|
Đô thị Huế ở đôi bờ sông Hương. Ảnh: Lê Đình Hoàng |
Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định: “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Chính Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã phát biểu: Thành phố Huế là thành phố duy nhất ở Đông Nam Á có đến 8 di sản thế giới. Thành phố Huế phải tập trung vào giá trị, chức năng là đô thị di sản.
Điều 3, mục 5 Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc phân loại đô thị đã xác định “Đô thị có tính chất đặc thù là những đô thị có giá trị đặc biệt về di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể). Lịch sử, thiên nhiên và du lịch đã được công nhận cấp quốc gia và quốc tế”. Còn theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ngày 30/11/2024: “Thành phố Huế được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận nên về nguyên tắc sẽ không nhấn mạnh yêu cầu về tỷ lệ đô thị hóa mà chú trọng nhiều hơn cho việc đảm bảo chất lượng và tính bền vững trong phát triển đô thị”.
Không khó để nhận rõ những đặc thù của Huế với tư cách là một “Đô thị di sản” khi có chỉnh thể phong phú di sản vật thể và phi vật thể; các di sản đó được tiếp nối qua các thời kỳ lịch sử và có giá trị độc đáo và đặc sắc. Vấn đề đặt ra là phải nhận diện cho được những cơ hội và thách thức khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương được xây dựng, phát triển dựa trên những giá trị mang tính đặc thù đó, chưa có trong tiền lệ lịch sử và đây chính là điều mà Tọa đàm khoa học "Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của thành phố Huế trực thuộc Trung ương" có điều kiện để đóng góp.
Dựa trên nền tảng của văn hóa, di sản để đưa đô thị Huế lên một tầm cao mới, là thành phố trực thuộc Trung ương; kèm theo đó, phát triển theo mô hình “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh” là sự lựa chọn đúng đắn và Huế đang có cơ hội rất lớn để phát triển mà vẫn bảo vệ được bản sắc độc đáo của mình. Tuy nhiên, lựa chọn mô hình “Đô thị di sản” để phát triển, Huế sẽ có rất nhiều khó khăn và thách thức phải vượt qua là lời cảnh báo từ Tiến sĩ Phan Thanh Hải.
Thách thức lớn đặt ra là xu thế toàn cầu hóa, hiện đại hóa đã tác động tiêu cực lên việc quản lý bảo tồn di sản. Việc mở rộng công nghiệp hóa và lối sống đô thị ảnh hưởng đến việc quản lý vành đai bảo vệ di sản, dẫn đến hiện tượng thu hẹp di sản, biến dạng di sản vì những mục đích mưu sinh. Chưa kể, đô thị di sản khẳng định coi trọng mục tiêu bảo tồn di sản là nhiệm vụ trọng tâm. Trong thực tế, nhiệm vụ này ít nhiều ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Nếu chỉ tập trung chăm lo bảo tồn di sản sẽ ảnh hưởng và làm hạn chế sự phát triển kinh tế, ngược lại quá nặng về kinh tế, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến bảo tồn di sản.
Tiến sĩ Phan Tiến Dũng đã rất có lý khi cho rằng, việc xác lập cho Huế những cơ chế đặc thù riêng là vấn đề vô cùng cần thiết, đảm bảo cho đô thị di sản với một hệ thống các giá trị được giữ gìn và phát huy tốt hơn. Đồng thời, chính với cơ chế này sẽ tạo tiền đề cho một chiến lược phát triển kinh tế tương xứng với vị thế của một thành phố trực thuộc Trung ương. Trong mục tiêu hướng đến, bên cạnh điểm mạnh văn hóa, thành phố phải vươn tới có vị thế về kinh tế, xác định lấy du lịch dịch vụ làm mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông làm đột phá, nông nghiệp và công nghệ cao làm nền tảng.
Khi công nhận di sản Cố đô Huế, UNESCO đã tặng một slogan tuyệt vời, rất ý nghĩa: “Huế luôn luôn mới”. Thành phố Huế trực thuộc Trung ương cần nỗ lực vượt qua thử thách để cùng tham gia vào “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” như lời nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm.