ClockThứ Sáu, 03/05/2024 07:30

Chuyện những người con xứ Huế tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

TTH - 70 năm trôi qua, đa phần các chiến sĩ Điện Biên năm xưa không còn nữa, những câu chuyện của họ minh chứng về một thời kỳ hoa lửa, hào hùng vẫn còn sống mãi, trường tồn với lịch sử dân tộc...

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên PhủNhãn quan chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Điện Biên PhủNguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tửChiếu phim tài liệu mừng Chiến thắng Điện Biên PhủBáo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ

Ông Nguyễn Đình Hưng 

Nhớ mãi trận đánh tiểu đoàn Lê Dương

Thiếu tá Nguyễn Cửu Châu (TP. Huế) - nguyên chiến sĩ Điện Biên chia sẻ[1]: Có những trận đánh cứ hằn sâu trong ký ức của người trong cuộc. Đó là kỷ niệm những tháng năm bên đồng đội, trong những ngày “Máu trộn bùn non” nhưng “Gan không núng, chí không mòn”. Tôi xin kể lại trận đánh ở Hồng Cúm nhằm đẩy lùi tiểu đoàn Lê Dương của địch.

Sáng 16/4/1954, vào lúc 4 giờ sáng, lợi dụng bộ đội ta sắp quay về nghỉ ngơi sau mấy tiếng đồng hồ đào công sự, một tiểu đoàn Lê Dương chia 2 mũi đột nhập vào chiến hào của C54. Khoảng 4 giờ 30 phút, một toán quân địch đã đến gần vị trí chỉ huy, nhận được lệnh của đại đội, các trung đội đã kịp thời tản ra hai bên, dùng súng cối 60 li và trung liên bắn xối xả vào đội hình đi đầu của địch, một số bị tiêu diệt ngay những loạt đạn đầu. Trung đội 1 và 2 hình thành hai mũi đánh vòng trở lại, Trung đội 3 làm nhiệm vụ bảo vệ mặt sau trận địa cũng nhanh chóng tiến ra phối hợp theo đúng phương án tác chiến của đại đội.

Địch đang lo chống đỡ phía trước, bất thần bị một mũi đánh thọc sườn, đội hình rối loạn. Trong lúc đó pháo binh ta, theo báo cáo tọa độ của đại đội đã bắn trúng đội hình địch, chặn đường rút lui của chúng... Đại đội 54 từ chỗ bị đột kích bất ngờ, nhưng nhờ dự kiến sớm các phương án, xử lý linh hoạt, chủ động nên đã đánh một trận phản kích giành thắng lợi giòn dã. Địch vội vã rút lui, để những binh lính bị thương vong nằm lại trận địa. Tôi nghe rõ tiếng kêu la xin cấp cứu: Avez pitie de moi, sàuvez moi (hãy thương hại chúng tôi, hãy cứu chúng tôi). Đại đội đã báo về chỉ huy trung đoàn cho y tá cứu thương băng bó, chuyển về phía sau để trao trả cho đối phương khi có điều kiện, thực hiện đúng chính sách tù hàng binh…

Khi ta tổng tiến công vào tập đoàn cứ điểm, địch ở Hồng Cúm tháo chạy sang Lào, Trung đoàn được lệnh truy kích và bắt gọn toàn bộ gần 2.000 quân địch làm tù binh, phần lớn là lính Âu Phi... Trận đánh này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa vào trang hồi ký “Những năm tháng không quên”.                                                   

Kéo pháo ở chiến dịch Điện Biên Phủ

Ông Nguyễn Đình Hưng (TP. Huế) kể lại[2]: Trong kháng chiến chống Pháp, tôi có vinh dự được tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, thuộc biên chế của Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 (nay gọi là Sư đoàn 312)...

 Khi được giao, kéo một khẩu pháo 105 thì cả đại đội chúng tôi đều vui sướng như đi mở hội. Mới đầu ai cũng cho rằng nhiệm vụ này chẳng có gì là khó. Nhưng khi bắt tay vào kéo một khẩu pháo nặng trên 2 tấn ngược lên dốc bằng sức người, rồi lại cho pháo xuống dốc, mới thấy đây là một việc hết sức khó khăn và nguy hiểm...

Lúc đầu chưa quen, mạnh ai nấy kéo, động tác rời rạc, thiếu tập trung nên hầu như khẩu pháo đứng ì ra, không nhúc nhích. Sau khi rút kinh nghiệm, động tác thống nhất, hai tay nắm chặt dây kéo, chân bám trụ xuống đất, dùng hết sức kéo theo nhịp hô: hai - ba của người chỉ huy, nhưng khẩu pháo cũng chỉ nhích lên được 1 - 2 tấc, lên tấc nào lại phải chèn ngay tấc ấy, đề phòng pháo trôi tuột dốc. Mỗi đêm kéo pháo phải gắng sức liên tục rất mệt mỏi. Đang mùa đông, rừng núi Điện Biên tiết trời rất lạnh, thế mà mồ hôi và sương đêm ướt đẫm quần áo. Sau nhiều đêm kéo pháo, bàn tay ai nấy đều phỏng, rộp, cánh tay đau nhừ. Khi cầm vào dây kéo, 2 tay rát bỏng, đau nhói tận tim gan, nhưng ai cũng phải cố gắng, vì chỉ cần một vài anh em đau tay mà kéo hờ, thì hầu như pháo đứng ì, không nhúc nhích và nguy hiểm hơn nếu pháo trôi, tuột dốc... Khi trời gần sáng lại phải khẩn trương chặt lá cây rừng ngụy trang cả pháo và con đường để tránh bị phát hiện.

Sau 7 đêm pháo vẫn chưa về tới vị trí quy định. Thời gian nổ súng dự định ngày 20/1/1954 phải lùi lại đến ngày 25/1/1954, sau đó lại lùi thêm 24 tiếng nữa. Sau nhiều ngày đêm chật vật kéo pháo, những khẩu pháo mới nhích lại gần trận địa dã chiến. Trong lúc pháo binh và các đơn vị đã vào vị trí xuất phát tấn công chờ giờ “G” nổ súng, thì bất ngờ vào 17 giờ ngày 26/1/1954 có lệnh kéo pháo ra, lùi về địa điểm tập kết. Anh em trong đơn vị nhiều người băn khoăn, thắc mắc, suy nghĩ khác nhau, nhưng mệnh lệnh đã được triệt để chấp hành, biểu thị niềm tin và một tinh thần kỷ luật tuyệt vời. Chúng tôi lại cùng những chiến sĩ pháo binh đưa pháo trở về vị trí xuất phát an toàn. Sau đó mới được biết, ta đã thay đổi phương châm “đánh nhanh - thắng nhanh” sang “đánh chắc - tiến chắc”, nên đã hoãn cuộc tiến công.

Cuộc tiến công không diễn ra khiến địch chăm chú theo dõi và có lẽ phát hiện ta đang chuyển pháo khỏi trận địa. Chúng không bỏ lỡ cơ hội tìm kiếm, phát hiện mục tiêu cho pháo binh và những chiếc máy bay trút bom bắn phá. Những ánh chớp giật, tiếp theo là tiếng nổ ầm ầm, mảnh bom găm vào vách núi, cây cối đổ gãy xơ xác như vừa trải qua một cơn lốc xoáy. Chúng tôi phải xông vào giữa đám cháy, chiến đấu với đạn lửa không để lan vào nơi đặt pháo. Chính trị viên đại đội hô to: “Các đồng chí, quyết không rời pháo”, chúng tôi đều bám chặt dây kéo, chân như đóng xuống đất, nghiến răng kìm giữ pháo và chúng tôi đã vượt qua những giây phút hiểm nghèo. Có trường hợp ở một đơn vị, dây kéo pháo bị đứt, khẩu pháo cao xạ có nguy cơ lao xuống vực, khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện không ngần ngại lấy thân mình chèn pháo; pháo thủ Nguyễn Văn Chức ở đơn vị lựu pháo cũng đã từng làm như vậy. Cứu được khẩu pháo khỏi lao xuống vực, các anh đã anh dũng hy sinh.

Nhiệm vụ kéo pháo vào, kéo pháo ra rồi lại kéo pháo vào, gian nan, vất vả, nguy hiểm, nhưng bằng ý chí của những người lính, với tình yêu Tổ quốc, dù núi cao, vực sâu, “…nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù”. Vào đúng sáng 3/2/1954 nhằm vào ngày 1 Tết âm lịch thì nhiệm vụ kéo pháo của đơn vị chúng tôi cũng đã hoàn thành.

Còn rất nhiều câu chuyện và nhiều đóng góp của quân dân Thừa Thiên Huế trong Chiến dịch Điện Biện Phủ để cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng mang tính chất quyết định buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, trao trả độc lập cho Việt Nam; đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên toàn thế giới.

[1&2] Trích trong kỷ yếu: Tọa đàm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Lịch sử và nhân chứng”

Lê Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xuân mới trên non cao

Mùa xuân đầu tiên thoát khỏi huyện nghèo, người dân A Lưới phấn khởi hòa mình tham gia các hoạt động lễ hội trong tình đoàn kết, sẻ chia. Cùng với giữ gìn các giá trị văn hóa bản sắc, chính quyền địa phương đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm số lượng hộ nghèo, phát triển các mô hình sinh kế, nâng cao đời sống dân sinh.

Xuân mới trên non cao
Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168
Tiếp tục thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có trên 20.100 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Tuy cao hơn gần 2.000 người so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với chỉ tiêu giao của BHXH Việt Nam thì vẫn còn thấp nên BHXH tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng số người tham gia.

Tiếp tục thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

TIN MỚI

Return to top