ClockThứ Bảy, 16/02/2019 06:45
KỶ NIỆM 40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC (17/2/1979 - 17/2/2019)

Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai

TTH - Cách đây 40 năm, từ những năm đầu Việt Nam vừa thống nhất đất nước, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự, khiêu khích vũ trang, xâm lấn đất đai, gây tình hình căng thẳng, phức tạp trên vùng biên giới phía Bắc Việt Nam.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lạiMãi mãi tuổi xuân nơi biên cươngTính chính nghĩa của Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc

Cửa Khẩu Hoành Mô thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, tiếp giáp thành phố cảng Phòng Thành (Quảng Tây – Trung Quốc) hiện là một trong những cửa ngõ giao thương tấp nập giữa Việt Nam-Trung Quốc. Ảnh: Internet

Từ tháng 8/1978, phía Trung Quốc điều động lực lượng ra biên giới, bố trí nhiều trạm ra đa, trang bị vũ khí cho dân binh vùng biên, tổ chức nhiều cuộc diễn tập… Họ trắng trợn vu cáo Việt Nam ngược đãi, khủng bố, xua đuổi Hoa kiều, rút chuyên gia về nước, khiến tình hình hết sức căng thẳng.

Đêm 16 rạng ngày 17/2/1979, lợi dụng trời tối, sương mù, phía Trung Quốc bí mật đưa lực lượng luồn sâu, ém sẵn ở nhiều khu vực trên toàn tuyến biên giới từ Pò Hèn (Quảng Ninh) đến Pa Nậm Cúm (Lai Châu); đồng thời triển khai lực lượng lớn áp sát biên giới, chuẩn bị tấn công ta.

Bất chấp những nỗ lực giải quyết bằng con đường hòa bình của Việt Nam, từ 3 giờ 30 phút ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ của Việt Nam, sau đó huy động lực lượng lớn (hơn 600 ngàn quân) tấn công vào vùng biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Quyền tự vệ chính đáng 

Trước những hành động đi ngược lợi ích của Nhân dân, phá hoại nghiêm trọng tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, quân và dân Việt Nam không còn con đường nào khác là phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả.

Từ ngày 17/2/1979 đến đầu tháng 3/1979, trên các mặt trận phía Bắc (Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Tuyên, Tuyên Quang, Quảng Ninh...), dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu, quân và dân ta đã bẻ gãy nhiều mũi tấn công, tiêu diệt nhiều sinh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm chậm ý đồ đánh nhanh, chiếm nhanh các mục tiêu theo kế hoạch ban đầu của Quân Trung. Do quân số đông và được trang bị nhiều vũ khí, phương tiện kỹ thuật nên ở một số nơi, quân Trung Quốc đã tiến sâu vào nội địa ta và lần lượt chiếm các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Cam Đường, Lạng Sơn, thị trấn Phong Thổ và một số địa bàn trên vùng biên giới phía Bắc.

Ngày 4/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương ra lời kêu gọi quân và dân cả nước quyết tâm “giữ vững biên cương của Tổ quốc”. Sau đó một ngày, Chủ tịch nước công bố Lệnh Tổng động viên bảo vệ Tổ quốc.

Bị tổn thất nặng nề, bị dư luận tiến bộ trên thế giới lên án mạnh mẽ, ngày 5/3/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân trên tất cả mọi hướng.

Trong quá trình rút quân, Trung Quốc tiếp tục đánh phá và gây nhiều thiệt hại về người và của đối với đồng bào ta ở một số vùng giáp biên giới. Đến ngày 18/3/1979, về cơ bản, Trung Quốc đã rút quân khỏi Việt Nam. Nhưng từ sau ngày 18/3, trên thực tế, Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao của ta và thường xuyên gây xung đột vũ trang, làm cho tình hình luôn căng thẳng, kéo dài mãi đến năm 1989, trong đó ác liệt nhất là mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên.

Khép lại quá khứ, hướng đến tương lai

Từ sau 1991, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức bình thường hóa quan hệ, hai Đảng, hai Nhà nước tuyên bố phát triển mối quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện trên cơ sở 5 nguyên tắc: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình.

Từ đó đến nay, về tổng thể, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã khôi phục nhanh, phát triển mạnh. Trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, hai bên đã thường xuyên duy trì cơ chế hợp tác song phương. Trên lĩnh vực kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều không ngừng gia tăng. Trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, hợp tác giữa hai nước càng ngày càng gắn kết. Về biên giới lãnh thổ, Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn thành việc cắm mốc biên giới trên đất liền, Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ…

Đối với vấn đề Biển Đông, dù Trung Quốc có những hành động vi phạm chủ quyền, Việt Nam vẫn luôn nhất quán quan điểm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ một cách hòa bình và giải quyết các tranh chấp trên cơ sở Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC 2002).

Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 đã khép lại. Tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến là sự thật không thể chối cãi. Kỷ niệm 40 năm chiến thắng để bạn bè quốc tế, đặc biệt là người dân Trung Quốc hiểu rõ hơn về cuộc chiến này là cần thiết. Đây là dịp để tri ân quân và dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên mặt trận phía Bắc để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay, dù còn tồn tại những bất đồng, những điểm khác biệt, song cần khẳng định rằng: hợp tác và hữu nghị luôn đóng vai trò chủ đạo, mang tính tất yếu trong sự phát triển của quan hệ hai bên, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước và phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển của thời đại.

TRẦN HỮU THÙY GIANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trung Quốc và “chuyến lưu diễn” của triển lãm về các vị thần Hy Lạp

“Vì vinh quang của Hy Lạp và sự hùng vĩ của Rome”, các bức tượng và hiện vật đại diện cho vẻ đẹp huyền thoại trong câu nói nổi tiếng của nhà văn Edgar Allan Poe về các vị thần Hy Lạp sẽ chính thức bắt đầu được trưng bày trong triển lãm vòng quanh Trung Quốc từ ngày 1/1/2025.

Trung Quốc và “chuyến lưu diễn” của triển lãm về các vị thần Hy Lạp
Trung Quốc chấp thuận vaccine mpox cho thử nghiệm lâm sàng

Tin từ China Daily cho biết, Cơ quan quản lý dược phẩm hàng đầu của Trung Quốc mới đây đã chấp thuận thử nghiệm lâm sàng vaccine mpox (còn gọi là đậu mùa khỉ) do công ty dược phẩm trong nước Sinopharm phát triển. Quyết định này đã nối dài thêm danh sách ngày càng tăng các “ứng cử viên” tiềm năng cho vaccine mpox ở nước này.

Trung Quốc chấp thuận vaccine mpox cho thử nghiệm lâm sàng
Trung Quốc phát hiện hóa thạch của người hiện đại sơ khai

Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã phát hiện hàng chục hóa thạch người có niên đại 300.000 năm. Đây là những hóa thạch sớm nhất được tìm thấy ở Đông Á, là minh chứng về quá trình tiến hóa thành Homo sapiens, được biết đến là người hiện đại sơ khai.

Trung Quốc phát hiện hóa thạch của người hiện đại sơ khai
Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững

Trong phát biểu mới nhất tại hội nghị “Hợp tác Trung Quốc - ASEAN về phát triển và quản lý trí tuệ nhân tạo (AI)” vừa diễn ra tại Trung Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) Chen Bo kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN về trí tuệ nhân tạo (AI).

Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững

TIN MỚI

Return to top