ClockThứ Năm, 25/10/2018 12:45

Góp sức xây dựng nông thôn mới.

TTH - Chỉ tính riêng 3 năm gần đây, Quảng Điền có gần 1.000 hội viên cựu chiến binh (CCB) hiến gần 15.000m2 đất các loại, tháo dỡ 1.575m tường rào, chặt bỏ gần 12 ngàn cây, đóng góp 27,705 triệu đồng, tham gia 4.244 công xây dựng các công trình nông thôn mới (NTM).

Những mô hình hay,việc làm tốtCựu chiến binh giúp nhau làm kinh tếNhiều mô hình Hội CCB hoạt động có hiệu quả

Hội viên CCB ra quân trồng cây xanh

Huyện Quảng Điền có 1.779 hội viên CCB, trong đó chỉ có 21 hộ nghèo, 34 hộ cận nghèo, gần một nửa số hội viên (872 hộ) có mức sống khá, giàu. Đó là kết quả đáng ghi nhận đối với Hội CCB huyện Quảng Điền trong tiến trình xây dựng NTM.

CCB Văn Đức Xàng ở xã Quảng Thái đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, xây được nhà kiên cố từ hơn 3 năm nay. Ngoài nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống, một phần nhờ sự quan tâm hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần trong phát triển sản xuất từ các cấp Hội CCB; cùng với sản xuất lúa, các loại cây trồng, Hội CCB huyện, xã đã hỗ trợ kỹ thuật, tín chấp cho ông Xàng vay vốn ưu đãi chăn nuôi lợn, gia cầm. Từ các mô hình kinh tế tổng hợp, bình quân mỗi năm gia đình ông Xàng thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.

Có được cuộc sống khá giả, ông Xàng cũng như nhiều hội viên CCB ở Quảng Thái nói riêng, toàn huyện nói chung đã tích cực đóng góp vật chất, công sức tham gia xây dựng NTM. CCB Phan Tần ở xã Quảng Công là một trong những gương sáng điển hình trong việc hiến đất xây dựng công trình NTM với 250m2.

Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công đánh giá, các hội viên đều thể hiện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, phát huy vai trò tiên phong, sẵn sàng chung tay xây dựng NTM. Trong đó, phong trào hiến đất xây dựng các công trình công cộng, đường sá được các hội viên đồng tình, ủng hộ cao. Tính đến thời điểm xã Quảng Công được công nhận đạt chuẩn NTM (tháng 8/2018), các hội viên CCB đã hiến hơn 2.000m2 đất, cây cối, hoa màu.

Toàn huyện có 338 trang trại, gia trại của hội viên CCB chuyên nuôi trồng thủy sản, trồng và chế biến rau sạch, kinh doanh dịch vụ. Các mô hình kinh tế của CCB cho thu nhập bình quân từ 30 đến 150 triệu đồng/năm. Đáng chú ý là mô hình nuôi cá lồng, gia trại nuôi lợn, nuôi trâu, trồng rau sạch, nấm, mướp đắng, ném, ớt, nuôi ngan Pháp, trồng cây cảnh, hoa và các dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh vật liệu xây dựng, xay xát, mộc mỹ nghệ, dịch vụ ăn uống...

Theo Chủ tịch Hội CCB huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Thất Sáu, hội viên CCB trên địa bàn luôn ý thức cao trong việc tham gia xây dựng NTM. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của các cấp Hội CCB, hội viên CCB và Nhân dân tự giải phóng mặt bằng, mở đường giao thông nông thôn và tham gia xây dựng các dự án đầu tư trên địa bàn huyện.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hội viên được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Hội CCB các cấp vận động, động viên hội viên hưởng ứng, triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Quảng Điền giai đoạn 2016-2020; tích cực lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nhân rộng mô hình kinh tế có hiệu quả.

Hội viên Hội CCB luôn gương mẫu, tiên phong tham gia các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và chuyển đổi nghề từ sản xuất nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phù hợp với năng lực quản lý, vốn đầu tư của từng gia đình và điều kiện của từng địa phương. Chẳng hạn mô hình rau an toàn ở Quảng Thành, rau má Quảng Thọ, mía Quảng Phú; khoai lang, dưa hấu, môn tía Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Ngạn. Bình quân mỗi ha canh tác lãi 70 triệu đồng.

Đến tháng 9/2018, toàn huyện chỉ còn 16 hội viên Hội CCB nghèo, giảm 5 hộ, 31 hộ cận nghèo, giảm 3 hộ; 860 hộ có mức sống trung bình, 872 hộ khá và giàu, tăng 67 hộ so với năm 2016; có 5 hội cơ sở không có hộ nghèo như các xã: Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng Công và thị trấn Sịa.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới
Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới

Phát triển du lịch nông thôn là giải pháp để khơi dậy tiềm năng du lịch của nông thôn, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững. Việc mở các tuyến, điểm du lịch nông thôn mặc dù đã triển khai nhưng để tạo ra hiệu quả thì vẫn còn nhiều việc để làm.

Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới

TIN MỚI

Return to top