ClockThứ Tư, 20/10/2021 08:21

Việt Nam nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ

Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ, là nền tảng để Việt Nam thúc đẩy những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác bình đẳng giới và nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Chỉ khoảng 20% lao động ngành vũ trụ là phụ nữXóa bỏ định kiến, thúc đẩy bình đẳng giớiĐiển hình trong giám sát, phản biện xã hộiG20 cam kết giải quyết bất bình đẳng đối với phụ nữ tại nơi làm việcTăng tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng Nhân dân các cấpLiên đoàn Điền kinh Quốc tế đưa ra cam kết bình đẳng mới nhân ngày 8/3Định hình tương lai bình đẳng hơn trong thế giới COVID-19Tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội trên toàn thế giới đạt mức “cao nhất mọi thời đại”Thúc đẩy năng lực, quyền trẻ em và bình đẳng giới thông qua đối thoại, tiếp cận dịch vụ

Thúc đẩy bình đẳng giới

Các nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN

Những năm gần đây, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu trong công tác bình đẳng giới của Việt Nam, khi nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động, xếp thứ 68 trong số 166 nước về chỉ số phát triển giới.

Những nỗ lực của Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Để đạt được những tiến bộ này, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong triển khai công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, nhằm tạo chuyển biến của xã hội về nhận thức và hành động đối với công tác này.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm hơn 30%; tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 50%; tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đã lên đến 26,5%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất... Với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện ASEAN lần thứ 4, Việt Nam đã đề xuất ra nhiều sáng kiến nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ như: Lồng ghép giới trong các chiến lược ngăn ngừa và giải quyết xung đột; đề cao vai trò của phụ nữ trong củng cố và xây dựng hòa bình; tăng cường nguồn lực thực hiện chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, công tác bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam đang có rất nhiều cơ sở để phát triển hơn nữa. Các chủ trương, chính sách và khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, thể hiện ở những quy định trong Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, các chương trình mục tiêu quốc gia và các cuộc vận động, hướng đến nâng cao vai trò của phụ nữ trong mọi mặt của xã hội.

Trên bình diện quốc tế, phụ nữ và trẻ em gái đang được hưởng lợi từ cách tiếp cận mới, toàn diện, sâu sắc hơn trong vấn đề bình đẳng giới hiện nay. Đó là đặt bình đẳng giới trong tổng thể và gắn kết với tất cả các nội hàm của hòa bình bền vững và phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những thách thức đối với phụ nữ, nhất là nhận thức về địa vị phụ nữ trong xã hội, gia đình, cơ quan và nhà trường còn chuyển biến chậm, đề cao vai trò của nam giới và chính tâm lý e ngại, tự ti của phụ nữ vẫn khiến họ chịu nhiều thiệt thòi...

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, việc ban hành các chính sách, pháp luật phải đi đôi với trách nhiệm và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc triển khai pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, phải chú trọng đến vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan truyền thông trong việc thay đổi những quan niệm truyền thống, những định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới. Quan trọng hơn, bản thân phụ nữ và trẻ em phải chủ động hơn nữa trong việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại, đồng thời cần được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại.

Nâng cao vai trò của phụ nữ trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ ba từ điểm cầu Hà Nội, ngày 13/10/2021. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Dịch COVID-19 bùng phát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó, trẻ em và người lao động đang mang thai, đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ ở mức cao hơn với các thủ tục đơn giản, kịp thời. Ngoài ra, chính sách ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 được mở rộng cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần và bà mẹ đang cho con bú. Các dịch vụ hỗ trợ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được tăng cường đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm thiểu những bất bình đẳng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trước những khó khăn của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn cam kết và ưu tiên thực hiện bình đẳng giới thông qua việc ban hành và triển khai các chiến lược, chương trình thúc đẩy bình đẳng giới đến năm 2030. Kết quả này mang tới niềm tin rằng phụ nữ Việt Nam sẽ có vai trò quan trọng hơn trong việc hoạch định chính sách và lãnh đạo, quản lý xã hội trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.

Để nâng tầm cho phụ nữ Việt Nam, các nhà khoa học cho rằng cần chủ động lồng ghép việc thực hiện bình đẳng giới không chỉ trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong nước, mà còn trong cả hoạch định và triển khai chính sách phát triển công nghệ số, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập của ngành nói riêng, nhằm đạt hiệu quả, tác động, sức lan tỏa sâu rộng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các địa phương nhằm đóng góp vào các nỗ lực chung về thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của đất nước.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định, Hội đã xác định hỗ trợ phụ nữ hội nhập là một trong những nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Đại dịch COVID-19 cho thấy chuyển đổi số không chỉ là giải pháp thúc đẩy phát triển mà còn là yêu cầu tất yếu, cấp thiết đối với các quốc gia cũng như từng cá nhân. Việc giúp cho phụ nữ tiếp cận công nghệ, kiến thức và kỹ năng số là thực sự cần thiết để phát triển bản thân, gia đình, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của đất nước.

Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế và chuyển đổi số được xác định là một trong những chủ trương quan trọng trong dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Từ đó, việc triển khai ở các cấp Hội sẽ tạo ra bước đột phá, đóng góp vào sự phát triển của phụ nữ và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Nhiệm kỳ tới, Hội mong muốn mở rộng và nâng tầm hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, đối tác trong nước và quốc tế, tiến tới xây dựng các khung hợp tác chiến lược vì phát triển xanh và bền vững, vì sự phát triển của phụ nữ.

Phát biểu tại Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu lần thứ 3 mới đây, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã phân tích những cơ hội, thách thức, từ đó nêu ra những đề xuất lớn, nhằm thúc đẩy hơn nữa tiến bộ của phụ nữ gồm: Kêu gọi các nước cùng nhau giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ như giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, xung đột, bạo lực, phát huy vai trò trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao vai trò của phụ nữ trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp nhằm thúc đẩy việc hoạch địch và thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ; kêu gọi bản thân mỗi phụ nữ chủ động vươn lên để phát huy hết tiềm năng của mình trong một thực tiễn mới, đóng góp vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các chính sách dành cho phụ nữ phải được xây dựng trên nền tảng bình đẳng, tạo cơ hội bình đẳng về việc làm, quy hoạch, thăng tiến, tuổi nghỉ hưu, tạo cơ hội cho phụ nữ được lựa chọn và quyết định những vấn đề liên quan đến chính mình. Ngoài ra, cần tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như giáo dục chuyển đổi nhận thức, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại vào công tác chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, chú trọng giáo dục, dạy nghề, đào tạo kỹ năng chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ…

Theo Tin tức TTXVN  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã công bố tiền thưởng Tết 2025, dựa trên những công bố của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo nền kinh tế phục hồi, kinh doanh khả quan, thưởng Tết năm nay nhìn chung khá hơn năm trước.

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động
Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động
Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

Việc chưa đồng bộ thông tin về địa giới hành chính trong đăng ký kinh doanh với dữ liệu thuế từ Tổng cục Thuế đang gây một số khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện đăng ký thay đổi địa giới hành chính trên giấy đăng ký kinh doanh.

Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top