ClockThứ Sáu, 10/05/2019 05:30

“Chiến thắng A Bia – Tầm vóc và dấu ấn lịch sử”.

TTH - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến thắng A Bia (A Lưới) vào tháng 5/1969 là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với cuộc chiến tranh Việt Nam.

Chiến thắng A Bia - tầm vóc và dấu ấn lịch sử

Các đại biểu tham dự Hội thảo Khoa học về chiến thắng A Bia

50 năm trôi qua, trong khi với nhiều cách tiếp cận khác nhau, giới nghiên cứu và các cựu chiến binh Mỹ đã góp phần đưa nhận thức về trận “Đồi thịt băm” (tức trận A Bia) lên một tầng nấc mới với tầm vóc của nó thì ở Việt Nam, không nhiều người biết về trận đánh này - một trận đánh mà người Mỹ xếp nó vào hàng “những trận đánh quyết định”.

Hội thảo khoa học “Chiến thắng A Bia – Tầm vóc và dấu ấn lịch sử” là tên hội thảo do Huyện ủy - UBND huyện A Lưới phối hợp với Ban liên lạc CCB Trung đoàn 3 - Sư đoàn 324 tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng A Bia.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 40 tham luận khoa học của các đồng chí lãnh đạo, các tướng lĩnh sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội; đặc biệt trong số đó có nhiều nhân chứng lịch sử. Các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đã phản ánh, đề cập đến nhiều chiều cạnh của chiến thắng A Bia. Nội dung cốt lõi của các tham luận góp phần minh chứng, khẳng định, làm rõ những luận điểm khoa học, tập trung xoay quanh một số vấn đề.

Đó là chiến thắng A Bia đánh dấu sự thất bại những tính toán chiến lược của Mỹ trước khi rút khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam; giáng đòn chí tử vào lực lượng tinh túy nhất của đạo quân viễn chinh Mỹ; tạo nên “cơn địa chấn” trên chính trường và ngay trong lòng nước Mỹ.

Sau sự kiện Mậu Thân 1968, trên chiến trường miền Nam nói chung, Trị-Thiên nói riêng, quân Mỹ buộc phải chấp nhận rút khỏi cuộc chiến tranh. Trước khi rút, chúng ráo riết huy động, tập trung lực lượng mở nhiều cuộc hành quân càn quét, “tìm diệt”, hòng tìm kiếm danh dự và tiêu diệt chủ lực Quân giải phóng, cắt đứt tuyến chi viện chiến lược - điều mà Mỹ và Quân đội Sài Gòn đã đổ bao tiền của, công sức nhiều năm trời vẫn không làm nổi. Một trong những mục tiêu chúng hướng đến là thung lũng A Sầu - động A Bia. Chính vì vậy, Chiến thắng A Bia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ sự bất lực của quân Mỹ. Thất bại trong trận A Bia đã đặt dấu chấm hết cho những toan tính của giới cầm quyền Mỹ trong việc mở các cuộc tiến công vào những vùng “đất thánh” của Việt cộng. Thất bại của địch ở A Bia không chỉ làm dấy lên làn sóng phản đối trong lòng nước Mỹ, làm rung chuyển cả Lầu Năm Góc, mà còn đưa đến một hệ lụy bi thảm cho chính quyền và quân đội Sài Gòn. Cả thế, lực và tinh thần của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đều bị sa sút nghiêm trọng.

Chiến thắng A Bia là kết quả tất yếu của sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt và kịp thời của BTL Quân khu Trị Thiên, Đảng ủy, BTL Sư đoàn 324, Chỉ huy Trung đoàn 3; của các cấp ủy địa phương; của công tác Đảng - công tác chính trị; của sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự độc đáo; của tình đoàn kết quân – dân; của tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí sáng tạo, quyết chiến quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3 - Sư đoàn 324 cùng quân và dân A Lưới; sự đóng góp của Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang A Lưới cùng các huyện bạn.

Sự kiện A Bia diễn ra đã 50 năm, nhiều dấu tích trên thực địa có thể đã bị bào mòn, khỏa lấp bởi chiến tranh đã lùi xa, thời gian và điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt; song những cảm xúc, ký ức về một thời máu lửa hào hùng gắn với chiến công, gắn với mảnh đất A Lưới trung dũng, kiên cường vẫn còn mãi trong tâm khảm của rất nhiều người, trong đó có các chứng nhân lịch sử và có cả những người chưa từng được tham gia cuộc chiến. Người Mỹ, đặc biệt là các gia đình quân nhân, CCB Mỹ đã từng đến đây, họ tưởng nhớ một trận đánh ác liệt nhất, đẫm máu nhất và kinh hoàng nhất. Họ không thể hiểu được “vì sao” với mức độ hỏa lực tối đa, lực lượng không quân và pháo binh vượt trội mà không thể chiếm được đồi 937, mà nó lại trở thành “đồi thịt băm” đối với họ.

Tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng A Bia không chỉ bó hẹp trong phạm vi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn miền Tây Trị Thiên mà vượt ra khỏi giới hạn cả không gian và thời gian. Đó là những bài học kinh nghiệm về chỉ đạo chiến dịch và chiến thuật; về nghệ thuật tác chiến; về sự hiệp đồng giữa lực luợng chủ lực với lực lượng địa phương; về phát huy sức mạnh của hậu phương tại chỗ; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân…

TS. Nguyễn Thị Sửu

(Bí thư Huyện ủy A Lưới)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diện mạo tầm vóc & vị thế mới

Ngày 30/11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết (NQ) thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1/2025 và NQ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế, giai đoạn 2023 - 2025. Thành phố Huế (trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế) sẽ chia làm 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với TUV, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật (Trước ngày 1/1/2025 - thời điểm tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương).

Diện mạo tầm vóc  vị thế mới

TIN MỚI

Return to top