ClockThứ Hai, 25/09/2017 14:20

Các địa phương không được chủ quan trong ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Sáng 25/9, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp bàn các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quang Hoài đề nghị Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới, có những biện pháp ứng phó kịp thời, tránh tư tưởng chủ quan. 

Đồng thời, kêu gọi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh kiểm đếm và tổ chức neo đậu tàu, thuyền trong các khu trú tránh; di chuyển các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản đến nơi an toàn. Chủ động các biện pháp đưa ngư dân, người lao động trên các tàu thuyền, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng hải sản lên bờ để đảm bảo an toàn. 

Rà soát dân cư tại những vùng trũng thấp, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, ven sông, suối, ven biển, trên đảo; các khu vực khai thác mỏ, hầm lò… để di dời hoặc có biện pháp ứng phó đảm bảo an toàn. Thông tin và có biện pháp quản lý, đảm bảo an toàn cho khách du lịch ở các đảo, khu vực ven biển, ven các sông, suối để tránh tai nạn do gió to, sóng lớn, lũ quét, sạt lở đất. 

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng theo dõi tình hình tàu thuyền hoạt động trên biển, phối hợp với các cơ quan liên quan thông báo, kêu gọi chủ tàu, thuyền, các phương tiện khác vào nơi tránh trú an toàn. Tổng cục Thủy sản, Vụ Quản lý đê điều kiểm soát chặt chẽ số lượng lồng, chòi thủy sản, số lao động, kiểm tra và có giải pháp phù hợp đối với những tuyến đe bị sạt lở, hư hỏng... (tuyến đê biển Nam Định). Lưu ý việc theo dõi, xử lý ngập úng tại các các đô thị. 

Các tỉnh phía Đông Bắc bộ khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 10 và mưa, lũ sau bão gây ra, đặc biệt là các hư hỏng trên hệ thống đê, kè biển, cửa sông; kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất; các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước do địa phương quản lý đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du. Chủ động chỉ đạo tiêu nước đệm, sẵn sàng chống úng cho diện tích lúa và hoa màu. 

Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường đưa tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, công tác điều hành ứng phó của Ban Chỉ đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các Bộ, ngành để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh. 

Biểu đồ diễn biến áp thấp nhiệt đới sắp đi vào các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: Tính đến 6 giờ ngày 25/9 các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã thông báo cho 27.396 tàu, thuyền/90.336 lao động; 1.868 lồng bè, chòi canh thủy sản/2.598 lao động biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. 

Thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương ngày 25/9, hiện có 7/76 hồ đang xả qua tràn, cụ thể: Khu vực Bắc Bộ có 6 hồ chứa vận hành theo quy trình đơn hồ xả qua tràn gồm: Thái An (20 m3/s), Nậm Chiến 2 (16 m3/s), Bắc Hà (75 m3/s), Nho Quế 3 (16 m3/s), Vĩnh Hà (40 m3/s), Thác Xăng (29 m3/s). Khu vực Bắc Trung Bộ có 1/14 hồ là hồ Chi Khê vận hành theo quy trình liên hồ xả nước qua tràn với lưu lượng 287 m3/s. 

Hiện, khu vực Bắc bộ có 286 hồ chứa lớn đạt 85-90% dung tích thiết kế, trong đó 45 hồ đã đạt hoặc xấp xỉ đạt mực nước dâng bình thường; các hồ còn lại mực nước còn thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1,0-5,0m. Tổng số 12 hồ có cửa van, trong đó hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) đang vận hành xả với lưu lượng 50 m3/s. Các hồ chứa nhỏ (2.698 hồ) cơ bản đạt 90-100% dung tích thiết kế, các tỉnh có nhiều hồ đầy nước gồm: Yên Bái 125 hồ, Tuyên Quang 300 hồ, Thái Nguyên 240 hồ, Hòa Bình 300 hồ, Vĩnh Phúc 132 hồ, Quảng Ninh 110 hồ. 

Đặc biệt, cần quan tâm đến các hồ chứa xung yếu khi có mưa lớn gồm: Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên); Lái Bay, Noong Đúc (Sơn La); Bản Viết, Nà Tậu (Cao Bằng); Kai Hiển (Lạng Sơn); Cửa Cốc, Chùa Ông, Khe Ráy, Khe Cát (Bắc Giang); Yên Lập, Khe Táu, Khe Chè, Chúc Bài Sơn (Quảng Ninh). 

