. Huế.

Tuy nhiên, qua làm việc với lãnh đạo TP. Huế chúng tôi được biết, theo báo cáo sơ bộ ban đầu từ Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Huế, toàn TP có khoảng từ 400-500 cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần di dời. Theo ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, trước mắt, chỉ tập trung những cơ sở gây ô nhiễm nặng, như lò mổ gia súc ở phường Xuân Phú. Tuy nhiên, do thiếu quỹ đất, cộng với các vấn đề phát sinh khác nên hiện chưa thể di dời, dù chính quyền địa phương, người dân nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm mùi hôi, nước thải, tiếng ồn… và chủ lò mổ cũng đã có đơn xin được di dời. Thế nên, tỉnh, TP. Huế đang xây dựng kế hoạch di dời dài hạn chứ không thể trong một sớm, một chiều.

Cũng theo ông Song, với những trường hợp sản xuất nhỏ lẻ, như các ngành nghề mộc, cửa bông sắt…, chỉ cần nhắc nhở người dân đảm bảo các điều kiện an toàn trong lao động, vệ sinh môi trường, không thể đưa ra khỏi trung tâm TP. Huế trong thời điểm hiện nay. Như thế, vừa không đủ quỹ đất, vừa không đảm bảo các chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho người dân làm ăn sinh sống… Do đó, UBND TP. Huế yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường làm lại quy trình và có đánh giá cụ thể các cơ sở gây ô nhiễm nặng để di dời trước và theo lộ trình, sau đó mới đến các cơ sở khác.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các nhà đầu tư đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cho biết, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nỗ lực để nhanh chóng, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để góp phần đưa ngành công nghiệp bán dẫn trở thành động lực và đột phá mới, giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Các nhà đầu tư đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam
Chương trình Countdown - Chào năm mới 2025:
Bùng cháy cùng thời khắc lịch sử chào đón thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Hòa trong không khí rộn ràng, náo nhiệt chuyển giao giữa năm cũ và đón chào năm mới 2025 cùng với thời khắc lịch sử chào đón thành phố Huế trực thuộc Trung ương, tối 31/12, Ban Tổ chức Festival Huế, UBND TP. Huế phối hợp với Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam tổ chức Chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 tại giao lộ đường Võ Nguyên Giáp - Văn Tiến Dũng.

Bùng cháy cùng thời khắc lịch sử chào đón thành phố Huế trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top