ClockThứ Sáu, 05/01/2024 06:57

Ngập úng kéo dài đến bao giờ - Kỳ 1: Thách thức cho bài toán chống ngập

TTH - Thực trạng ngập úng tại các đô thị, nhất là đô thị mới, hay gần đây, việc thoát lũ tại các khu công nghiệp đặt ra bài toán cần lời giải từ hiện tại và cả trong tương lai. Các chuyên gia cũng nhiều lần chỉ rõ, biến đổi khí hậu sẽ tạo ra những thách thức không hề nhỏ cho khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ trong thời gian tớiKhông để bất kỳ người dân nào bị đói, rétKhẩn trương ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất

Cứ vào mùa mưa, các khu vực lân cận khu công nghiệp (KCN) và khu đô thị mới lại bị ngập úng. Câu chuyện thoát nước dù mới hay cũ cũng đã, đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh.

 
 Tình trạng ngập lụt ở xã Thủy Phù năm 2023 càng lúc càng nặng hơn

Những điều lạ lùng

Đợt bão lũ vào trung tuần tháng 10/2023, gần 90% tuyến đường trên địa bàn xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) ngập từ 0,5m – 1,5m; 12 thôn của xã ngập trên 1m, trong đó, riêng thôn 9 ngập khoảng 2m.

Nhưng đó chưa phải là lần ngập nặng nhất của Thủy Phù trong năm này khi đợt mưa lớn, kéo dài vào giữa tháng 11 khiến tất cả các tuyến đường của toàn bộ 12 thôn của xã Thủy Phù tiếp tục ngập nặng. Ở những vị trí cao nước vẫn ngập quá nửa thân người lớn. Những nơi thấp trũng như thôn 2, thôn 7, nước ngập từ 2m trở lên. “Căn cứ các mốc lũ lụt để lại, 2 lần ngập trên đều vượt quá mực nước của trận lụt lịch sử năm 1999”, ông Lê Hữu Trí - Chủ tịch UBND xã Thủy Phù cho hay.

Phường Phú Bài là một trong những vùng gò đồi của TX. Hương Thủy. Nhờ địa thế cao nên vào mùa mưa bão, người dân nơi đây không quá lo lắng chuyện ngập lụt. “Lụt năm 1999 kinh khủng là rứa mà dân Phú Bài chẳng mấy ai “chộ” nước…”, anh Nguyễn Nguyên – một cư dân của Phú Bài cho hay. Nhưng đến năm 2023, cái sự “vô lo” của anh Nguyên cũng như hầu hết người dân nơi đây như bị “dội gáo nước lạnh”.

Đầu tiên là sau trận mưa lớn ngày 5 và 6/9 đã khiến khu vực gần Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài ngập nặng, đồng thời khiến hơn 100 cây thông, đường kính 5-10cm (đoạn trước cống thoát nước mương hở của Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài) ngập úng. Đại diện Phòng Quản lý đô thị TX. Hương Thủy, chính quyền phường Phú Bài đã phải tổ chức buổi làm việc với Công ty CP Gilimex cùng các đơn vị tham gia thi công tại phân khu A thuộc dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex để kiểm tra hiện trạng ngập lụt cũng như có phương án khắc phục, đền bù.

Tiếp đó, sau 2 đợt mưa lớn hồi tháng 10 và 11 vừa qua, khu vực này của  phường Phú Bài tiếp tục ngập lụt, thậm chí nặng hơn khiến người dân thắc mắc, đại ý lụt 1999 không chộ nước, răng chừ mưa lụt không bằng thì lại bị ngập?

Nhưng chuyện ngập lụt, và ngày càng nặng hơn của xã Thủy Phù, của phường Phú Bài liên quan gì đến Công ty CP Gilimex, đến các đơn vị tham gia thi công tại phân khu A thuộc dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gilimex như đã nhắc ở trên?

Theo tìm hiểu, việc ngập úng khu vực gần Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài do lượng nước mưa từ sân bay đổ về, kết hợp với việc Công ty CP Gilimex cùng các đơn vị liên quan đang thi công hệ thống thoát nước thuộc Dự án hạ tầng KCN Gilimex phía bên trong đường sắt (song song Quốc lộ 1A) đã làm chắn dòng chảy của kênh từ Quốc lộ 1A vào khiến hệ thống thoát nước từ cống hộp đường sắt vào khu vực thoát nước hiện trạng không thoát kịp.

