ClockThứ Sáu, 06/12/2019 22:08

Hiểu cảm xúc du khách để làm du lịch tốt hơn

TTH - Đây là điều được GS. Phan Văn Trường chia sẻ khi đến Huế truyền cảm hứng qua khóa học “Cấy nền 07”, với chủ đề “Tạo sự hưng phấn từ những nét trang trọng của Cố đô và vai trò của hệ sinh thái”.

Du lịch Việt Nam thăng hạngLinh hoạt để hút khách nội địa

GS. Phan Văn Trường

GS. Phan Văn Trường sinh năm 1946 tại Hà Nội. Ông là cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ những năm 1990. Ông hai lần được Tổng thống Pháp phong Hiệp sĩ và được Chủ tịch nước tặng huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Từ tháng 7/2017, ông đã cùng 22 nông dân trẻ thành lập CLB khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Sau hai năm đã quy tụ 80.000 thành viên, trở thành một hệ sinh thái đón nhận và chia sẻ thông tin của các nông dân từ khắp các tỉnh thành. Tháng 5/2019, GS. Phan Văn Trường thành lập chuỗi khóa học hoàn toàn miễn phí “Cấy nền”, hướng dẫn tìm nguồn gốc và giải quyết những khó khăn nghề nghiệp cho những bạn trẻ.  

Là đơn vị kết nối để đưa “Cấy nền 07” về Huế, ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế giới thiệu: GS. Phan Văn Trường muốn bắt đầu câu chuyện phát triển đất nước từ con người. Muốn có con người chuẩn thì phải xây dựng được nền tảng con người với tâm lực, trí lực và lý tưởng bền vững. Muốn có những con người như thế thì phải đào tạo, hướng dẫn họ trên mọi lĩnh vực. Vì vậy, ông muốn đem câu chuyện đó “cấy” vào nền tảng phát triển của người trẻ. Có nền tảng ấy, người trẻ có đủ tự tin để thực hiện lý tưởng của mình, đồng thời có đủ tỉnh táo để tránh xa những cám dỗ tiêu cực, góp sức phát triển đất nước.

Hãy chứng tỏ tình yêu Huế

Với nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Thừa Thiên Huế cần làm gì để thu hút du khách? GS. Phan Văn Trường không đồng ý với cách đặt vấn đề này. Theo ông, đó là cách làm du lịch với lý luận chỉ quan tâm đầu vào – làm du lịch từ những gì chúng ta có, mà chưa quan tâm đến lý luận đầu ra – quan tâm đến nhu cầu của du khách đối với văn hóa, con người bản xứ.

“Rất nhiều người đến Huế không phải để xem những di tích lăng tẩm, đền đài, mà muốn xem người Huế yêu lăng tẩm, đền đài của chính mình như thế nào. Du khách đến đây, nếu người Huế không thể hiện, chứng tỏ được tình yêu đó bằng những hành động cụ thể thì cuối cùng du khách cũng chỉ trải nghiệm hời hợt, xem qua cho biết. Ngược lại, nếu du khách cảm nhận được sự trân trọng của người Huế đối với chính di sản văn hóa của mình, không ngừng nỗ lực để gìn giữ, bảo tồn thì sẽ khơi gợi, kích thích họ ở lại lâu để tìm hiểu và cảm nhận. Đây cũng là cách làm du lịch của thế giới, chúng ta cần hiểu và bắt đầu từ đó”, GS. Phan Văn Trường gợi ý.

Là người đã đi đến rất nhiều nước trên thế giới và có tầm hiểu biết sâu rộng, GS. Phan Văn Trường tự tin mình là một du khách điển hình. Ông bảo, đến Huế, ông thấy người Huế yêu Huế một cách âm thầm. Là người nước ngoài, phải ở Huế chừng 10 năm mới cảm nhận được tình yêu ấy. Và ông đề nghị: Người Huế phải thể hiện được mình yêu xứ sở của mình trước khi mong muốn du khách thấy điều đó và chọn nơi này làm điểm đến để nghỉ ngơi, du lịch. Du khách là người lạ và họ chỉ thực sự cảm thấy Huế thoải mái và an toàn khi chính người dân Huế yêu Huế và quan tâm đến cảm xúc của mình. Điều đó giữ họ ở lại với Huế lâu hơn.