Khu vực Bắc Trung Bộ có 132 hồ chứa lớn hầu hết đạt 65-80% dung tích thiết kế; 58 hồ đạt hoặc xấp xỉ đạt mực nước dâng bình thường gồm: Thanh Hóa 20 hồ, Nghệ An 17 hồ; Hà Tĩnh 19 hồ; các hồ còn lại mực nước còn thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,5-3,0m. 1.788 hồ chứa nhỏ đạt trên 80% dung tích thiết kế; các hồ tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đạt trung bình 60-80% dung tích thiết kế. 

Các tỉnh có nhiều hồ đầy nước gồm: Thanh Hóa 420 hồ; Nghệ An 290 hồ; Hà Tĩnh 280 hồ. Đáng chú ý, có 83 hồ chứa xung yếu cần quan tâm khi có mưa lớn gồm: Hồ Làng Mọ, Kim Giao, Làng Lụt (Thanh Hóa); Hòn Mát, Đồn Húng, Khe Sân, Khe Gang (Nghệ An); Lối Đồng (Hà Tĩnh); Vùng Mồ, Bàu Cừa, Đập Làng (Quảng Bình); Kinh Môn (Quảng Trị). 

Theo báo cáo, các hồ chứa vừa và lớn do Công ty Khai thác công trình thủy lợi quản lý đang vận hành theo đúng quy trình đã được phê duyệt; các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý tiếp tục theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình; đến nay, chưa có báo cáo về sự cố mất an toàn công trình của các địa phương. 

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 69, ngày 24/9 gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, các tỉnh Đông Bắc Bộ và các Bộ ngành đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất. 

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển trong phạm vi có nguy cơ ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã triển khai thực hiện các công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tổ chức trực ban nghiêm túc. 

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Ngãi đã có Công điện, văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị trực thuộc chủ động các biện pháp phòng tránh; tỉnh Quảng Ninh đã ngừng cấp phép cho các phương tiện đi ra các tuyến đảo và ngược lại, các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển từ 7 giờ ngày 25/9; thành phố Hải Phòng đang xem xét việc quyết định cấm biển trong sáng ngày 25/9. 

Theo quan sát từ Hệ thống Movimar, có 5 tàu hoạt động trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản đưa robot vào hoạt động ứng phó khẩn cấp ở khu vực nguy hiểm

Cục Phòng cháy, chữa cháy và ứng phó thảm họa Nhật Bản (FDMA) đang có kế hoạch triển khai robot cứu hỏa tự động và các phương tiện chuyên dụng khác, một phần trong nỗ lực nâng cao trang thiết bị và máy móc của các đội ứng phó khẩn cấp, được điều động đến các khu vực xảy ra động đất, lũ lụt và những thảm họa khác.

Nhật Bản đưa robot vào hoạt động ứng phó khẩn cấp ở khu vực nguy hiểm
Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ

Rất nhiều bậc cha mẹ khi trông giữ con nhỏ vẫn còn lơ là, chủ quan, thiếu quan sát. Điều này tiềm ẩn nhiều vấn đề bất trắc có thể xảy ra mà không thể lường trước.

Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ
Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm

Tính đến ngày 11/11, ngoài núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở miền Đông đang phun trào mạnh gây thiệt hại cho khu vực này, có 5 ngọn núi lửa khác ở Indonesia đang ở trạng thái cần theo dõi chặt chẽ vì có nguy cơ cao hoạt động trở lại. Quân đội Indonesia đã chuẩn bị lực lượng ứng phó nhanh với thảm họa để sẵn sàng kịp thời ứng phó.

Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm
Rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó bão Yinxing

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã ban hành Công điện số 8356/CĐ-BNN-ĐĐ về việc ứng phó với bão Yinxing gần Biển Đông. Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cơn bão Yinxing đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu Dông (Philippines).

Rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó bão Yinxing
Đừng chủ quan với mưa bão

Dù đã được tuyên truyền, cảnh báo nhưng vẫn có người chủ quan với mưa bão, nhất là sau những trận mưa bão đi qua. Ở đâu đó, vẫn có những hậu quả đau lòng, những thiệt hại không đáng có.

Đừng chủ quan với mưa bão

TIN MỚI

Return to top