ClockThứ Ba, 16/01/2024 16:37

Cần sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia

TTH.VN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 16/1, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã có những ý kiến tại buổi thảo luận ở tổ 4 gồm các đoàn: Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Quốc hội thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)Gỡ vướng mắc trong quy định của Luật Đầu tư côngTiếp tục đầu tư phòng đọc sách cho các xã, phường, thị trấn

 Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh cung cấp
Buổi thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia (dự thảo nghị quyết).

Tại buổi thảo luận, các đại biểu tán thành cao với sự cần thiết ban hành nghị quyết này nhằm tháo gỡ vướng mắc thực tế, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án, bảo đảm mục tiêu đề ra.

Tham gia thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu thống nhất với dự thảo nghị quyết.

Liên quan đến nội dung phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên từ ngân sách Trung ương hàng năm, ông Lưu cho rằng, việc phân vân có nên phân cấp cho cấp huyện hay không nên tùy thuộc vào địa phương.

Ông Lưu phân tích, tại một số huyện khó khăn, năng lực cán bộ còn hạn chế, do vậy quy định này nên “mở” để địa phương tự quyết định. Từ bộ máy, năng lực, điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, địa phương có thể lựa chọn phân cấp.

Về quản lý, sử dụng tài sản sau đầu tư, theo đại biểu Lê Trường Lưu, đây là vấn đề rất phức tạp, nếu không thực hiện tốt sẽ gây hậu quả nặng nề. Ngoài ra, qua quản lý các hoạt động Nhà nước hỗ trợ thì cần xác định rõ phần Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu. Về tài sản có thể nghiên cứu giao lại tổ hợp tác, hợp tác xã, người sản xuất… ở một quy mô phù hợp vì thực tế, Nhà nước khó khăn trong quá trình thu hồi vốn. “Tôi thống nhất với cơ chế thí điểm giao tổng mức vốn đầu tư công nhưng không giao cụ thể. Đồng thời, mỗi địa phương nên chọn một huyện và tổ chức triển khai ngay sau khi có nghị quyết có hiệu lực”, ông Lưu nhấn mạnh.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cơ bản tán thành với dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, bà Sửu băn khoăn đối với số vốn hơn 30.000 tỉ đồng dự kiến bố trí cho các danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư cần có hướng dẫn để sớm triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu ý kiến tại buổi thảo luận ở tổ 4. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh cung cấp

Bà Sửu cũng mong muốn tạo điều kiện để các dự án thuộc danh mục ngành đặc thù sớm thực hiện, đồng thời, quy định rõ ràng hơn về việc phân cấp đối với các Chương trình mục tiêu Quốc gia; sau khi nghị quyết có hiệu lực, các bộ ngành Trung ương cần có hướng dẫn chung để triển khai thực hiện; bổ sung vai trò giám sát của ủy ban mặt trận ở phần tổ chức thực hiện.

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất tên Nghị quyết là "Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia".

Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, Hội đồng Dân tộc thống nhất với sự cần thiết về ban hành Nghị quyết như trong Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Sáng cùng ngày, Quốc hội cũng đã nghe Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia; thảo luận ở hội trường về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

L.T
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top