ClockThứ Bảy, 09/12/2023 12:36

Những “cánh chim” không mỏi

TTH - Là những người đứng đầu trong phong trào phụ nữ địa phương ở các xã vùng núi, nơi mà điều kiện kinh tế còn khó khăn, đời sống hội viên còn nhiều thiếu thốn, khi gắn bó với công tác Hội, họ luôn trăn trở là phải làm sao cho đời sống của chị em phụ nữ dân tộc vùng cao ngày càng được nâng cao hơn cả về vật chất và tinh thần. Bằng cách xây dựng nhiều phong trào hữu ích để các Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) đã thu hút, gắn kết hội viên (HV) cùng tham gia sinh hoạt Hội.

Hội viên Phụ nữ tỉnh hỗ trợ trên 300 triệu đồng cho tiểu thương chợ Khe Tre Đồng hành, chia sẻ cùng hội viên

Chị Hồ Thị Tanh (ngoài cùng, bên trái) luôn gần gũi, hết lòng vì hội viên 

Luôn vì hội viên

Có dịp trò chuyện, tìm hiểu về hoạt động của Hội LHPN xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, chúng tôi mới thấy phía sau dáng người mảnh khảnh, nhỏ nhắn của chị Hồ Thị Tanh (sinh năm 1987) Chủ tịch Hội LHPN xã là cả một bầu nhiệt huyết đối với công tác Hội. Đó là những bước chân miệt mài đến gõ cửa từng nhà để nắm hoàn cảnh của từng HV. Là sự trăn trở để xây dựng các phong trào, mô hình hoạt động hữu ích để thu hút và giúp đỡ (HV).

“Quảng Nhâm là một xã vùng biên, điều kiện kinh tế hội viên còn vô vàn khó khăn, nên tôi luôn muốn xây dựng các phong trào, mô hình phát triển kinh tế để đời sống HV được cải thiện. Chính vì vậy, tôi đã xây dựng Mô hình quỹ tiết kiệm tự nguyện tại chi, tổ Hội để tạo điều kiện cho chị em vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Từ những tích cóp nhỏ, hàng tháng mỗi HV đóng quỹ từ 50 ngàn đồng theo khả năng, nhưng đã tích nhỏ thành đại số quỹ tiết kiệm được tính đến nay là gần 300 triệu đồng, đã giải ngân cho 32 lượt thành viên vay vốn, và sử dụng vốn vay hiệu quả” chị Hồ Thị Tanh bộc bạch.  

Chị Nguyễn Thị Phôn (thôn Pất Đuh, xã Quảng Nhâm) vui vẻ cho biết: Sợ vay vốn rồi làm ăn không được lại mang nợ nên tôi cũng đắn đo suy nghĩ mãi. Nhưng được chị Tanh động viên, tư vấn mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hướng dẫn cách chăn nuôi tôi đã mạnh dạn vay vốn từ quỹ Hội. Nhờ được vay vốn không lãi của quỹ hội, tôi đã mua thêm gà, vịt để chăn nuôi. “Thơm tay” đàn gia cầm phát triển tốt, có thêm ít vốn, từ đó tôi mở rộng chăn nuôi. Nay, mỗi năm tôi nuôi 3-4 lứa gia cầm, mỗi lứa trên  100 con.

Chị Hồ Thị Tanh cũng chẳng ngại đi sớm về muộn hay “gõ cửa” các mạnh thường quân, tổ chức để vận động giúp đỡ các hội viên nghèo có thêm sinh kế để phát triển kinh tế. Trong năm, chị đã vận động được 20 triệu đồng, giúp hỗ trợ sinh kế cho 8 hội  viên nghèo, mỗi hộ 100 con gà giống.

Ngày nhận bàn giao “Mái ấm tình thương” của Hội LHPN tỉnh xây dựng có lẽ cũng là ngày vui nhất của chị  L ê Thị May, thôn Âr Kêu Nhâm. “Không có chị Tanh, chắc tôi chẳng dám nhận hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh làm nhà đâu, vì cũng có tuổi rồi, nên sợ mình không đủ sức. Nhưng chị Tanh đã động viên, kết nối và vận động các cơ quan đoàn thể địa phương cùng giúp sức. Nhờ đó, tôi đã có được một mái ấm kiên cố, sạch đẹp”.

Chị Tanh cũng đã kết nối, vận động hội viên gây quỹ để nhận  đỡ đầu 2 trẻ mô côi trên địa bàn xã với mức hỗ trợ 300 ngàn đồng/ 1 trẻ/tháng.

Không những luôn trách nhiệm với công việc, hết lòng với hội viên, chị còn là một tấm gương phát triển kinh tế để chị em noi theo với mô hình gia trại chăn nuôi, và trồng trọt cây ăn quả và rừng keo kinh tế mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/ 1 năm.

Giúp hội viên có hướng phát triển kinh tế hiệu quả

Chị Nguyễn Văn Ly Na (sinh năm 1984), Chủ tịch  Hội LHPN xã Hương Phú, huyện Nam Đông cũng là một “cánh chim đầu đàn” như thế. Nhận thấy quỹ đất còn nhiều cũng như điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại địa phương phù hợp với việc trồng cây ăn quả và hoa màu, chị Ly Na đã vận động HV phụ nữ chăm sóc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ cao “ nhà màng - nhà kính” để trồng trọt theo hướng hữu cơ.

Nhờ sự tin tưởng đối với người Chủ tịch Hội tâm huyết, nhiều chị em HV đã làm theo và thành công, tạo ra thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chị em. Do vậy thu nhập bình quân đầu người, của gia đình hội viên tăng lên rõ rệt, hội viên là hộ nghèo so với những năm trước giảm đáng kể/ Đời sống kinh tế được cải thiện, HV chú trọng hơn các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần và các phong trào do các cấp Hội tổ chức.  Hội thi trưng bày nông sản và ấm thực địa phương do huyện Hội tổ chức; Hội thi “phụ nữ tự tin - duyên dáng - tài năng”, Hội thi ảnh online “Áo dài di sản văn hóa Việt Nam”. Hay tích cực tham gia mô hình xây dựng “vườn ươm hoa, cây cảnh của chi hội”. Các Chi hội Ka Tư, Hà An, Thanh An, Phú Hòa, Đa Phú đã chung tay ươm hơn 7 ngàn cây bông trang, các loại hoa, cây cảnh khác để cung cấp cho gia đình HV có nhu cầu trồng hàng rào xanh; cung cấp các loại hoa cho các chi hội, hộ gia đình thực hiện tuyến đường hoa nông thôn mới, trồng 125 hàng rào xanh các loại.

Chị Trần Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Sơn, Nam Đông cũng luôn trăn trở, xây dựng Hội vững mạnh, nâng cao đời sống HV bằng cách vận động hội viên thực hiện Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Thông qua các buổi sinh hoạt, chị cùng các cán bộ cơ sở Hội đã vận động HV chủ động, nỗ lực nâng cao kiến thức, kỹ năng và tham gia các hoạt động nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực để áp dụng trong công việc và đời sống.

Chính sự đôn đốc của người Chủ tịch Hội tâm huyết, nhiều chị em đã không còn trông chờ ỷ lại mà đã mạnh dạn đầu tư, vay vốn để thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp hay chủ động cải tạo vườn trồng dứa, chuối, cam.

Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương cũng như chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chị Thắm đã vận động HV thành lập tổ liên kết “trồng và tiêu thụ dứa, chuối sạch đăc sản” với 20 HV tham gia.

Chị Thắm cũng tích cực kết nối để hỗ trợ giúp đỡ các HV nghèo về sinh kế như hỗ trợ giống lợn, gà và cung cấp thêm kiến thức, vận động các chị chăn nuôi theo hướng hữu cơ tập trung.

Luôn hết mình với công việc, có chung mục đích xây dựng Hội vững mạnh, giúp HV phát triển kinh tế để nâng cao đời sống tinh thần, vật chất, chị Tanh, chị Na, chị Thắm… là những “cánh chim không mỏi”, những Chủ tịch Hội gương mẫu, có nhiều đóng góp và là 3 trong số 19 Chủ tịch phụ nữ cơ sở giỏi năm 2023 được Hội LHPN tỉnh vừa tuyên dương.

Bài, ảnh: THANH THẢO
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch thông qua liên kết công nghiệp văn hóa

Nguồn tài nguyên văn hóa phong phú của Huế chính là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch Cố đô trở thành tiềm năng lớn của nền công nghiệp văn hóa. Trong mối liên kết để phát triển, Huế đang có kế hoạch triển khai nhiều giải pháp để phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sản phẩm du lịch.

Phát triển du lịch thông qua liên kết công nghiệp văn hóa
Thêm cơ hội thu hút đầu tư

Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là cột mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội trong hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư.

Thêm cơ hội thu hút đầu tư

TIN MỚI

Return to top