ClockThứ Bảy, 04/03/2017 13:11

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Đại Nội

TTH.VN - Trong chương trình thăm Thừa Thiên Huế, 10 giờ 10 phút sáng 4/3, Nhà vua và Hoàng hậu cùng các quan chức cấp cao hoàng gia và Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đến thăm Đại Nội.

Chùm ảnh: Nhật Hoàng và Hoàng hậu chính thức thăm HuếGặp những nghệ sĩ Nhã nhạc từng biểu diễn phục vụ Nhật hoàngNhật Hoàng và Hoàng hậu đến Huế

Tiếp và tháp tùng đoàn tại cửa Ngọ Môn (Đại Nội Huế) có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cùng các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh…

Nhiều người dân Việt Nam và Nhật Bản đón chào Nhà vua và Hoàng hậu tại cửa Ngọ Môn

Từ sớm, người dân Huế, các tình nguyện viên, khách du lịch trong và ngoài nước tập trung hai bên đường vào cửa Ngọ Môn hân hoan chào đón Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Bà Nguyễn Thị Hồng (phường Thuận Thành, TP. Huế) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi và con gái được tận mắt thấy Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Dịp này là cơ hội tốt để tôi tìm hiểu sâu hơn về con người và văn hóa Nhật Bản, mong sau này nếu có điều kiện sẽ cho con sang Nhật du học”.

Hơn 10 giờ, Nhà vua và Hoàng hậu cùng đoàn tháp tùng đến thăm Điện Thái Hòa. Tại đây, Nhà vua bày tỏ niềm vui khi được giới thiệu các công trình kiến trúc cổ, sân chầu, hệ thống trần vòm mai cua trang trí pháp lam, cùng hàng trăm bài thơ chữ Hán trên các ô hộc… Nhà vua tỏ ra ấn tượng và mong muốn lãnh đạo tỉnh tranh thủ những sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nươc để xây dựng những phương án gìn giữ, tiếp tục bảo tồn những công trình kiến trúc cổ mang tính lịch sử của bậc tiền nhân để lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Nhà vua và Hoàng hậu được tháp tùng vào Điện Thái Hòa

Sau đó, Nhà vua và Hoàng hậu đến nhà hát Duyệt Thị Đường thưởng thức Nhã nhạc Cung đình Huế, một loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hoá Phi vật thể Đại diện của nhân loại”. Được biết, năm 2007, trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đoàn Nhã nhạc cung đình Huế đã trình diễn các bài bản Nhã nhạc cho Nhà vua và Hoàng hậu xem ngay tại hoàng cung Nhật Bản.

Nhạc công Hoàng Trọng Cương trả lời phóng vấn Báo Thừa Thiên Huế sau khi biểu diễn Nhã nhạc phục vụ Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản

Tại buổi biểu diễn lần này, các nghệ sĩ biểu diễn 3 tiết mục gồm, “Tam luân  cửu chuyển” có ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an mưa thuận gió hòa; điệu múa cung đình “Lân mẫu xuất lân nhi” nhằm chúc Nhà vua tiếp nối dòng dõi trường tồn vĩnh cửu; “Lục cúng hoa đăng” có ý nghĩa mừng thọ Nhà vua và Hoàng hậu. Sau khi thưởng thức các tiết mục Nhã nhạc, Nhà vua và Hoàng hậu gặp các nghệ sĩ chia sẻ niềm vui và ấn tượng với các tiết mục; đồng thời cho rằng, giữa nhạc cụ biễu diễn Nhã nhạc cung đình Huế và Nhã nhạc của Nhật Bản có những nét tương đồng, dù cách biễu diễn có phần khác nhau nhưng đó cũng là nét độc đáo của văn hóa phương Đông. Nghệ sĩ  Hoàng Trọng Cương, thành viên đoàn biểu diễn Nhã nhạc chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi vinh dự được biểu diễn phục vụ Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Nhã nhạc - món ăn tinh thần của triều Nguyễn ngày xưa bây giờ có dịp giới thiệu đến bạn bè quốc tế”.

Nhà vua và Hoàng hậu thưởng thức nhã nhạc ở nhà hát Duyệt Thị Đường

Phát biểu trong buổi họp báo tại Hà Nội, ông Hatsuhisa Takashima, Thư ký báo chí của Nhật Hoàng cho biết, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản muốn thưởng thức Nhã nhạc cung đình khi đến thăm Huế để có sự so sánh về âm nhạc cung đình của hai quốc gia. Cũng theo ông Hatsuhisa Takashima, Nhã nhạc cung đình Nhật Bản đã có sự giao lưu Nhã nhạc cung đình Huế từ thế kỷ thứ 8, khi nhà sư Phật Triết của nước Lâm Ấp (Miền Trung Việt Nam hiện nay) sang kinh đô Nara Nhật Bản giao lưu Phật Giáo, tu tập tại chùa Đại An.

Trong thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản đã quan tâm, giúp đỡ Trung tâm BTDTCĐ Huế bảo tồn, trùng tu các công trình kiến trúc cung điện, lăng tẩm của Kinh thành Huế thông qua các tổ chức, như Viện nghiên cứu Di sản thế giới UNESCO- Đại học Waseda, Đại học Nữ Chiêu Hòa, Đại học Kyoto (Nhật Bản). Với sự hỗ trợ từ phía bạn trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa Huế, một số công trình di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được thực hiện công tác trùng tu, tu bổ như: Ngọ Môn, Điện Chiêu Kính, Điện Long Đức, Thái Tổ Miếu – Đại Nội, lăng Minh Mạng… đến nay đã phát huy hiệu quả trong việc thu hút khách du lịch.

Dự kiến, chiều nay, Nhà vua và Hoàng hậu sẽ đến thăm một  số điểm di tích văn hóa lịch sử khác.

Một số hình ảnh của Nhà vua và Hoàng hậu tại Đại Nội Huế:

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao trao đổi với đại diện phía Nhật Bản trước khi đón Nhà vua và Hoàng hậu đến thăm Đại Nội Huế

...Nhà vua xuống xe và nhận hoa chúc mừng

Tiến vào bên trong Đại Nội

Minh-Thọ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

Theo tin từ Japan Times, Nhật Bản vừa phát triển một phương pháp mới để phân hủy PFAS - một nhóm hợp chất hữu cơ chứa fluor nhân tạo thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, thường được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và gây ra những lo ngại về môi trường cũng như sức khỏe con người.

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

TIN MỚI

Return to top