ClockThứ Sáu, 12/05/2017 05:46

Chủ trang trại cựu chiến binh

TTH - Năng nổ, hết lòng với công việc của hội, ông Phạm Huy Chương, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Vinh An (huyện Phú Vang) còn là tấm gương về phát triển kinh tế. Mạnh dạn đầu tư cùng với niềm đam mê chăn nuôi đã giúp gia đình ông thoát nghèo và có thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm.

Trăm nghe không bằng một thấy, cùng ông đi một vòng quanh trang trại mới thấy sự bố trí, sắp xếp các công trình chuồng trại một cách khoa học, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về địa hình đã đem lại hiệu quả chăn nuôi cao. Ông Chương kể về những ngày đầu khởi nghiệp: “Năm 1988, xuất ngũ, tôi vào TP. Hồ Chí Minh bươn chải, làm thuê đủ nghề. Sau khi về quê lấy vợ, tôi đã quyết định đổi sang nghề chăn nuôi và phát triển cho đến bây giờ”.

Một góc trang trại của CCB Phạm Huy Chương

Thời gian đầu, ông nuôi gà, vịt nhưng do có thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát nên ông nuôi thêm heo nái và heo thịt. “15 năm gắn bó với bầy heo, đàn gà, không biết bao nhiêu lần trắng tay nhưng niềm đam mê chăn nuôi đã ăn vào máu rồi không bỏ được. Mỗi lần dịch bệnh hoặc biến động giá cả là thất thu cả hàng trăm triệu đồng. Qua nhiều thất bại, tôi rút ra cho mình được nhiều kinh nghiệm: Trong chăn nuôi, quan trọng là khâu chọn giống và phòng dịch bệnh cho vật nuôi”, ông Chương đúc kết.

Theo ông Chương, đàn heo, gà của ông ít bị ảnh hưởng của những trận dịch như: tai xanh, lở mồm long móng, H5N1… vì ông luôn tuân thủ tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Bên cạnh đó, sau khi xuất bán, ông đã rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng, sau hơn một tuần mới thả đàn mới. Chuồng trại được đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo “đông che, hè thoáng”; hệ thống nước thải được xử lý kịp thời nên không gây mùi hôi, các mầm bệnh cũng không có cơ hội phát triển.

Trước đây, ông chủ yếu mua heo, gà, vịt giống về nuôi nhưng giá con giống cao nên lời lãi không nhiều. Ông cũng nhận thấy nuôi theo thời vụ thì vốn đầu tư con giống, thức ăn tốn kém mà giống lại không đảm bảo nên rủi ro lớn. Do đó, ông đã nuôi heo nái và mua thêm máy ấp trứng. Mô hình chăn nuôi chủ yếu là cho ăn cám công nghiệp nên ông tìm hiểu, xin làm đại lý thức ăn chăn nuôi vừa có thêm thu nhập, vừa có nguồn thức ăn ổn định mà giá cả lại phải chăng. Hiện nay, trang trại của ông luôn duy trì 10 heo nái và mỗi lứa 100 con heo thịt thương phẩm, cùng hơn 500 con gà, vịt.

Trước xu hướng giá heo đang giảm như hiện nay, để duy trì sản xuất, ông Chương đang có kế hoạch làm thêm chuồng, dọn dẹp mấy thửa đất trống để thả thêm gà. "Giống gà kiến nuôi thả ăn rất ngon, nuôi được bao nhiêu là các nhà hàng tới mua hết bấy nhiêu, chỉ sợ không có sức mà nuôi”, ông Chương bộc bạch.

Ông Dương Thành Hùng, Chủ tịch Hội CCB huyện Phú Vang nhận xét, nhờ chăm chỉ lao động, mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển chăn nuôi, những năm gần đây, trang trại của CCB Phạm Huy Chương cho thu nhập rất khá. Nhờ đó, ông có điều kiện nuôi con cái ăn học đàng hoàng, nhà cửa được đầu tư xây dựng khang trang với đầy đủ phương tiện. CCB Phạm Huy Chương là một trong những điển hình của Câu lạc bộ Doanh nhân – Chủ trang trại CCB tỉnh.

Bài, ảnh: Thảo Vy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Trà: Thành lập Hội Cựu chiến binh liên cơ quan

Ngày 5/12, Hội Cựu chiến binh (CCB) TX. Hương Trà tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam, đồng thời, công bố thành lập Hội CCB Liên cơ quan Thị ủy & Mặt trận đoàn thể.

Hương Trà Thành lập Hội Cựu chiến binh liên cơ quan
Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu

Hồ Văn Phúc, trú tại thôn A Đâng, xã Hồng Thái (A Lưới) và Nguyễn Hùng, trú tại thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu (Phong Điền) là hai trong nhiều gương điển hình cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu
Cựu chiến binh trên mặt trận mới

Với nhiều hoạt động ý nghĩa, Hội Doanh nhân – Chủ trang trại (DN – CTT) CCB tỉnh là điểm tựa, đồng hành cùng ước mơ vượt khó, thoát nghèo của nhiều cựu chiến binh (CCB).

Cựu chiến binh trên mặt trận mới

TIN MỚI

Return to top