ClockThứ Tư, 28/07/2021 14:17

Rao bán bằng giả tràn lan trên Internet

TTH - Pháp luật Việt Nam quy định rõ hành vi làm, tàng trữ và mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả là hành vi vi phạm pháp luật, thế nhưng một khi có “cầu” ắt sẽ có “cung” nên trên Internet tràn lan dịch vụ làm bằng giả.

Đừng để tiền mất tật mang

Bắt giữ các đối tượng trong đường dây làm bằng giả

Cam kết “chuẩn”, giống thật… 100%

Chỉ cần gõ cụm từ “mua bằng giả” trên Google hay trên thanh công cụ tìm kiếm của Facebook, ngay lập tức được “trả lời” bằng hàng nghìn kết quả là các website, fanpage, nhóm facebook và tài khoản mạng xã hội nhận làm các loại văn bằng, chứng chỉ giả từ bằng trung học phổ thông, bằng trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, đến thạc sĩ, tiến sĩ, các loại chứng chỉ nghề, tin học và ngoại ngữ (kể cả chứng chỉ Toeic,…). Các đối tượng còn công khai cả quy trình, cách thức làm giả và cả phương thức giao hàng, thanh toán mà không phải giấu diếm, e dè cơ quan chức năng.

Trong vai một người cần mua bằng tốt nghiệp đại học của một trường đại học trên địa bàn, qua liên lạc với số điện thoại trên website, chúng tôi được 1 đối tượng xưng là nhân viên của một công ty, sau một hồi huyên thuyên giới thiệu, PR cho “công ty”, đảm bảo “uy tín lâu năm”,… đối tượng hướng dẫn người mua chỉ cần gửi thông tin cá nhân như họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, ảnh 3x4, ngành học, năm tốt nghiệp,… để các đối tượng làm bằng với giá 2 triệu đồng.

Khi được “đặt vấn đề” muốn làm bằng có chữ ký của hiệu trưởng đã nghỉ hưu và có dấu nổi thì được các đối tượng khẳng định có thể làm giả bằng đại học với phôi chuẩn dán tem 7 màu 6 cánh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có mộc nổi giáp lai giống thật, chữ ký hiệu trưởng kể cả đã về hưu vẫn làm được; nếu chưa chắc chắn thì các đối tượng sẽ đi công chứng cho người mua trước khi giao hàng. 

Để củng cố niềm tin người mua, các đối tượng cam kết người mua chỉ trả tiền khi đã kiểm tra độ chuẩn của văn bằng, chứng chỉ, nếu không giống thì không cần trả tiền. Đồng thời, mọi thông tin của khách hàng đều được cam đoan bảo mật và xóa đi khi đã giao dịch xong.

Tuy là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng các đối tượng còn công nhiên cho rằng việc làm của mình là “nhằm mang tới những lợi ích tốt đẹp cho chúng ta trong xã hội. Với tấm bằng đại học trên tay bạn có thể có cơ hội tốt hơn trong công việc và cuộc sống của mình”.

Cần xử lý nghiêm

Trong thời gian qua, cơ quan chức năng trên toàn quốc nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đã phát hiện, đấu tranh triệt phá nhiều đường dây làm, tàng trữ và mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả.

Tại Thừa Thiên Huế, vào năm 2020, Công an tỉnh đã phá thành công Chuyên án 420B, bắt giữ các đối tượng: Tạ Chí Hoàng (sinh năm 1992), Ngụy Minh Tá (sinh năm 1995, đều trú TP.Hồ Chí Minh); Nguyễn Hồng Quân (trú tại Hà Nội) và Trần Xuân Lai (sinh năm 1992, trú tại huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) tại một nhà trọ trên địa bàn TP. Huế. Tại đây, Cơ quan Công an đã thu giữ 1.500 phôi, bằng cấp, các loại giấy chứng nhận, chứng chỉ; 200 con dấu của các trường đại học, cao đẳng, sở giáo dục và đào tạo, UBND các cấp của nhiều địa phương. Ngoài ra, Công an cũng đã phát hiện 199 “đơn đặt hàng” các loại bằng cấp, chứng chỉ đã hoàn thành cùng nhiều tang vật như, máy in, máy tạo mẫu con dấu, máy photocopy, máy tính… phục vụ hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.

Thủ đoạn mà các đối tượng trên sử dụng là thông qua mạng xã hội để rao bán, nhận làm các loại văn bằng, chứng chỉ giả cho những người có nhu cầu, khi các đối tượng làm xong thì chuyển qua bưu điện, dịch vụ chuyển phát,… để “ship” đến khách hàng với giá từ 1-1,4 triệu đồng, tùy từng loại.

Trước đó, vào tháng 5/2012, Công an TP. Huế bắt khẩn cấp Lại Văn Quyết và Đinh Hồng Đức (đều SN 1986, trú ở TP. Huế) là 2 đối tượng trong đường dây làm giả các loại văn bằng, chứng chỉ, con dấu của các cơ quan, tổ chức có qui mô liên tỉnh. Thủ đoạn của nhóm làm bằng giả này là liên hệ với những người có nhu cầu mua bằng cấp, chứng chỉ sau đó các đối tượng gửi mẫu văn bằng, chứng chỉ kèm theo ảnh, thông tin cá nhân, chứng minh nhân dân và tiền để đồng bọn ở Hà Nội, Đồng Nai tiến hành làm giả, sau đó chuyển trở lại Huế để Quyết và Đức giao cho khách hàng. Theo khai nhận với Công an, từ năm 2011 đến khi bị bắt, các đối tượng đã làm giả được gần 1.000 tấm bằng đại học, bằng tốt nghiệp cấp 3, chứng chỉ tin học, Anh văn các loại.

Hậu quả của hành vi mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả hết sức nghiêm trọng đối với xã hội. Đặc biệt khi không ít cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với lý do khách quan hay chủ quan đã sử dụng các loại văn bằng, chứng chỉ giả mạo khi bị phát hiện đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị, danh dự của bản thân và gia đình. Làm giảm sút lòng tin của quần chúng nhân dân đối với trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị.

Thủ đoạn làm giả và mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả của các đối tượng ngày càng tinh vi. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cần siết chặt công tác cán bộ, làm tốt công tác thẩm định các loại văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi tuyển dụng và kể cả đang công tác, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng bằng cấp giả mạo.

Bài, ảnh: HOÀI AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rác thải tràn lan ở các khu dân cư

TP. Huế ngày càng xanh - sạch - sáng trên từng xóm phố, nẻo đường. Tuy nhiên, hiện nay tại một số khu quy hoạch (KQH), khu dân cư (KDC) mới vẫn còn tình trạng rác thải sinh hoạt tràn lan, làm ảnh hưởng đến môi trường và mất mỹ quan đô thị.

Rác thải tràn lan ở các khu dân cư
Flycam tràn lan, quản lý ra sao?

Chỉ cần vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng, người dùng có thể sắm cho mình một chiếc flycam để thỏa thích niềm đam mê chụp ảnh từ trên cao. Nhưng không phải ai cũng nắm rõ quy định khi sử dụng, hoặc có người dù nắm rõ quy định nhưng vẫn bất chấp bay ở những vùng cấm, vùng hạn chế bay.

Flycam tràn lan, quản lý ra sao

TIN MỚI

Return to top