Vậy làm thế nào để người Huế thể hiện tình yêu Huế? Theo GS. Phan Văn Trường, có nhiều cách để thể hiện điều đó. Nhưng trước tiên, người Huế cần trồng nhiều hoa hơn. Huế rất xanh nhưng ít hoa. Huế phải biến những con đường trở nên sạch sẽ, nhiều hoa, nhiều cây xanh và được chăm sóc cẩn thận. Những việc nhỏ này thể hiện rõ tình yêu với nơi chốn của mình và cho người khác cảm giác thích thú và rất an toàn.

Quả táo thần kỳ của Kimura

“Quả táo thần kỳ của Kimura” là câu chuyện về người nông dân được cho là kẻ ngốc nhất Nhật Bản, trong hành trình hơn 10 năm theo đuổi giấc mơ trồng táo không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Táo của Kimura khi cắt ra không bị thâm do oxy hóa, để hai năm không hư thối và vẫn tỏa mùi hương ngọt ngào như kẹo. Nhưng trong những năm tháng ấy, gia đình ông bị khánh kiệt, thậm chí ông bế tắc đến mức tìm đến cái chết.

Theo GS. Trường, Việt Nam nói chung và Huế nói riêng đang tập trung coi “quả táo” – những thế mạnh của mình, là điều quan trọng, trong khi giá trị quan trọng, làm nên sự khác biệt lại chính là hệ sinh thái. Du khách chọn nơi nào làm điểm đến không phải vì cụ thể là táo, nho hay lê…, mà chính là hệ sinh thái đã làm nên giá trị của loài trái cây đó. Nghĩa là, họ mong muốn cảm nhận trong một hệ sinh thái mà ở đó, con người đối đãi với nhau như thế nào, giá trị văn hóa xứ sở đang được trân trọng ra sao.

“Hiện thời, chúng ta mới chỉ quan tâm đến sản phẩm thô để làm du lịch mà chưa nhìn thấy giá trị của những con người làm nên sản phẩm ấy, cũng như những người đang sử dụng chúng. Người Huế cần thể hiện tình yêu Huế rõ ràng hơn nữa, cùng chia sẻ cảm xúc và tăng sự kết nối trong hệ sinh thái. Người Huế phải quan tâm đến việc có thể tạo cảm xúc nào cho du khách và du khách sẽ cảm nhận được gì từ Huế… Nếu những câu hỏi này có câu trả lời, nghĩa là người Huế đã giải quyết được nhiều vấn đề, như chính Kimura đã giải quyết được vấn đề của mình để tạo nên quả táo thần kỳ vậy”, GS. Phan Văn Trường chia sẻ.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch “0 đồng” nhưng về “sạch túi”

Với “mác” giả mạo là các công ty chăm sóc sức khỏe (CSSK), những kẻ lừa đảo đưa ra lý do mời những người lớn tuổi đi du lịch ở những địa điểm nghỉ dưỡng với giá “0 đồng” để tri ân; mục đích lừa bán những sản phẩm CSSK, ngừa đột quỵ... với giá “trên trời”.

Du lịch “0 đồng” nhưng về “sạch túi”
Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu

Tháng 1/2025 vừa bắt đầu với triển vọng đầy thách thức đối với ngành du lịch toàn cầu, khi một loạt các sự kiện bất lợi phủ bóng đen lên đà tăng trưởng đầu năm. Tuy nhiên, theo Tạp chí du lịch thế giới TTW, đây vẫn là tháng then chốt đối với ngành du lịch, thời điểm mang lại những cơ hội đáng kể để ngành này tăng tốc và đặt nền móng cho tăng trưởng cả năm.

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Đón chuyến bay và những du khách đầu tiên đến TP. Huế năm 2025

Sáng 1/1, Sở Du lịch TP. Huế chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng không miền Trung tại Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Phú Bài, Cảng HKQT Phú Bài và Chi nhánh Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tại Huế, Pacific Airlines tổ chức chương trình chào mừng chuyến bay và những du khách đầu tiên đến TP. Huế năm 2025. Đến dự chương trình có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đón chuyến bay và những du khách đầu tiên đến TP Huế năm 2025
Đón đầu những cơ hội mới

Du lịch Huế năm 2024 đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, ghi dấu ấn về thu hút lượng khách và được vinh danh ở những giải thưởng du lịch danh giá.

Đón đầu những cơ hội mới

TIN MỚI

Return to top