ClockThứ Hai, 13/08/2018 21:42

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: Hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp phát triển

TTH - Tại hội nghị “Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra chiều 13/8, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định trước hơn 300 doanh nghiệp (DN) tham dự: Đây là cơ hội để lãnh đạo tỉnh hiểu rõ hơn những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN, nhà đầu tư, nhằm tìm cách tháo gỡ phù hợp, cải thiện, nâng cao mối quan hệ giữa DN và chính quyền các cấp, hướng đến một chính quyền thân thiện, phục vụ, hiện đại, hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chủ trì hội nghị đồng hành cùng doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao đổi với báo chí về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp mong muốn đóng góp nhiều hơn

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại, nhiều chủ DN, nhà đầu tư hoan nghênh và đánh giá cao buổi gặp gỡ của UBND tỉnh, đồng thời cho rằng đây là cơ hội để DN được đóng góp, chia sẻ, nói lên tiếng nói của mình. Bà Nguyễn Lan Vi, Tổng Giám đốc Công ty CP VKSTAR- công ty nổi tiếng với chương trình Huế Áo dài show cho rằng, là một người con xa quê, nay trở về Huế với ước nguyện đóng góp một phần cho Huế và mong muốn chính quyền tỉnh hỗ trợ về mặt bằng biểu diễn, liên kết các DN để phát triển sản phẩm áo dài truyền thống Huế.  

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ rất hoan nghênh con đường khởi nghiệp của bà Nguyễn Lan Vi. “Tôi đi Hội An, thấy họ có dịch vụ bán vải và may đo áo dài trong ngày cho du khách. Họ làm được tại sao mình không làm được là một điều trăn trở khi Huế là cái nôi của áo dài truyền thống. Tôi đang cho các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu tìm một địa điểm mang đậm đặc sắc không gian văn hóa Huế để giới thiệu cho công ty làm tổ hợp có thể biểu diễn, trưng bày, may đo áo dài phục vụ du khách”- Chủ tịch UBND tỉnh nói và kêu gọi các DN, nhất là DN nữ quan tâm liên kết phát triển với chị Lan Vi.

Bà Nguyễn Lan Vi, Tổng Giám đốc Công ty CP VKSTAR đặt câu hỏi đến lãnh đạo tỉnh

Cùng quan tâm về vị trí cho sản phẩm làng nghề, chuỗi cung ứng dịch vụ làng nghề truyền thống, một số DN cho rằng, tỉnh cần ưu tiên nguồn lực cho vấn đề này. Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, hiện tỉnh đang tổ chức phối hợp trưng bày gian hàng sản phẩm làng nghề ở các siêu thị; đưa ra các tiêu chí nhận diện sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên như thế là chưa đủ. “Hiện tỉnh đang có khu đất 30ha ở đường Minh Mạng (phường Thủy Xuân, TP. Huế) để xây dựng khu làng nghề truyền thống kết hợp dịch vụ du lịch. Tôi chính thức kêu gọi các DN đầu tư vào đây. Tỉnh sẽ đầu tư khoảng 30 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và sẽ có những ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào đây”- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nói và đề nghị cộng đồng DN nghiên cứu đầu tư.

Liên quan đến một số mô hình du lịch mới, về kêu gọi đầu tư như ý kiến của ông Trần Quang Hào- Giám đốc Huetourist và một số DN, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hằng năm tỉnh đều ban hành các danh mục kêu gọi thu hút đầu tư. Tuy nhiên vì những lý do khách quan, các danh mục này có khi chưa tiếp cận đến các DN. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung rà soát, bổ sung, thực hiện cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ nhà đầu tư và DN; trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đến các vùng trọng điểm kêu gọi đầu tư.