Tiếp đó, đầu tháng 12, sau khi nhận được công văn của UBND TX. Hương Thủy, Ban quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh đã đề nghị Công ty CP KCN Gilimex khẩn trương nghiên cứu lập biện pháp thi công các hạng mục công trình thoát nước mưa và nước thải của dự án để triển khai thi công kịp thời, đảm bảo thoát nước mưa tránh gây ngập úng cục bộ tại khu vực đường Nguyễn Tất Thành, ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước và an toàn bay tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, đồng thời, đề xuất giải pháp lâu dài liên quan đến hệ thống thoát nước của khu vực. Thừa nhận việc thi công gây nên ngập úng, nhưng tại các buổi làm việc, phía Công ty CP KCN Gilimex cũng nêu một số lý do khách quan, rằng một phần do lưu lượng nước mưa đổ về lớn bất thường so với mọi năm, mặt khác, phía hạ lưu khu vực thoát nước nằm trong phạm vi dự án chủ đầu tư (Công ty CP Gilimex) chưa có mặt bằng để thi công hệ thống thoát nước đồng bộ… nên dẫn đến tình trạng ngập úng này (?!).

 Nước bủa vây đô thị

Nước bủa vây đô thị

Ngoài các dự án KCN được triển khai, các khu đô thị mới về phía đông hình thành đang tạo ra sắc diện hoàn toàn khác cho bộ mặt đô thị Thừa Thiên Huế. Các tuyến đường huyết mạch được đầu tư kết nối phía biển góp phần liên kết các vùng kinh tế. Bên cạnh khu đô thị mới An Vân Dương, các đô thị mới trong tương lai như, đô thị sân bay, đô thị Chân Mây… cũng được đưa vào quy hoạch. Chưa bàn đến câu chuyện tạo động lực phát triển mà nhìn nhận về sự “an toàn” trong điều kiện cứ mưa là “ngập đến lưng quần” đã đặt ra bài toán cũ mà mới cho các khu đô thị.

Thực trạng những năm gần đây, cứ đến mùa mưa lũ,  Huế lại ngập, đô thị mới hay cũ đều chìm trong biển nước khiến người dân cho rằng, các tuyến đường như: Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Thủy Dương - Thuận An trong khu đô thị mới An Vân Dương được đầu tư xây dựng, nâng cao độ nền đường, phóng tuyến đã vô tình “tiếp tay” cho nước đổ về gây ngập úng khu dân cư hiện hữu ở các phường: Xuân Phú, An Đông (TP. Huế). Mưa đến, các tuyến này như những “con đê” chắn nước, khi mưa đặc biệt lớn thì đường cũng không thoát khỏi ngập.

Và điều này đã diễn ra qua các mùa mưa năm 2020, 2022, mới đây nhất là trận lũ năm 2023. “Tôi có cảm giác sau khi xây dựng các tuyến đường mới, nâng nền đường cao hơn thì mưa đến lại ngập nhanh hơn, sâu hơn”, ông Phan Tuấn (P. Xuân Phú, TP. Huế) nói. Tại buổi thẩm định Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế mới đây ở Hà Nội, góp ý cho đồ án quy hoạch, TS. Trần Anh Tuấn - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật – Bộ Xây dựng trăn trở về việc thoát lũ cho đô thị Huế trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ông Tuấn dẫn chứng ngay trong đợt mưa lũ năm 2023, Huế bị ảnh hưởng nặng nề, khu vực đô thị mới chìm trong biển nước.

Ông Tuấn đánh giá cao vai trò cắt lũ của hệ thống hồ chứa của Huế, song việc quy hoạch đô thị cần được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, lưu ý đến hiện trạng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là mưa cực đoan. Do vậy, khi định hướng, hình thành các đô thị tương lai trong tiến trình xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cần có đánh giá cụ thể về việc thoát lũ.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Chống ngập để phát triển bền vững

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG - LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tận dụng cơ hội & vượt qua thách thức

Đúng 20 ngày sau khi Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và 10 ngày trước khi lễ công bố được tổ chức, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) tổ chức Tọa đàm khoa học "Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của thành phố Huế trực thuộc Trung ương". Tôi nghĩ, đó là một việc làm cần thiết khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của Việt Nam chọn con đường dựa vào nền tảng văn hóa, di sản để phát triển.

Tận dụng cơ hội  vượt qua thách thức

TIN MỚI

Return to top