Doanh nhân Nguyễn Văn Lộc- Giám đốc Công ty chăn nuôi Quốc Trung mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn và tạo điều kiện về quỹ đất, vay vốn cho công ty mình phát triển sản xuất ở Quảng Điền. Các doanh nhân Lê Văn Trường- Công ty Du lịch Á Đông và Nguyễn Văn Tải- Công ty xây dựng Đồng Tâm đều mong muốn tỉnh có các chính sách mở về thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế, tăng thời gian thuê đất, sửa đổi một số luật định cho phù hợp với DN…

Đổi mới, đột phá trong tư duy

Mục tiêu đạt được đến cuối năm 2018 so với năm 2017: số lượng DN thành lập mới tăng 15% so với năm 2017 và đạt 6.800 DN; lao động trong DN đạt hơn 100.000 người, tăng 5%; giá trị xuất khẩu DN đạt 920 triệu USD, tăng 15%; vốn đầu tư từ khối DN đạt trên 13.000 tỷ đồng, tăng trên 20%; phát triển 3-5 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 2-3 DN khởi nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ, nhà đầu tư.

Tại buổi gặp gỡ, nhiều DN không chỉ nêu câu hỏi với lãnh đạo tỉnh mà còn đóng góp ý kiến với mong muốn tham gia, đồng hành cùng chính quyền trong quá trình thực hiện các hoạt động ở địa phương, nhằm tạo tiếng nói chung giữa DN và chính quyền trong công cuộc phát triển, đưa tỉnh nhà lớn mạnh và phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. 

Phát biểu kết thúc buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận mặc dầu là địa phương có nhiều lợi thế khác biệt để phát triển kinh tế, nhưng vẫn chưa được khai thác, phát huy một cách đúng mức để tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế. Để thay đổi vấn đề này, cần có sự chung sức, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng các nhà đầu tư và DN. Khẳng định DN có bước phát triển đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, những vấn đề ngoài thẩm quyền của tỉnh, sẽ được đề xuất, kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội sớm có những cơ chế, chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp.

Trên cương vị người đứng đầu chính quyền tỉnh, ông Phan Ngọc Thọ cam kết quyết tâm đổi mới, tạo ra những đột phá trong tư duy quản lý và phát triển; tạo điều kiện thông thoáng, minh bạch; xây dựng đầy đủ các thiết chế pháp lý, quy hoạch; tập trung nguồn lực xây dựng cơ bản hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hỗ trợ tối đa các thủ tục hành chính để nhà đầu tư và cộng đồng DN có thể bỏ vốn đầu tư, khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh vào mục đích tạo ra lợi nhuận cho DN, thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn các nhà đầu tư và DN chung tay đóng góp về cả tư duy, tinh thần và vốn đầu tư vào chính sách, định hướng phát triển của tỉnh.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển

Từ năm 2000, Thừa Thiên Huế gặp muôn vàn khó khăn sau trận “đại hồng thủy” cuối năm 1999. Dù thế, với những nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị, toàn thể người dân, sau gần 25 năm, thành quả lớn nhất là thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.

5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển
Tuyên dương 12 đảng viên trẻ tiêu biểu

Sáng 24/1, Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp TP. Huế tổ chức lễ dâng hoa, báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và tuyên dương đảng viên trẻ xuất sắc tiêu biểu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hoạt động hướng đến kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025).

Tuyên dương 12 đảng viên trẻ tiêu biểu
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Baosteel Huế cùng hành trình 10 năm phát triển và đóng góp

Công ty TNHH Baosteel Can Making (Huế Việt Nam) được nhận giấy chứng nhận đầu tư do Ban Quản lý Khu Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cấp (nay là Ban Quản lý Khu Kinh Tế, Công nghiệp TP. Huế) vào ngày 18/6/2015. Nhà máy được đặt tại Lô B-13, Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài, phường Phú Bài, TX. Hương Thủy, TP. Huế. Đây là doanh nghiệp có vốn 100% nước ngoài (tổng vốn đầu tư là 84.833.300 USD) với ngành nghề đặc thù - ngành sản xuất lon nhôm duy nhất tại TP. Huế đến nay.

Baosteel Huế cùng hành trình 10 năm phát triển và đóng góp
Doanh nghiệp công nghệ số vươn ra biển lớn

Điểm nhấn công nghệ Việt Nam năm 2024 là sự kiện Tập đoàn NVIDIA (nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới có giá trị vốn hoá 3.550 tỷ USD đã mua lại VinBrain của Tập đoàn Vingroup, tạo dấu mốc doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vươn ra biển lớn.

Doanh nghiệp công nghệ số vươn ra biển lớn

TIN MỚI

Return to top